20/01/2021 07:52 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Một mặt sân tốt được nhìn nhận như yếu tố cơ bản đảm bảo cho chất lượng trận đấu. Tuy nhiên, với V-League hiện tại, không phải các SVĐ đều đáp ứng được tiêu chí này để lúc nào cũng có được điều kiện “cỏ mượt bóng lướt”, bởi đơn giản, bên cạnh một thảm cỏ đẹp, hạ tầng phụ trợ kèm theo tươm tất ở vài sân đấu thì hiện trạng sân bãi của một số địa phương vẫn là vấn đề rất lớn.
Khách quan đánh giá thì trong những mùa giải vừa qua, đã có một số địa phương cùng CLB chú trọng đến việc cải tạo, nâng cấp mặt sân thi đấu cũng như các hạng mục liên quan để SVĐ ngày được khang trang, sạch sẽ và quy củ.
Có thể chưa phải ở mức hài lòng tuyệt đối nhưng Thống Nhất, Hàng Đẫy, Gò Đậu hay Hòa Xuân đã được đánh giá là những mặt cỏ tốt nhất V-League lúc này. Ngoài mặt cỏ thì các điều kiện cơ sở vật chất kèm theo như ánh sáng, vệ sinh… cũng đảm bảo được yêu cầu tổ chức các trận đấu thậm chí ở ngoài khuôn khổ V-League.
Các đội bóng nói gì?
Đó là điểm sáng, còn điểm tối vẫn cứ “đến hẹn lại lên” trong nhiều kêu ca từ các đội bóng. Từ đó, để thấy rằng, chất lượng sân bãi không chỉ phụ thuộc vào kinh phí đầu tư mà còn nằm ở vấn đề duy tu, bảo dưỡng, chăm sóc đã đúng chuẩn và có được thường xuyên hay không từ mỗi địa phương, mỗi CLB.
“Chúng tôi luôn cố gắng hết mức để đảm bảo chất lượng mặt sân cho cầu thủ thi đấu chứ không có những chủ đích này kia để gây ra khó dễ cho đội bóng nào đến sân Thiên Trường”, GĐĐH CLB Nam Định, ông Trần Thái Toán, khẳng định như thế khi nói về các điều kiện tổ chức thi đấu ở sân bóng mà CLB Nam Định đang sử dụng.
Ông Trần Thái Toán chia sẻ: “Hiện nay, SVĐ Thiên Trường về mặt quản lý vẫn trực thuộc phạm vi điều chỉnh của cơ quan chức năng nhà nước địa phương là Sở VH, TT&DL Nam Định (thông qua Trung tâm huấn luyện và thi đấu).
Dựa vào đó, CLB Nam Định là đơn vị sử dụng cũng như chịu trách nhiệm về mặt duy tu, bảo dưỡng sân thường xuyên trong quá trình tập luyện và thi đấu. Chúng tôi có bộ phận đặc thù chuyên trách công việc này trong thời gian qua.
Thời gian này thì hẳn nhiên mặt sân không thể có được chất lượng tốt nhất vì ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt lạnh rét như thế. Do đặc thù mùa này có nhiều sương muối nên bộ phận chăm sóc sân phải tưới nước nhiều hàng ngày vào sáng sớm nhằm rửa sạch độ mặn trên mặt cỏ.
Chính vì thế, có thể trong trận đấu với Hà Nội hôm rồi, chúng ta thấy sân đọng nhiều nước như thế chứ đó không phải chủ ý của Nam Định về việc gây ra khó dễ cho đối phương. CLB Nam Định cũng chính là đơn vị chi trả kinh phí (khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng) cho việc chăm sóc, bảo dưỡng sân Thiên Trường”.
“Có thể trong trận đấu khai mạc V-League 2021 giữa SLNA cùng Bình Định thì mặt cỏ sân Vinh chưa được tốt lắm. Tuy nhiên, bây giờ cỏ đã xanh mướt hơn so với thời điểm đó”. GĐĐH CLB SLNA Hồ Văn Chiêm trần tình như thế khi nhận được những phàn nàn về sân Vinh và ông chia sẻ: “Thực tế, trong thời gian không chỉ mặt cỏ mà những điều kiện kèm theo của sân Vinh cũng xuống cấp nhiều do sử dụng quá lâu.
Tất cả những vấn đề này đã được nhìn nhận và lãnh đạo địa phương cũng đã có quyết định cải tạo triệt để sân Vinh. Việc cải tạo, nâng cấp này đã được phê duyệt và có nguồn vốn đầu tư từ tỉnh nhà. Tuy nhiên, thời gian triển khai phải đảm bảo đầy đủ thì mới đáp ứng hoàn thành các công việc liên quan”.
Ông Hồ Văn Chiêm cho biết: “Thời gian nghỉ giữa 2 mùa bóng vừa rồi không nhiều để có thể đáp ứng được việc sửa chữa. Nếu thực hiện sẽ không kịp mà như thế SLNA phải thuê sân khác để thi đấu, trong khi điều kiện tài chính của CLB không đảm bảo được điều này.
Sân Vinh khi cải tạo mặt cỏ phải lật xới hết nền sân lên nên thời gian cải tạo sẽ kéo dài. Cùng với đó là hệ thống chiếu sáng cùng các công trình phụ trợ nữa, cần nhiều thời gian. Chính vì thế, chúng tôi sẽ chọn thời điểm thích hợp và đảm bảo cho công việc này hoàn tất một cách tốt nhất. Rất có thể, sân Vinh sẽ có bộ mặt mới vào mùa bóng năm sau”.
CLB Topenland Bình Định hiện phải mượn sân 19/8 (Nha Trang) làm sân nhà để thi đấu các trận trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trong lúc chờ sân Quy Nhơn hoàn tất công việc cải tạo.
Nói về điều này, Trưởng đoàn bóng đá Bình Định Nguyễn Công Tâm cho biết: “Công việc cải tạo sân Quy Nhơn được lãnh đạo địa phương quyết định và giao cho cơ quản lý Nhà nước là ngành thể thao thực hiện. Dựa vào quyết định đó, về phía CLB sẽ ứng vốn trước để thi công cho kịp tiến độ.
Tuy nhiên, thời gian nghỉ giữa 2 mùa giải quá ngắn trong khi khối lượng công việc sửa chữa sân là rất lớn. Lãnh đạo địa phương và tập đoàn đầu tư cho CLB quyết tâm cao để vừa đảm bảo về chất lượng cũng như thời gian. Công việc làm mới mặt cỏ thuộc về trách nhiệm của đơn vị chuyên môn được giao thi công hạng mục này.
Chúng tôi sẽ luôn theo dõi, đốc thúc và hết sức cố gắng để mọi thứ hoàn thành trong thời gian sớm nhất, đảm bảo chất lượng nhằm phục vụ tốt trong thi đấu cho đội bóng cũng như cho V-League”.
VFF, VPF cần làm quyết liệt hơn về vấn đề mặt sân
“Vấn đề sân cỏ không đáp ứng điều kiện thi đấu đã là câu chuyện cũ, chúng ta cứ mỗi mùa giải lại tiếp tục đặt ra và bàn đến. Để giải quyết căn cơ, triệt để nhất cần phải có cái nhìn nghiêm túc của tất cả các bộ phận liên quan về khía cạnh này”, BLV Vũ Quang Huy đưa ra nhìn nhận của mình về câu chuyện chất lượng mặt sân V-League như thế.
BLV Vũ Quang Huy cho rằng vẫn có được những SVĐ đảm bảo tiêu chí đề ra nhưng như thế còn quá ít so với yêu cầu: “Đấy là những điểm sáng, còn vấn đề “vẫn như cũ” về chuyện cái sân, mặt cỏ luôn để lại nhiều than phiền cho HLV, cầu thủ đã rất nhiều năm.
Sân Vinh, sân Lạch Tray hay sân Thanh Hóa luôn nằm trong những kêu ca đó từ các đội bóng trong những mùa gần đây. Cỏ khô, sân cứng hay mềm quá mức bình thường, mặt sân gồ ghề cũng như nhiều khi bóng được lăn trên “mặt ruộng” chứ không phải sân bóng.
Tóm lại, những vấn đề như thế đã tồn tại nhiều năm rồi nhưng giải quyết căn cơ hay tạo ra được thảm cỏ mượt mà để cầu thủ phô diễn là điều mà chúng ta đang trông đợi ở tất cả các sân đấu V-League hiện nay”.
BLV Vũ Quang Huy nhìn nhận: “Nói về mặt sân xấu, nhiều đội bóng cho rằng do thời tiết và không có kinh phí bảo dưỡng. Đúng là kinh phí vô cùng quan trọng cho công việc này nhưng vấn đề còn được nhìn nhận dưới các góc độ khác nữa.
Chẳng hạn, chuyện để mặt sân xấu lại do chính cách chăm sóc, bảo dưỡng không tốt của CLB. Cùng với đó, không phải đội bóng nào cũng là chủ sở hữu sân đấu đó khi mà thường các SVĐ thuộc về quản lý của địa phương còn CLB chỉ sử dụng mà thôi.
Chính điều này cũng tạo ra những nhập nhằng trong việc quản lý, sử dụng, bảo dưỡng sân. Nói cách khác, tôi cho rằng tư duy và cách nghĩ, cách làm của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo CLB về tầm quan trọng của mặt sân phải thật sự khác đi lâu nay.
Đó là nghiêm túc hơn, chuyên nghiệp hơn chứ không phải xuề xòa trong câu chuyện quan trọng như thế này. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, điều hành cũng nên quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá các tiêu chí về điều kiện thi đấu chứ không thể cứ mỗi mùa giải lại “du di” cho qua như lâu nay được nữa”.
Trần Tuấn (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất