Bóng chuyền nữ Việt Nam vì sao chưa thể thắng Thái Lan?

15/08/2024 06:31 GMT+7 | Thể thao

2 thất bại liên tiếp trước Thái Lan ở SEA V.League vừa qua đem tới ít nhiều tiếc nuối và câu hỏi thêm lần nữa đặt ra, đến bao giờ bóng chuyền nữ Việt Nam mới có được 1 chiến thắng trước kình địch số 1 ở khu vực?

Khoảng cách đã thu hẹp...

2 trận đấu quyết định giữa đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam với Thái Lan trong khuôn khổ SEA V.League khép lại với chiến thắng thuộc về các tay đập xứ chùa vàng. Lần đầu là trận thắng 3-2 (25-18, 29-27, 25-23, 21-25, 13-15) sau 5 set tại Vĩnh Phúc, lần sau là tỷ số 3-1 (25-22, 25-17, 19-25, 25-15) trong cuộc tái đấu tại Nakhon Ratchasima. Thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt giành ngôi á quân chung cuộc, cũng giống như kết quả mùa giải trước.

Dưới góc nhìn của các nhà chuyên môn, thất bại vừa qua không bất ngờ nhưng có phần đáng tiếc khi có thời điểm chiến thắng đã ở rất gần, đặc biệt trong trận đấu tại Vĩnh Phúc hồi đầu tháng 8. Lần đầu tiên sau nhiều năm, bóng chuyền nữ Việt Nam có một trận đấu ngang ngửa về chuyên môn và thế trận trước kình địch số 1 ở khu vực. Đặc biệt, sự chênh lệch về trình độ cá nhân ở từng vị trí trên sân không còn khoảng cách.

"Nếu trước đây, cơ hội giành chiến thắng cho Việt Nam chỉ là 20% hoặc 30%, thì ở trận vừa rồi là 50-50. Có những tiếc nuối khi đội hình không phải mạnh nhất, có dấu hiệu quá tải, suy giảm thể lực và không duy trì được hiệu quả cao trong thời điểm quyết định, dẫn đến thua cuộc. Dù vậy, điều cần ghi nhận là sự tự tin, không còn tâm lý e ngại, chúng ta chơi sòng phẳng và nhiều thời điểm áp đảo đối thủ", HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đánh giá.

HLV Thái Thanh Tùng, người từng nhiều năm gắn bó với ĐTQG cũng cùng quan điểm trên. "Đội tuyển nữ có tiến bộ rất đáng ghi nhận về tâm lý, bản lĩnh thi đấu và bước đầu san bằng được sự chênh lệch với Thái Lan so với trước. Họ thắng nhờ sự sắc sảo hơn ở thời điểm quyết định nhưng về chuyên môn chúng ta đã có sự tiến bộ ở chuyền một phòng thủ, chuyền hai và phát bóng chiến thuật. Sự nhuần nhuyễn và tốc độ trong phối hợp cũng được cải thiện rõ nét, tạo sự đa dạng về hỏa lực trên mặt lưới".

Theo đánh giá của HLV Thái Thanh Tùng, sự chuyển biến về chất lượng chuyên môn của đội tuyển nữ đến từ việc quy tụ được các tay đập tài năng, đang bước vào độ chín như Bích Tuyền, Kiều Trinh ở vị trí đối chuyền, chuyền hai Lâm Oanh, chủ công Như Quỳnh, Thanh Thúy, phụ công Trà Giang và libero Khánh Đang. So sánh từng vị trí, chất lượng đội hình là ngang ngửa với Thái Lan song vẫn cần điều chỉnh để tạo ra hiệu quả cao hơn.

"Có chút đáng tiếc khi Thanh Thúy không dự trọn vẹn giải đấu này và sự vắng mặt phần nào làm ảnh hưởng tới khả năng thi đấu của cả đội. Về cá nhân, chúng ta không thua kém, thậm chí ở một vài vị trí còn nhỉnh hơn Thái Lan nhưng cái chưa bằng được họ là sự kết hợp tập thể. Cải thiện được yếu tố này, tuyển nữ Việt Nam còn có thể hay hơn nữa và tôi nghĩ rằng, BHL cũng hiểu rõ điều đó", ông Tùng chia sẻ thêm.

Bóng chuyền nữ Việt Nam vì sao chưa thể thắng Thái Lan? - Ảnh 1.

Với nhiều tay đập xuất sắc, bóng chuyền nữ Việt Nam đang khao khát một chiến thắng trước Thái Lan. ẢNH: AVC

Theo thống kê từ năm 2013 trở lại đây, Thái Lan toàn thắng 18 trận trước Việt Nam trong các giải đấu chính thức cấp châu lục, khu vực và giao hữu quốc tế. Thứ hạng giữa 2 đội trên bảng xếp hạng của FIVB cũng có khoảng cách khá lớn, Thái Lan đứng thứ 14 (thứ 3 châu Á), Việt Nam đứng thứ 32 (thứ 5 châu Á). Những con số này chỉ ra rằng, để vượt qua Thái Lan với bóng chuyền Việt Nam về thứ hạng là điều không tưởng, nhưng hi vọng vào một chiến thắng cụ thể hoàn toàn có thể trở thành hiện thực ngay sau những trận đấu vừa qua.

Nhưng chiến thắng là không dễ

Xuyên suốt 18 cuộc đối đầu dài trong hơn 1 thập kỷ là sự vượt trội về kết quả của Thái Lan. Điều này không đơn thuần đến từ yếu tố chuyên môn thuần túy về con người hay chiến thuật ở cấp ĐTQG, mà là sự khác biệt về nền tảng. Bóng chuyền nữ Thái Lan trở thành một thế lực của châu Á (cạnh tranh với Trung Quốc, Nhật Bản) và vươn tầm ra khỏi châu lục, giành quyền góp mặt ở sân chơi lớn nhất thế giới (FIVB Volleyball Nations League).

Thành quả hiện tại đến từ sự phát triển đồng bộ và mạnh mẽ của hệ thống thi đấu quốc nội nhiều năm qua, mà đỉnh cao là giải VĐQG tổ chức theo mô hình chuyên nghiệp với sức cạnh tranh rất lớn và lịch thi đấu ổn định kéo dài 6 tháng. Thậm chí, nơi đây từng là điểm đến của một số tay đập Việt Nam như Lâm Oanh, Trà Giang và Kiều Trinh các năm gần đây và hơn ai hết, họ hiểu rất rõ về nội lực của đối thủ.

"Sang Thái Lan nhìn tận mắt cách họ làm, tổ chức và đầu tư cho bóng chuyền nữ thì mới hiểu được hết nguồn gốc sức mạnh của ĐTQG. Thực tế, Thái Lan đi trước, đi nhanh và đã đi xa hơn bóng chuyền Việt Nam ở nhiều khía cạnh, từ các giải đấu quốc nội, đến đội tuyển trẻ và cao nhất là ĐTQG. Nhưng trong mỗi giai đoạn khác nhau ở cuộc thi đấu cấp ĐTQG, lúc này, sự chênh lệch về trình độ không còn nhiều", HLV Nguyễn Tuấn Kiệt chia sẻ.

Việc đặt mục tiêu giành chiến thắng trước kình địch số 1 khu vực được nhiều người nhắc tới hay nói một cách khác, đó là ước mơ của những người làm chuyên môn hiện tại. Thuận lợi cho bóng chuyền Việt Nam là đang sở hữu "thế hệ vàng", có trình độ chuyên môn tốt nhất và đồng đều nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, những nhân tố như Thanh Thúy, Bích Tuyền có thể gây đột biến, yếu tố rất quan trọng để làm nên cuộc lật đổ.

"Tuyển nữ trút bỏ được tâm lý tự ti khi đối đầu với Thái Lan và quy tụ được nhiều gương mặt xuất sắc, đó là cơ hội "vàng" để tìm kiếm chiến thắng. Điều cần làm là chăm sóc tốt hơn về dinh dưỡng, điều kiện tập luyện, nâng cao thể lực để phát huy tối đa khả năng chuyên môn thì sẽ có hy vọng. Còn nếu bỏ lỡ, chưa biết đến bao giờ mới có được lứa VĐV như lúc này", HLV Thái Thanh Tùng nhận định.

Mới đây, Bích Tuyền lọt vào danh sách 10 đối chuyền xuất sắc nhất thế giới theo xếp hạng của Volleybox (một chuyên trang về bóng chuyền), sau khi ghi 82 điểm ở vòng 1 và 58 điểm ở vòng 2 SEA V.League. Dù thống kê đơn thuần dựa trên điểm số nhưng cũng đáng mừng khi bóng chuyền Việt Nam lần đầu có một tay đập ghi được điểm ở mức kỷ lục như vậy và tạo nên động lực, cơ sở để đội tuyển nữ hướng tới mục tiêu mang tính đột phá.

Hy vọng về một chiến thắng trước Thái Lan đang được nhen nhóm trong cuộc tái ngộ tại SEA Games 33. Thời gian cho thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt còn nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng của công tác chuẩn bị sau khi đã tường tận về sở trường và sở đoản của chính mình và đối thủ.

Mong rằng, thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt sẽ lần đầu tìm ra lời giải cho bài toán Thái Lan.

Đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam dự SEA V.League 2024

Đội tuyển bóng chuyền nam với 14 tay đập, dưới sự dẫn dắt của HLV Trần Đình Tiền đã lên đường tới Philippines vào ngày 14/8 để chuẩn bị cho trận ra quân tại giải SEA V.League. Về lực lượng, sự vắng mặt đáng tiếc nhất là trường hợp của chuyền hai Đinh Văn Duy do chấn thương. Ngoài ra, Từ Thanh Thuận được trao cơ hội trở lại ở vị trí đối chuyền thay cho Phạm Quốc Dư.

Mục tiêu của đội tuyển bóng chuyền nam là phấn đấu cải thiện thứ hạng khi từng đứng thứ 3 tại vòng 1 và thứ 2 tại vòng 2 mùa giải trước. Theo điều lệ, 4 đội bóng dự SEA V.League gồm Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Giải đấu diễn ra 2 lượt (giống như giải nữ) để xếp hạng chung cuộc và đội đứng cuối sẽ không được tham dự mùa giải năm sau.

Theo lịch thi đấu, đội tuyển bóng chuyền nam sẽ lần lượt gặp các đối thủ như Philippines (17h00 ngày 16/8), Thái Lan (14h00 ngày 17/8) và Indonesia (14h00 ngày 18/8). Kết thúc vòng 1, toàn đội sẽ di chuyển tới Indonesia để tiếp tục thi đấu vòng 2.

Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link