31/10/2022 05:43 GMT+7 | Bóng đá Việt
Năm 1995, có một chàng trai 24 tuổi đã quyết định từ bỏ chương trình học Tiến sĩ vật lý tại Stanford, ước mơ của rất nhiều người, chỉ sau hai ngày.
Chuyện từ bỏ của Elon Musk
Anh ta bỏ đơn giản chỉ vì có việc khác lôi cuốn mình hơn: Thời điểm đó, internet bắt đầu manh nha, và chàng thanh niên này nghĩ rằng mình có thể làm gì đó hơn là tiếp tục ngồi trên giảng đường. Anh khởi nghiệp với ý tưởng số hóa lại cuốn Những Trang Vàng (Yellow Pages), và start-up này lập tức thành công vang dội. Hàng loạt doanh nghiệp khắp nước Mỹ sau đó đã quyết định sử dụng dịch vụ này và tạo ra một làn sóng tra cứu chưa từng có trong buổi bình minh của internet.
Nhưng chỉ vài năm sau, anh bán lại start up này và kiếm được khoảng 22 triệu USD, và dùng nó để khởi nghiệp ở lĩnh vực tài chính. Paypal, công ty do anh và một cộng sự khác sáng lập, cũng đã trở thành một hiện tượng toàn cầu trong làng thanh toán. Là cổ đông lớn nhất của nó, anh đã có đến 165 triệu USD khi mới chỉ ngoài 30 tuổi.
Nhưng cũng chỉ được vài năm, anh lại bán nó cho eBay, thu về 1,5 tỷ USD, và bắt đầu nghiên cứu về… tên lửa. Lần này, ý tưởng của anh lớn hơn hai lần trước rất nhiều: Du hành vũ trụ và biến sao Hỏa thành “thuộc địa” trong tương lai. Khi công ty hàng không vũ trụ SpaceX còn đang trầy trật, anh mở thêm Tesla vào năm 2004, với ý tưởng bấy giờ là không tưởng: Sản xuất xe điện, loại bỏ xe xăng dầu.
Bạn có lẽ đã biết người này là ai. Elon Musk được biết đến nhiều nhất với tư cách người giàu nhất thế giới, nhưng bạn hẳn sẽ thấy khía cạnh này thú vị hơn: Trong suốt sự nghiệp của mình, Musk luôn xóa bỏ chính mình, để tiến lên một nấc thang mới. Ông bỏ học để khởi nghiệp. Bỏ một doanh nghiệp tra cứu dữ liệu để làm một start-up tài chính. Và bỏ luôn tài chính để khởi nghiệp với hai giấc mơ lớn là ô tô điện và du hành vũ trụ. Và xuất phát điểm của ông chỉ là một người Nam Phi nhập cư.
Hãy nghĩ về các giấc mơ của chúng ta. Hôm thứ Bảy, với tư cách một người hâm mộ đội tuyển Việt Nam, tôi cũng thất vọng: Quang Hải sẽ không dự AFF Cup là thông tin đã được xác nhận. Trong ký ức của các CĐV Việt Nam, AFF Cup có lẽ vẫn là một thứ gì đó đầy cảm xúc, vượt qua giá trị của một chiến thắng thể thao đơn thuần.
Đi tìm chân trời mới
Hành trình không có Quang Hải hẳn sẽ khiến cơ hội đăng quang của ĐTVN nhỏ đi, và đấy cũng là giải đấu cuối cùng của HLV Park Hang Seo với chúng ta. Và sau AFF Cup 2022 sẽ là trạng thái hoang mang: Chúng ta phải đi tiếp cho dù không có những nhân tố đã dẫn đến những thành công cũ.
Nhưng trong thâm tâm, chúng ta có lẽ cũng hiểu rằng sự thay đổi là cần thiết. Ông Park đã giành được những vinh quang chưa từng có cùng ĐTVN, nhưng ông đã ở đây 5 năm, một chu kỳ khá dài với các nhà cầm quân ĐTQG, và đặc biệt là với một HLV đã sang tuổi 65.
AFF Cup, dù có một vị trí đặc biệt trong lòng người hâm mộ, không được coi là giải đấu thuộc FIFA Days và các CLB không buộc phải nhả người cho ĐTQG. Thái Lan đã cử đội B dự AFF Cup 2020 và quyết định chỉ cử đội U23 dự giải năm nay. Về phần Quang Hải, mối lưu tâm lớn nhất của anh có lẽ nên là những gì chưa đạt được: Một chỗ đứng vững chắc ở Pau FC nói riêng và châu Âu nói chung, và mục tiêu dự World Cup.
Có một thứ mà câu chuyện ở đầu bài viết về Elon Musk có thể truyền cảm hứng: Sự quyết liệt của việc xóa bỏ đi định dạng cũ của chính mình. Khi nghĩ về internet, Musk kiên quyết bỏ giảng đường chỉ sau 2 ngày học, dù lúc ấy mọi người coi con đường đấy là tiền đồ. Khi một công ty đi lên đỉnh cao, ông rời bỏ nó, để đi đến những lãnh địa chưa ai khám phá, mơ những thứ không ai cùng thời dám tưởng tượng.
Nghĩ về điều này, bạn có lẽ sẽ cảm thấy đỡ buồn hơn, khi không có Quang Hải ở AFF Cup lần này, và không còn nhìn thấy ông Park ở băng ghế chỉ đạo sau giải. Chúng ta đã có 5 năm rực rỡ sau khi quyết định gắn bó với một nhà cầm quân xa lạ, với CV không có gì ấn tượng. Quang Hải, thay vì ở lại Việt Nam và ngày ngày hưởng thụ cuộc sống của một ngôi sao được o bế, đã bỏ tất cả để khăn gói sang làm lại từ đầu ở châu Âu.
Đấy đều là những quyết định can đảm, và không do dự. Có lẽ những người quyết liệt như thế không phải không biết sợ hãi. Nhưng sau khi cảm nhận nỗi sợ, họ đã quyết định được rằng điều gì là quan trọng hơn, và từ đó, họ chỉ tập trung thực hiện nó. Không gì khác.
Chuyện Quang Hải không dự AFF Cup có thể khiến bạn cảm thấy bất an, nhưng cuối cùng, nghĩ kỹ lại, bạn sẽ hiểu điều gì quan trọng hơn, và đáng làm hơn.
Phạm An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất