Bóng đá nữ Việt Nam: Từ kỳ tích Cái Vồn đến giấc mơ World Cup

15/05/2014 15:29 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá nữ Việt Nam từng 2 lần vô địch Đông Nam Á, 4 lần đoạt HCV SEA Games và đang đứng trước cơ hội lớn để giành quyền góp mặt ở World Cup 2015 tổ chức tại Canada. Thế nhưng, vẫn không có nhiều người biết về cái nôi của bóng đá nữ Việt Nam cũng như chặng đường 81 năm hình thành và  phát triển đầy gian khó.

Đội bóng đá nữ đầu tiên ở châu Á

 Năm 1933, ông Phan Khắc Sữu, một kỹ sư nông học (quê ở Trà Ôn, Cần Thơ)  làm đơn xin phép với chính quyền thực dân thành lập đội nữ bóng đá Cái Vồn với ý tưởng nam nữ bình quyền, giải phóng phụ nữ. Lúc bấy giờ, ông Sữu đã vận động được 30 nữ thanh niên khoẻ mạnh, có hình thể tốt, tuổi từ 18 đến 32 chưa có gia đình và đồng ý tham gia vào đội bóng đá. Phụ trách huấn luyện đội là 3 huấn luyện viên: Ba Sung, Sáu Sung và Bảy Bá. Sau nhiều tháng huấn luyện nổi lên một số cầu thủ nữ có năng khiếu như: Mười Kén, Út Thôi, Hai Tỉnh, Ba Triệu, Út Lẹo... nhưng  xuất sắc nhất là một nữ sinh người Pháp 18 tuổi Magueritte đứng ở vị trí trung phong, làm đội trưởng.

Trận đấu đầu tiên của đội nữ Cái Vồn là với đội nam Mỹ Thuận và không chỉ trận đó, một thời gian dài sau, đối thủ của đội vẫn là những cầu thủ nam. Năm 1933, trong cuộc đọ sức với đội nam  Paul Bert vô địch giải hạng nhì ở Sài Gòn, các cầu thủ nữ Cái Vồn thi đấu ngang ngửa và trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 2-2.

Sau những ấn tượng của Cái Vồn, đội bóng đá nữ thứ hai cũng được thành lập tại Cần Thơ, đó là Xóm Chài. Ngày 2/7/1933 là ngày đáng nhớ khi lần đầu tiên có trận cầu giữa hai đội bóng đá nữ: Đội nữ Cái Vồn đấu với đội nữ Xóm Chài. Đó cũng là dấu mốc cho thấy bóng đá nữ chính thức được xã hội công nhận và các cầu thủ có thể coi đây là một nghề.

Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia với chỉ 6 đội

Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia bắt đầu được tổ chức từ năm 1998 và Hà Nội 1 là đội đã giành chức vô địch. Thế nhưng, cũng từ thời điểm đó đến nay, số lượng các đội bóng tham dự giải vô địch quốc gia hàng năm vẫn không có thay đổi, quanh quẩn chỉ gồm 6 đội bóng. Sau khi Hà Tây sát nhập vào Hà Nội thì hai đội Hà Nội và Hà Tây trước kia được thay bằng  Hà Nội 1 và Hà Nội 2. Bên cạnh đó, Than KSVN, GT Thái Nguyên, PP Hà Nam và TP.HCM là những cái tên còn lại.


Đội nữ bóng đá Cái Vồn ngày đầu thành lập.

Trong số này, Hà Nội là đội nhiều lần vô địch nhất với 9 lần vào các năm 1998, 1999, 2000, 2001, 2003, 2008, 2009, 2011, 2013. TP.HCM vô địch năm 2002, 2004, 2005, 2010. Than khoáng sản Việt Nam vô địch năm 2007 và 2012. Ngoài ra, Hà Tây (cũ) cũng từng lên ngôi vô địch năm 2006.

Tại giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2014, cho đến khi kết thúc giai đoạn lượt đi, PP Hà Nam đang tạm thời dẫn đầu với 12 điểm sau 5 lượt trận, hơn Hà Nội 1 chỉ 1 điểm. Lượt về của giải đấu năm nay sẽ bắt đầu từ ngày 18/7 trên SVĐ Nha Trang (Khánh Hòa).  Cùng với sự tiến bộ của PP Hà Nam với đội hình trẻ đang ngày càng đạt độ chín dưới sự dẫn dắt của cựu tiền vệ đội tuyển Việt Nam, Văn Thị Thanh, TNG Thái Nguyên cũng cho thấy bước chuyển mình mạnh mẽ, bất chấp những khó khăn về kinh phí. Tại giải bóng đá nữ VĐQG 2014, TNG Thái Nguyên dưới sự dẫn dắt của HLV Đoàn Việt Triều dù vẫn đứng thứ 5 trong 6 đội trên bảng xếp hạng nhưng lại có cùng 5 điểm như Than KSVN hạng 4. Đáng nói hơn, ở lượt đi mùa giải năm nay, các cầu thủ TNG Thái Nguyên đã có những trận đấu thuyết phục như hòa TP.HCM 2-2 hay Than KSVN 1-1.

Thời cơ và thách thức

 Ngày 25/8/2011, Ủy ban kỷ luật của FIFA đã ra quyết định cấm đội tuyển bóng đá nữ CHDCND Triều Tiên tham dự World Cup bóng đá nữ năm 2015, sau khi 5 tuyển thủ nước này bị phát hiện dùng chất kích thích tại vòng chung kết World Cup bóng đá nữ 2011 ở Đức tháng trước. Hình thức kỷ luật được áp dụng với đội tuyển CHDCND Triều Tiên nhưng lại mở ra cơ hội cho những đội bóng khác thuộc nhóm 2 ở khu vực châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Jordan giành tấm vé thứ 5, tấm vé cuối cùng thuộc châu Á đến World Cup.

Nhận thấy cơ hội lớn cho đội tuyển bóng đá nữ, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã lên một kế hoạch bài bản nhất từ trước đến nay để có thể thực hiện mục tiêu lần đầu tiên trong đời. Song song với kế hoạch tập huấn bài bản trong nước cũng như những chuyến tập huấn dài hạn ở Trung Quốc và Hàn Quốc, năm 2014, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam còn được hưởng chế độ đặc biệt, lớn nhất từ trước đến nay.


Tuyển bóng đá nữ Việt Nam vô địch SEA Games 22.

Liên đoàn bóng đá Việt Nam bằng những kênh quan hệ của mình đã tìm được những nhà tài trợ riêng cho đội tuyển bóng đá nữ. Đáng kể nhất, đã có hẳn chương trình đồng hành cùng bóng đá nữ Việt Nam hướng đến World Cup 2015 với khoản hỗ trợ từ một Mạnh Thường Quân lên tới 6 tỷ đồng. Nhờ có những khoản tài trợ như vậy mà các cầu thủ của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thấy mình được quan tâm, đầu tư tốt nhất từ trước đến nay. Dẫu cho với bóng đá nam thì chưa thể ngang bằng nhưng khoảng cách đã được thu hẹp đáng kể và đoàn quân HLV Trần Vân Phát cảm thấy mình được coi trọng để hướng sự tập trung cao nhất của mình cho mục tiêu dự World Cup, bỏ sang một bên nỗi lo cơm áo, gạo tiền hay các buổi ăn mừng là bữa tiệc ngọt tự tổ chức hay đơn giản chỉ là cốc trà đá bên vỉa hè.

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam được đầu tư đặc biệt nhưng các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Thái Lan, Myanmar, Jordan thậm chí còn được đầu tư lớn hơn thế nữa. Tấm vé dự World Cup sau những “đàn chị” Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc  chỉ có 1 chỉ có một nhưng cả đội tuyển Việt Nam lẫn Jordan, Myanmar hay Thái Lan đều trông vào.

Nói thách thức cho đội tuyển Việt Nam cũng chính vì lẽ đó.

Thành Đạt
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam chưa từng lọt vào vòng chung kết Cúp bóng đá nữ thế giới, nhưng đang hướng tới việc giành suất tham dự giải đấu này lần đầu tiên trong lịch sử vào năm 2015. Tại giải vô địch bóng đá nữ châu Á, đội tuyển đã 6 lần vào vòng chung kết.

Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những đội nữ mạnh nhất từng vô địch Đông Nam Á 2006 và 2012, á quân năm 2004 (Việt Nam 1) và 2008, hạng ba năm 2007, 2011, 2013. Ở đấu trường SEA Games, đội tuyển Việt Nam vô địch năm 2001, 2003, 2005 và 2009, á quân năm 2007 và 2013, hạng 3 năm 1997. (Năm 2011, bóng đá nữ không được đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games 26 tại Indonesia).

Tại Đại hội Thể thao châu Á (Asiad), đội tuyển Việt Nam đứng hạng 6 năm 2002 và dừng chân ở vòng đấu bảng các năm 1998, 2006, 2010. Trận đấu quốc tế đầu tiên: Thái Lan – Việt Nam: 3-2 (Jakarta, Indonesia tháng 10 năm 1997) Trận thắng đậm nhất: Việt Nam – Maldives: 14-0 (4/10/2004 tại TP.HCM) Việt Nam – Indonesia: 14-0 (20/10/2011 tại Vientian, Lào) Trận thua đậm nhất Việt Nam – CHDCND Triều Tiên: 1-12 (9/11/1999 tại Iloilo, Philippines)

Thể thao & Văn hoá cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link