13/10/2015 11:24 GMT+7 | Âm nhạc
(Thethaovanhoa.vn) - 5 cô gái của Bond quyến rũ và ăn mặc hở hang hơn lệ thường so với thể loại âm nhạc mà họ theo đuổi là nhạc cổ điển. Chất nhạc của Bond nhanh, mạnh, phóng khoáng và hợp với đám đông hò reo hơn là những khán phòng tĩnh lặng. Tất cả đều hướng đến những mục tiêu rõ ràng, là danh tiếng và tiền bạc.
Bond vừa đến Việt Nam biểu diễn trong Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon) hôm 11/10, khiến nhiều khán giả được dịp hoài niệm về một thời đắm chìm trong âm nhạc cúa họ hồi những năm 2000.
Bond từng trải qua một lần thay đổi nhân sự vào năm 2008 khi thay thế một thành viên. Bởi vậy, được gọi là tứ tấu đàn dây, nhưng có 5 cô gái từng gắn bó với tên tuổi ban nhạc. 5 cô gái tuyệt đẹp, cùng với thời gian, trở thành những người đàn bà quyến rũ.
Liều mình đại chúng hóa nhạc cổ điển
Bond là tứ tấu đàn dây có đĩa nhạc bán chạy nhất nhất trong lịch sử âm nhạc, với khoảng 4 triệu đĩa. Nhóm từng biểu diễn tại lễ bế mạc Olympic 2012. Các bản nhạc hay nhất của ban nhạc có Victory, Explosive, Fuego, Viva!, Shine, Wintersun, Scorchio, Duel, Gypsy Rhapsody…, hầu hết đều rất quen thuộc với công chúng Việt Nam.
Ra đời năm 2000, ban đầu, Bond có 4 thành viên là Haylie Ecker (từng là violon chính, người Australia), Tania Davis (violin chính, người Australia), Eos Chater (violin thứ, người xứ Wales) và Gay-Yee Westerhoff (cello, người Anh). Năm 2008, Ecker rời nhóm và Elspeth Hanson (viola, người Anh) thay thế.
Các thành viên đều tốt nghiệp từ những trường đào tạo âm nhạc đẳng cấp. Đó là Học viện âm nhạc quốc gia Anh, Cao đẳng âm nhạc quốc gia Anh, Cao đẳng âm nhạc Guildhall và Trinity... Bên cạnh tài năng, vẻ ngoài xinh đẹp có thể coi như một yếu tố phụ, nhưng được nhấn mạnh trong từng video nhạc và xuyên suốt sự nghiệp của Bond.
4 cô gái của Bond được tập hợp lại thành một ban nhạc vì ở họ hội đủ các yếu tố: tài năng về nhạc cổ điển, xinh đẹp hơn người, tràn đầy năng lượng và sự nhạy cảm nghệ thuật để làm nên những màn trình diễn vừa bắt kịp xu hướng âm nhạc hiện đại vừa có chất lượng nghệ thuật cao khiến công chúng không thể cưỡng lại. Album đầu tiên mang tên Born và đĩa đơn đầu tiên Victory thể hiện rất rõ điều này. Victory thành công đến mức đến tận hôm nay vẫn là một bản nhạc nổi tiếng thế giới.
Bởi vậy, riêng Bond nắm giữ thành công khi chọn con đường hiếm hoi, đó là đi giữa nhạc cổ điển và nhạc pop. Họ đã chứng minh một thứ âm nhạc như vậy thực sự tồn tại và có thể làm nên chuyện.
“Trong một dàn nhạc, xét trên phạm vi rộng nhất, người nhạc công phải làm trọn vẹn tầm nhìn sáng tạo của mình” –Tania Davis, thành viên quan trọng của Bond, từng nói – “Với những gì Bond đang làm, chúng tôi vừa là đạo diễn vừa là nghệ sĩ dẫn dắt khán giả”.
Gây tranh cãi toàn cầu về nhạc cổ điển pha trộn
Buổi đầu sự nghiệp, vì lý do thương mại, họ được giới thiệu như “Spice Girls của nhạc cổ điển”. Sự so sánh này đã đặt họ cạnh nhóm nhạc nữ hát pop đang rất nổi thời bấy giờ.
Một phần vì Bond cũng có ngoại hình long lanh và thu hút như Spice Girls, một phần vì âm nhạc của Bond cũng đậm tính giải trí và dành cho số đông. Nhưng sau này, và nhất là trong lần sang Việt Nam gần đây, họ dần tách mình khỏi danh xưng “Spice Girls của nhạc cổ điển”.
Lý do quá rõ ràng: Bond đã có vị thế riêng trong làng nhạc thế giới và không cần phải dựa vào ai cả. Spice Girls thậm chí còn tan rã, nhưng Bond vẫn tồn tại. Chất nhạc của Bond là sự kết hợp của nhạc cổ điển, nhạc Latin, jazz, rock, pop, electro, Ấn Độ và Trung Đông...
Quá nhiều chất nhạc trộn lẫn tạo nên một phong cách vừa rất năng động bình dân vừa mang vẻ sang trọng kiểu quý tộc. Ban nhạc đã thu hút được cộng đồng hâm mộ quốc tế rất đông đảo trong suốt 15 năm qua.
Thành công của Bond không phải là không gây tranh cãi. Là cây cầu bắc ngang giữa nhạc cổ điển - nhạc pop và âm nhạc lại quá đại chúng, ban nhạc bị chỉ trích là “không đủ chất cổ điển”. Chỉ trong tuần đầu tiên sau khi album đầu tay lên đến vị trí quán quân bảng xếp hạng, lời chỉ trích này đã xuất hiện.
“Điều đó khởi đầu cho một cuộc tranh cãi lớn về điều làm nên chất nhạc cổ điển” - EosChater nhớ lại - “Tranh cãi đó là chuyện hay, ít nhất hãng đĩa của chúng tôi nghĩ vậy vì chủ đề đó được nhắc đến khắp nơi. Chúng tôi thấy mình trở thành chủ đề của mọi thông tin trên báo chí, lan truyền từ Anh sang châu Âu, đến Australia và America”.
“Chúng tôi không ngạc nhiên” - Gay-Yee, cô gái có vẻ ngoài Á đông, bày tỏ. Với tầm nhìn xa, nhạc của Bond đã du hành đến hơn 60 quốc gia, các bản nhạc như Victory, Viva, Fuego... được bật lên trong những dịp long trọng nhất ở nhiều nước vì khả năng tạo dựng không khí sôi động của chúng.
Ở thị trường Mỹ, Billboard đã lập ra một bảng xếp hạng cho thể loại nhạc cổ điển pha trộn. Bảng xếp hạng này đã nhiều lần vinh danh Bond, đồng thời, cũng tránh làm cho những người yêu thích nhạc cổ điển thuần túy phải tức giận
Gay-Yee nhớ lại rằng, Bond là ban nhạc đầu tiên trên thế giới đi theo con đường này, dẫn lối cho nhiều nghệ sĩ khác cũng chọn dòng nhạc pha trộn cổ điển và pop. Đối với nhiều nghệ sĩ, đó như một con đường sống trong thời đại nhạc cổ điển gặp khó khăn như ngày nay.
Chính vì sự hiện đại và cởi mở này, Bond đứng vững qua nhiều thử thách. Năm 2008, Haylie Ecker, cô gái xinh đẹp có nụ cười rạng rỡ nổi bật trong các MV của Bond, được coi là “linh hồn” của ban nhạc, rời nhóm. Cô để lại khoảng trống khó lấp trong lòng người hâm mộ. Nhưng Bond vẫn tự làm mới mình và tiếp tục có chỗ đứng vững chắc trong lòng người yêu nhạc.
Hiện, 4 thành viên Tania, Eos, Elspeth và Gay-Yee đang thu âm album mới ở London và Los Angeles. Họ tiếp tục lưu diễn vòng quanh thế giới.
Những nghệ sĩ có cái đầu tỉnh táo |
Nha Đam
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất