Mùa dịch, tôi làm Vlog bóng đá Việt...

08/02/2021 13:28 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là một cuộc cách mạng về tiếp cận và thay đổi thói quen công việc, thời đại công nghệ và mạng xã hội bùng nổ, ít nhất là đối với bản thân tôi. Chuyện bắt đầu từ hơn 9 tháng trước, đợt dịch Covid-19 đầu tiên, một ý tưởng được đưa ra từ Ban biên tập Báo Thể thao & Văn hóa và tôi vào việc luôn.

Bầu Đệ muốn nghỉ cũng không yên

Bầu Đệ muốn nghỉ cũng không yên

Cựu Chủ tịch CLB Thanh Hoá nổi đình nổi đám nhiều năm qua ở V-League dù đã chính thức tuyên bố nghỉ ngơi cuối mùa trước nhưng vẫn không yên. Chuyện bầu Đệ bị HLV Fabio Lopez kiện lên FIFA bắt đền bù khiến ông phải đau đầu.

“Với Vlog CCKM – Cận cảnh bóng đá Việt, nó giống như một bài báo vậy. Không cần phải màu mè hay diễn xuất gì sất. Cứ nói một cách tự nhiên về các vấn đề của làng túc cầu nội”, chỉ đạo của lãnh đạo tòa soạn...

Làm Vlog, dễ hay khó?

Được đường hình thì hỏng đường tiếng và ngược lại, đấy là câu nói vui của đồng nghiệp – người bạn thân của tôi là Minh Hải (với Vlog Minh Hải rất nổi tiếng). Đường hình của tôi không hẳn quá bắt mắt, đường tiếng đôi khi lẫn cả hơi men từ đêm hôm trước, song cơ bản là chấp nhận được.

Chú thích ảnh

Kể từ số Vlog đầu tiên, khoảng tháng 3/2020, chưa đến 2 ngàn lượt view, sau 9 tháng. Con số này thật chẳng là gì, thậm chí là đáng hổ thẹn, so với rất hiều hot Vlogger hay Youtuber khác. Nhưng giữ đúng tôn chỉ của chương trình, mỗi một số Vlog CCKM – Cận cảnh bóng đá Việt, là một câu chuyện, một bài báo.

Việc tạo ra một sản phẩm trên mạng xã hội Facebook hay Youtube, khó hay dễ tùy thuộc vào việc chúng ta có đủ chất liệu chưa, hoặc đôi khi là có nỗ lực đủ chưa, với dự án của mình? Thêm sự hỗ trợ của máy móc. Với tôi, mọi thứ cũng khá đơn giản, bình thường như “cân đường hộp sữa vậy thôi”.

Bật điện thoại và nói một hơi, một đúp máy, tôi thậm chí chưa từng chuẩn bị sẵn kịch bản, suốt hơn 40 số Vlog CCKM – Cận cảnh bóng đá Việt. Nó cũng giống như lần đầu tiên cách đây 14 năm, khi tôi nhận lời phụ trách mục Cận cảnh trên ấn phẩm Thể thao & Văn hóa Cuối tuần vậy. Việc duy trì “tuổi thọ” 2 trang Cận cảnh suốt 10 năm, khi Thể thao & Văn hóa Cuối tuần khép lại sứ mệnh của mình vào cuối năm 2017, thực sự là một kỳ tích.

Chú thích ảnh

Nói thêm cho các bạn hiểu về điều này, rằng những chuyên mục trên mặt báo hay chương trình truyền hình, đều có tuổi thọ của nó, đặng hợp với xu thế, thị hiếu của khán – độc giả. Mình viết báo là cho độc giả đọc, chứ không phải chỉ biết viết những điều mình biết hay khoe mẽ kiến thức.

Trở lại với vấn đề, làm Vlog dễ hay khó. Thực sự là một chương trình cho đến khi nó thành hình và đến được với người xem, bao gồm khá nhiều công đoạn mà tự thân một mình tôi khó thể quán xuyến hết được. Chuẩn bị đề tài cũng cần bàn bạc, ghi hình đôi khi cũng cần cả ê-kíp, rồi khách mời, và talk mới chỉ là một trong những khâu đầu tiên. Còn các vấn đề về xử lý hậu kỳ, dựng, làm SEO, KEY… Vân vân và mây mây.

Hơn 40 số Vlog CCKM – Cận cảnh bóng đá Việt được phát, là nỗ lực của rất nhiều bộ phận, mà bản thân tôi chỉ đóng góp một phần trong đó. Tôi đã và đang làm việc cho Báo Thể thao & Văn hóa, chứ không phải chương trình của cá nhân, kênh của cá nhân, nên cũng có đôi khi không thể “phóng” theo ý muốn được.

Đấy là chưa kể đến các vấn đề liên quan đến bản quyền, kiểm duyệt rất gắt gao của Facebook hay Youtube, với bất cứ sự ẩu tả nào đều cũng có thể bị trả giá, bị sập kênh ngay được. Về vấn đề này, tôi thật mù tịt khi “khởi nghiệp”, rồi dần dần mới quen và học cách tránh. Đã có ý cho rằng, mấy gã Vlogger hay Youtuber, không khác gì người bị tự kỷ ám thị là ý như vậy. Tự biên tự diễn trước cái màn hình điện thoại, ở một nơi không có tạp âm.

Khó hay dễ cũng là do định hướng và cách làm, các bạn à. Tôi chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm để đưa ra một lời khuyên nào cả, nhưng hãy thử sức mình, vì làm Vlog rất thú vị và nếu may mắn, còn nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Hãy cứ thử làm một động tác search trên Google Vlog CCKM mà xem…

Khi bóng đá rơi vào cảnh… mồ côi

Ngay khi đợt dịch Covid-19 đầu tiên còn đang hoành hành khắp thế giới, bóng đá toàn cầu gần như đóng băng, thì trận cầu giữa DNH Nam Định và HAGL ở Cúp QG 2020, với hơn một vạn khán giả trên sân Thiên Trường, tạo ra một tiếng vang rất lớn cho bóng đá Việt Nam. FIFA cũng đã có những dòng trên trang chủ tỏ rõ sự ngưỡng mộ.

Bất chấp đã có thêm đợt dịch thứ 2, rồi tưởng như đợt 3 cũng bùng phát, và việc VFF và BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) phải thay đổi thể thức thi đấu LS V-League 2020, thì cuối cùng chúng ta cũng đã “về đích an toàn”, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này. Sự hứng khởi ấy sẽ tiếp đà cho một năm 2021 đầy bận rộn của làng túc cầu nội.

Chú thích ảnh
Làm Vlog bóng đá Việt với tôi, không phải là 1 studio xịn, đẩy đủ thiết bị, mà là cảm xúc thật, câu chuyện thật để mang tới... dù chỉ là 1 người xem

Suy cho cùng, trong khó khăn, hoạn nạn, người ta mới ý thức và tìm đến những điều gần gũi, thân thương. Và bóng đá Việt Nam, nói như BLV Quang Tùng trên chương trình talk show Football Reaction, bình thường ít ai để ý tới, song qua các đợt dịch vừa rồi, tình yêu và sự quan tâm được khơi gợi rất lớn. Cảm hứng từ bóng đá là bất tận, không cần phải đợi đến khi chiến tích được gặt hái về.

Bóng đá Việt Nam không tự nhiên “miễn nhiễm” với Covid-19, mà nó đến từ nỗ lực của cả chính phủ, của rất nhiều các địa hạt khác và của toàn dân, với ý thức cao về phòng chống dịch và dập dịch. Ở góc độ người quan sát, góc độ của một người làm báo và làm các chương trình Vlog về bóng đá, tôi thấy thương khi làng túc cầu thế giới trở nên… mồ côi.

Hàng loạt các giải đấu quan trọng cấp khu vực, châu lục và thế giới, hoặc phải hủy, hoãn, dời qua năm 2021. Ví như Olympic hay VCK Euro 2020, những giải đấu được chờ đợi. Hẹp hơn, giải Vô địch Đông Nam Á AFF Suzuki Cup 2020 cũng đã được ấn định thời điểm tổ chức vào cuối năm 2021, thay vì tháng 4/2021 như dự tính ban đầu…

Việc các giải vô địch quốc gia hàng đầu lục địa già phải thi đấu trên sân không có khán giả, thực sự ảm đạm làm sao. Khán giả (hay CĐV) là yếu tố sống còn của bóng đá, môn thể thao vị thành tích nhưng cũng nặng tính giải trí, thế mà nay các khán đài vắng hoe, thì cầu thủ và HLV diễn cho ai xem. Thành tích còn có ý nghĩa gì nữa?!

Với công việc của một Vlog chuyên mảng bóng đá nội, tôi gần như không chịu tác động xấu nào cả, bởi tôi làm việc một mình như một gã… tự kỷ ám thị, như đã nhắc. Không cần phải đến chỗ đông người, thậm chí không cần đến cơ quan, ở một góc phòng, tại gia, tôi cũng có thể ghi hình được. Làm Vlog mùa dịch là như thế đấy. Cứ thế, cứ thế, các chương trình Vlog CCKM – Cận cảnh bóng đá Việt, đều đặn được ra đời mỗi tuần…

Vĩ thanh

Kể về mình và công việc của mình, là điều khó khăn nhất với tôi và đó là lý do tôi đã từ chối khá nhiều chương trình của nhà đài hay đôi khi là đầu nậu sách. Tôi cũng bỏ dở các dự án sách, dù chỉ là tập hợp những bài báo từng đăng, biên tập lại và xuất bản, cũng là lý do này. Ngay cả một chương trình Vlog CCKM – Cận cảnh bóng đá Việt, được phát trên Fanpage hay kênh Youtube của Báo Thể thao & Văn hóa, có lượng người tiếp cận rất hạn chế, tương tác cũng thấp, thì ít ra cũng đã đến được với những ai cần đến.

Cho đến số Vlog thứ 42, trước khi bài báo này lên khuôn, thì Vlog 27 “Văn Quyết gọi…, thầy Park trả lời?”, cách đây chừng 3 tháng, đã và đang giữ kỷ lục về view trên Youtube với 22 ngàn lượt xem, cũng là chương trình tôi khá hài lòng. Vì cuối cùng, Văn Quyết cũng đã được thầy Park gọi trở lại ĐTQG và nhiều khả năng sẽ đoạt Qủa bóng Vàng Việt Nam 2020....

Sống và được thế! Âu cũng là quá nhiều rồi...

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link