Bóng chuyền và 20 năm của một 'ngôi sao đang lên'

28/11/2024 06:16 GMT+7 | Thể thao

Hôm 26/11 vừa qua, CLB bóng chuyền VTV Bình Điền Long An vừa tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển. Thực ra, 20 năm chỉ là một con số còn khiêm tốn nếu chúng ta tính luôn đội bóng tiền thân của họ là Dệt Long An, một trong những đội bóng hiếm hoi của bóng chuyền nữ khu vực phía Nam.

Thời của Dệt Long An, mặc dù là "tượng đài" phía Nam nhưng thực ra, đội bóng này không thể sánh ngang với làng cầu nữ phía Bắc với những tên tuổi như Bộ Tư lệnh Thông tin, Bưu điện Hà Nội hay Bưu điện Quảng Ninh. Nhưng trong 20 năm sau khi hợp tác cùng doanh nghiệp Bình Điền thì đội bóng có 4 chức vô địch quốc gia, hiện đang là đương kim vô địch và đóng góp những ngôi sao lớn cho đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam như Nguyễn Thị Ngọc Hoa hay Trần Thị Thanh Thúy…

Không cần phải chứng minh, thì rõ ràng việc có sự tham gia của doanh nghiệp tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn. Không chỉ là vấn đề thành tích, mà VTV- Bình Điền Long An còn tiên phong "xuất khẩu" cầu thủ ra nước ngoài rất thành công. Nguyễn Thị Ngọc Hoa từng vô địch châu Á trong màu áo CLB Thái Lan, Trần Thị Thanh Thúy chơi bóng tại Nhật Bản và mới đây còn sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng điều thú vị đó là VTV-Bình Điền Long An hiện vẫn còn trong sự quản lý của Nhà nước, nghĩa là thực tế họ vẫn đang trong tình trạng "bán chuyên". Trong tổng số 18 đội bóng (9 đội nam – 9 đội nữ) tham gia giải vô địch quốc gia 2024, chỉ có đúng 2 CLB thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp đó là Hóa Chất Đức Giang Lào Cai (nam) và Ngân Hàng Công Thương (nữ). Một số đội bóng khác thì gần như vẫn trực thuộc cơ quan quản lý địa phương, chỉ ghép tên với doanh nghiệp thông qua hợp đồng quảng cáo – tài trợ ngắn hạn.

Đây là câu chuyện rất đáng suy nghĩ. Ở cái thời mà bóng đá vẫn còn nặng tính bao cấp hồi các năm 1990, thì bóng chuyền đã gần đạt ngưỡng chuyên nghiệp. Mặc dù thuộc các doanh nghiệp quốc doanh, nhưng những SEAProdex, Dệt Thành Công, Bưu Điện Hà Nội, Bưu Điện TP.HCM… khi đó vận hành theo cơ chế doanh nghiệp. Quá trình độc lập này cũng có lý do, vì bóng chuyền được ưa chuộng và kinh phí "nuôi" đội bóng cũng không quá lớn.

Bóng chuyền và 20 năm của một “ngôi sao đang lên” - Ảnh 1.

Đội bóng chuyền nữ VTV Bình Điền Long An nhận chức vô địch quốc gia 2024. Ảnh: CLB bóng chuyền VTV Bình Điền Long An

Nhưng như đã đề cập, gần 30 năm trôi qua, số CLB chuyên nghiệp thực thụ của bóng chuyền không nhiều hơn trước. Tình trạng bấp bênh tài chính vẫn còn đó, như trường hợp của Sanest Khánh Hòa, một "tượng đài" khác của bóng chuyền nam trong 2 thập niên qua với 4 chức vô địch quốc gia, có khả năng sẽ được doanh nghiệp trả về cho địa phương ở năm sau do các khó khăn về tài chính.

Trở lại với câu chuyện của VTV – Bình Điền Long An. 20 năm của một quá trình hợp tác Địa phương – Doanh nghiệp như thế cũng là rất bền chặt, lâu dài. Tại lễ kỷ niệm, hai bên cũng ký thoả thuận trách nhiệm nhằm khẳng định mối quan hệ này còn tiếp tục. Tuy nhiên, như đã nói, đội bóng vẫn nằm trong tình trạng "bán chuyên", thế nên câu hỏi đặt ra là tại sao bóng chuyền không thể phát triển chuyên nghiệp dù đã từng có cơ chế đi trước so với đại đa số các môn khác? Hoặc một câu hỏi khác: tại sao bóng chuyền không thể làm được như bóng đá và bóng rổ, những môn chơi có sự tương đồng về truyền thống cũng như điều kiện vận hành.

Nếu để tìm điểm nghẽn trong việc phát triển thể thao chuyên nghiệp tại Việt Nam, có lẽ chính bóng chuyền là nơi để tập trung nghiên cứu. Hơn 20 năm trước, bóng chuyền đã từng có giải GrandPrix dành cho các CLB hàng đầu, môn thể thao này cũng ưu ái lên sóng truyền hình trực tiếp đài quốc gia VTV nhiều chẳng kém gì bóng đá, họ cũng tiên phong trong việc đưa các trận đấu về các địa phương để quảng bá và hút khán giả.

Và bóng chuyền cũng có những thành tích quốc tế tiến bộ qua từng năm. Thế nhưng, kể cả khi có những điều kiện và sự đột phá, thì tiến trình lên chuyên vẫn chậm…

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link