Tiền không phải là tất cả

16/01/2011 13:05 GMT+7 | Hạng Nhất

(TT&VH) - Bóng đá Nam Định vẫn chưa thể tìm ra giải pháp ngăn chặn cuộc chảy máu tài năng, khi Danh Ngọc – tài năng trẻ sáng giá nhất của đội bóng thành Nam, đã là cái tên mới nhất công khai ý định đào thoát. Rất thật, trong một lần chia sẻ với TT&VH, tuyển thủ U23 QG, Hoàng Danh Ngọc, khẳng định: “Tôi cần một môi trường chuyên nghiệp và giàu tính cạnh tranh hơn để phát triển sự nghiệp”. Nó có nghĩa rằng, tiền hay cuộc sống vật chất xa hoa, chưa hẳn đã là tiêu chí đầu tiên mà cầu thủ nghĩ tới cho một cuộc ra đi.

Cách đây hơn nửa thập niên, cầu thủ sáng giá nhất và là đội trưởng Nam Định, Nguyễn Trung Kiên, chuyển nhượng vào TMN.CSG (đội bóng tiền thân của CLB TP.HCM bây giờ) với bản hợp đồng được xem là bom tấn ở thời điểm bấy giờ, với giá đội lên đến 1,7 tỷ đồng/7 năm. Ai cũng nghĩ Trung Kiên sẽ hưởng trọn số tiền phí hợp đồng (gọi nôm na là lót tay), nhưng thực tế khác xa, dù Kiên lúc ấy đã quá 23 tuổi và về nguyên tắc, anh có thể ra đi tự do, khi đã hoàn thành xong nghĩa vụ cống hiến – phục vụ cho đội bóng quê hương đã có công đào tạo ra mình. Nhưng, làm gì có chuyện đó, vì hợp đồng của những người như Kiên có giá trị đến năm… 3.000 cơ mà?!

Toàn bộ số tiền bán Kiên cho TMN.CSG được chuyển về cho Nam Định. Trung Kiên được mua một căn hộ giá ưu đãi ở TP.HCM, mà đó gọi là chút đãi ngộ của riêng lãnh đạo đội bóng mới (chứ chẳng liên quan gì đến bản hợp đồng). Kiên rời Nam Định ở tuổi 25, nhưng giờ, ở tuổi 32, anh vẫn phải còng lưng để thực hiện nốt năm cuối của bản hợp đồng gần như vô thời hạn. Nhà cũng không còn nữa, bởi anh đã bán cách đây vài năm, khi nhận ra mình không hợp với môi trường bóng đá xứ sở này. Nhưng, nếu có lặp lại, e rằng Trung Kiên cũng khó có thể làm khác được, vì quyền quyết định cuối cùng không phải thuộc về anh.


Sau khi Văn Duyệt (phải) ra đi, bóng đá Nam Định chỉ còn lại vài cái tên đáng quan tâm như Chu Ngọc Anh (trái)

Tình huống tương tự với Duy Hoàng, chuyển vào HA.GL theo dạng biệt phái, mà theo lời Hoàng là “cho mượn”, một năm sau đó. Trung vệ tuyển U23 QG này cũng chẳng nhận được xu nào, từ bản hợp đồng… bằng miệng mà người ta thống nhất với nhau ấy, dù có thông tin, nó có giá đến 1,5 tỷ đồng. Hai trong số những cầu thủ nổi tiếng nhất của bóng đá thành Nam, trong khoảng 10 năm đổ lại, đã rời quê hương theo cách đó: cùng một kịch bản và cũng tàn lụi tài năng bằng một kịch bản giống nhau.

Năm ngoái, sau khi hàng loạt các trụ cột (8 người) khăn gói ra đi, Trung Kiên, Lương Phúc và Duy Hoàng được đề nghị quay lại “giúp” đội bóng quê hương qua cơn bĩ cực. Kiên về theo dạng cho mượn (từ TP.HCM), nhưng ngay cả bản hợp đồng có giá trị 2 năm đã ký với Lương Phúc, cầu thủ này cũng không được nhận một đồng nào gọi là phí hợp đồng. Lương cũng thuộc hạng làng nhàng. Không chấp nhận điều đó, Duy Hoàng từ chối khoác lại màu áo đội bóng quê hương và nghỉ bóng đá luôn, để chuyển qua kinh doanh. Giờ Duy Hoàng là giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh thép.

Phải trầy trật lắm mới có thể rời thành Nam, nhưng cuộc ra đi của 8 trụ cột Quang Huy, Trọng Lộc, Ngọc Lung, Thanh Tùng, Quốc Tuấn, Đức Dương, Văn Biển, Xuân Phú (đó là chưa kể Văn Nhiên, Mạnh Tú, Ngọc Tú…) như thể một cú sốc cho bóng đá Nam Định. Ngỡ như, người ta phải ngộ ra điều gì, sau khi chứng kiến cảnh đội bóng nhận vé xuống chơi giải hạng Nhất vì thiếu hụt lực lượng. Nhưng không. Giờ đến lượt Văn Duyệt, Mạnh Dũng và Danh Ngọc mới đây, cũng nối gót các đàn anh, Nam Định – địa phương đi đầu cả nước trong công tác đào tạo trẻ, đang khánh kiệt thực sự. Không đùa!

Tương lai bóng đá thành Nam sẽ đi về đâu, và đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, có lẽ không cần phải đặt ra câu hỏi nữa.

TRẦN HẢI

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link