Bóng đá Việt Nam: Hết 'Xuất', đến thời... 'Nhập'

10/02/2024 06:23 GMT+7 | Bóng đá Việt

Thủ môn Filip Nguyễn hoàn tất thủ tục xin quốc tịch Việt Nam và được gọi lên tập trung đội tuyển Việt Nam dự VCK giải vô địch bóng đá châu Á ASIAN Cup 2023 đúng như ước nguyện của cầu thủ này và gia đình. Còn ở chiều ngược lại, Công Phượng là cầu thủ Việt Nam duy nhất hiện còn chơi bóng ở nước ngoài, tại Nhật Bản trong màu áo Yokohama FC, bất chấp đội bóng này đã xuống hạng, còn chân sút hàng đầu của làng cầu nội chủ yếu là... mài đũng quần trên ghế dự bị ở xứ Phù Tang.

Sau nhiều năm hào hứng với trào lưu "xuất ngoại" cầu thủ nội, nhưng có lẽ bất thành vì nhiều lý do mà chủ yếu vẫn là khoảng cách về chuyên môn, lúc này xem ra việc "nhập tịch" những ngôi sao Việt kiều là hướng đi có hiệu quả hơn cho bóng đá Việt Nam. 

Công Phượng chưa muốn trở về...

Thời điểm CLB Yokohama FC xuống hạng cuối mùa giải J-League 1 2023, xuất hiện rất nhiều những thông tin, cả lời khuyên, tư vấn và góp ý về việc Công Phượng nên về lại V-League hay đến một giải đấu phù hợp với trình độ như Thai League để có thể tìm kiếm cơ hội ra sân thi đấu thường xuyên.

Tài năng và danh tiếng của tiền đạo quê Đô Lương (Nghệ An) là không thể phủ nhận, nhưng rõ ràng, chỉ khi tìm lại được chính mình Công Phượng mới có thể ghi điểm với HLV trưởng Philippe Troussier hòng trở lại màu áo đội tuyển Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Nhưng bất chấp những lời góp ý đó, Công Phượng vẫn không có ý định hồi hương và tiếp tục đặt ra cho mình mục tiêu được thi đấu thường xuyên hơn trên đất Nhật để lấy lại phong độ. Nói cách khác, CP 10 không có ý định trở lại Việt Nam thi đấu trước khi hết hợp đồng với Yokohama FC vào tháng 1/2026.

Được biết, Công Phượng đã ổn định cuộc sống tại Nhật Bản cùng gia đình. Vợ Công Phượng là Tô Ngọc Viên Minh hiện đang xây dựng sự nghiệp ở Nhật Bản. Tiền đạo người Nghệ An xác định kế hoạch cá nhân dài hơi khi ký hợp đồng ba năm với Yokohama FC đầu năm 2023, bất chấp việc đội rớt hạng xuống chơi tại J-League 2 từ mùa giải 2024. CLB Yokohama FC xây dựng kế hoạch cho mùa giải mới với mục tiêu thăng hạng trở lại J-League 1 và đội bóng này được đánh giá thuộc nhóm mạnh J-League 2 và đủ khả năng đua tranh vào Top 3 để lên hạng. Việc gia hạn hợp đồng thêm một năm với HLV Shuhei Yomoda và xác định giữ chân nhiều cầu thủ, trong đó có Công Phượng chứng minh cho tham vọng này.

Công Phượng chính là cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thi đấu nhiều nhất và hiện cũng là cầu thủ duy nhất còn trụ lại để chơi bóng ở một nền bóng đá tiên tiến, có đẳng cấp cao hơn V-League. Sự cạnh tranh khốc liệt ở môi trường bóng đá Nhật Bản không xa lạ gì với Công Phượng và bản thân Phượng sẵn sàng chấp nhận và bước tiếp khi hợp đồng với CLB Yokohama FC còn đến tháng 1 năm 2026.

Theo tìm hiểu, Công Phượng đến Nhật Bản không phải chỉ để đá bóng mà còn học cách làm bóng đá, tiếp cận phương pháp tiếp thị bóng đá ở xứ sở mặt trời mọc.Thời điểm Văn Toàn chia tay Seoul E-Land tại K-League 2 ở Hàn Quốc, chính Công Phượng đã đưa ra lời khuyên với người đồng đội thân thiết quê Hải Dương rằng nên ở lại hoặc chọn đội khác thay vì về V-League. Nhưng rốt cuộc, sau cùng Văn Toàn quyết định về Việt Nam khoác áo Thép Xanh Nam Định để được gần gia đình hơn, cũng như dần tìm lại chính mình trong cả màu áo CLB lẫn đội tuyển quốc gia.

Bóng đá Việt Nam: Hết "Xuất", đến thời... "Nhập"? - Ảnh 1.

Từ Công Phượng (trái) đến Filip Nguyễn đang cho thấy sự thay đổi về hướng đi của bóng đá Việt Nam

Việc "xuất khẩu" cầu thủ luôn là ước muốn của bất kỳ nền bóng đá còn đang phát triển nào và Việt Nam cũng không hề là ngoại lệ. Tuy nhiên, ngay cả khi vẫn còn Công Phượng đang đá bóng ở Nhật, thì khó có thể nói, ước muốn  này đã thành hiện thực với làng cầu Việt. Thất bại của Văn Hậu, Xuân Trường, Tuấn Anh... đặc biệt là Quang Hải hay kể cả Công Phượng dù được "đổ" cho nhiều lý do, nhưng lý do chính nhất là vẫn là khoảng cách còn quá lớn về chuyên môn của các ngôi sao nội với đẳng cấp của các nền bóng đá đạt tới tầm châu lục, chứ chưa nói đến tấm thế giới.

Filip Nguyễn và hướng đi mới thời hội nhập

Filip Nguyễn từng thi đấu cho các đội trẻ của Loko Vltavín trước khi gia nhập CLB hàng đầu của CH Czech  là Sparta Praha vào năm 2012. Năm 2013, Filip Nguyễn được đôn lên đội một của Sparta Praha với vai trò thủ môn dự bị. Không có cơ hội được ra sân, năm 2015, Filip Nguyễn rời CLB để tới Cidlina Nový Bydžov. Một năm sau, cầu thủ có quê cha là Hải Phòng chuyển đến Vlašim và có trận ra mắt vào ngày 26/ 3 khi đội bóng gặp Karviná.

Năm 2016, Filip Nguyễn từng về Việt Nam thử việc tại Thanh Hóa nhưng sau gần 1 tháng, anh đã không thể gia nhập đội bóng này vì vướng mắc thủ tục nhập tịch Việt Nam, Thanh Hóa thì không muốn dùng suất ngoại binh cho vị trí thủ môn.

Trở lại Czech, Filip Nguyễn tiếp tục chơi cho Vlašim và tới tháng 2 năm 2018, Filip Nguyễn đạt được thỏa thuận chuyển đến Slovan Liberec. Trong mùa giải 2018–2019, Filip Nguyễn trở thành thủ môn số một của đội và ra sân 25 lần, giữ sạch lưới 12 trận và nhiều lần được bầu chọn vào đội hình tiêu biểu. Đáng chú là là vào tháng 9/2020, Filip Nguyễn từng có lần đầu được gọi lên đội tuyển CH Czech  để tham dự UEFA Nations League ở trận đấu với Scotland vào ngày 7/9.

Tuy nhiên, do đội hình một của CH Czech xét nghiệm dương tính với COVID-19 nên tất cả cầu thủ cùng Ban huấn luyện từng đấu với đội tuyển Slovakia vào ngày 4/9 đều bị thay thế. Đến tháng 3/ 2021, Filip Nguyễn tiếp tục được gọi vào đội tuyển CH Czech chuẩn bị cho trận đấu trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 gặp đội tuyển Bỉ. Sở dĩ có chuyện này là do sự vắng mặt của hai thủ môn được tập trung đầu tiên vì lý do chấn thương. Dù vậy, trong trận đấu đó, Filip Nguyễn chỉ ngồi trên băng ghế dự bị, khi khung thành của đội tuyển Séc được thủ môn Tomáš Vaclík trấn giữ.

Cũng chính bởi lý do này nên mới đây, sau khi Filip Nguyễn nhận quốc tịch Việt Nam vào tháng 12/2023 và có Căn cước công dân, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã đăng ký anh vào danh sách sơ bộ 50 cầu thủ đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho ASIAN Cup Cup 2023 và được cả FIFA lẫn AFC xác nhận đủ điều kiện tham dự giải.

Filip Nguyễn không phải là cầu thủ Việt kiều đầu tiên về nước thi đấu với mong muốn được cống hiến cho màu cờ sắc áo nhưng có thể nói, tính cho đến thời điểm hiện tại, anh chính là cầu thủ có đẳng cấp nhất hiện diện tại V-League với nguồn gốc xuất thân đặc biệt như vậy. Với đẳng cấp như vậy, trình độ chuyên môn đã được khẳng định, việc Filip Nguyễn và giờ có tên tiếng Việt là Nguyễn Filip chiếm suất bắt chính ở cả CLB lẫn đội tuyển quốc gia là không có gì khó hiểu.

Nhưng ở độ tuổi 32 khi bước sang năm 2024, quả thực, khoảng thời gian còn có thể thi đấu đỉnh cao của Nguyễn Filip không còn quá nhiều cho dù vị trí thủ môn có những đặc thù riêng. Chính bởi thế, điều mà giới chuyên môn cũng như những người hâm mộ bóng đá Việt Nam mong ngóng là trong tương lai sẽ có không chỉ một mà nhiều cầu thủ có đẳng cấp tương đương như  Filip Nguyễn chọn bóng đá Việt Nam là bến đỗ hợp lý cho sự nghiệp.

Trên cơ sở đó, bóng đá Việt Nam sẽ là điểm đến không chỉ của những ngoại binh đạt trình độ cao mà ngay cả những cầu thủ Việt kiều cũng còn phải đẳng cấp, sung sức. Quan trọng hơn, Việt Nam phải luôn là ưu tiên trong tất cả các quyết định quan trọng của họ, điều đó mới thực sự đáng trân trọng. 

Một số cầu thủ Việt kiều hiện còn thi đấu

Christopher Nguyễn (1988, Hummetroth-Đức); Alexander Đặng (1990, Lysekloster-Na Uy); Nguyễn Quốc Trung (1990, Gossau-Thụy Sỹ; Minh Vũ (1990-Deportivo La Real-Mỹ); Patrik Lê Giang (1992, CLB TPHCM-Slovakia); Mạc Hồng Quân (1992, MerryLand Quy Nhơn Bình Định); Filip Nguyễn (1992, CAHN-Việt Nam &Séc); Geoffray Durbant (1992, Châteauroux-Pháp); Michel Le (1993, Signal FC Bernex-Confignon-Pháp); Đặng Văn Lâm (1993, MerryLand Quy Nhơn Bình Định); Erik Hoàng (1993, Thụy Điển); Kevin Phạm Ba (1994, Istres-Pháp); Adriano Schmidt (1994, MerryLand Quy Nhơn Bình Định); Daniel Procházka (1995, CH Séc); Phạm Thanh Tiệp (1996, Banik Lehota-Slovakia); Martin Lo (1997, Hải Phòng); Pierre Lamothe (1997, Quảng Nam); Lương Nguyên Bảo (1997, Slovan Velvary-CH Séc); Ryan Hà (1997, B.Bình Dương); Jason Pendant Quang Vinh (1997, Quevilly-Rouen-Pháp); Florentin Phạm Huy Tiến (1997-Rumania); Phi Nguyen (1997, Givisiez-Thụy Sỹ); Eddie Trần (1997, AFC Eskilstuna-Thụy Điển); Steven Dang (1997-SHB Đà Nẵng); Kevin Huy Nguyễn, 1997-Mỹ); Anton Nguyễn (1998, Uni Minsk-Belarus); Andrey Hungovich Nguyen (1998-Nga); Dương Thanh Tùng (1999, Slovan Velvary-CH Séc); Tony Le Tuan Anh (1999, CH Séc); Fabian Vy Ngoc (1999, Đức); Nguyễn Anh Hiệp (1999, VV Goes-Hà Lan)….

  

Lâm Chi/Thể thao Văn hóa Xuân Giáp Thìn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link