Bóng đá Việt Nam: Không quyết liệt với đào tạo trẻ, không xong

15/01/2025 05:53 GMT+7 | Bóng đá Việt

Kể cả khi tiền đạo nhập tịch Xuân Son để lại dấu ấn cá nhân rất lớn trong chức vô địch ASEAN Cup 2024 thì giới chức lãnh đạo VFF vẫn tỏ ra rất thận trọng với chiến lược "nhập tịch" cầu thủ, điều mà nhiều đối thủ Đông Nam Á thậm chí còn đang "tất tay". Đúng là không thể vội vàng với chiến lược này khi điều đó phụ thuộc quá nhiều yếu tố. Hơn nữa, gốc rễ của nền bóng đá vẫn là bóng đá trẻ. Chỉ có điều, dường như chúng ta đang quá chậm.

Ở giải U19 quốc gia năm nay (2024/25), có 24 đội tham gia vòng loại, ít hơn 4 đội so với giải trước (2024). Lứa tuổi lớn hơn là giải U21 khá danh tiếng, thì năm vừa qua chỉ có 22 đội đăng ký đá vòng loại, trong đó có 11 đội không thuộc về các CLB chuyên nghiệp (V-League và hạng Nhất). Còn ở độ tuổi nhỏ hơn, là U17 thì tại vòng loại năm 2024 chỉ có 20 đội tham gia.

Khoan bàn đến chuyện làm bóng đá trẻ của các CLB chuyên nghiệp, chỉ xét về số lượng thì các con số nói trên quá khiêm tốn so với một nền bóng đá của quốc gia 100 triệu dân. Từ 17 đến 21 tuổi, là lứa tuổi xem như đã chọn bóng đá làm "nghề nghiệp", tức là những cầu thủ thực thụ dù chưa biết có thành công hay không. Nhưng chỉ cần nhẩm tính mỗi đội bóng dự các giải U17, U19 có khoảng 30 "cầu thủ tương lai" thì xem ra, chỉ tầm 600 người/năm có khả năng trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp.

Con số "đầu vào" đã không nhiều, mà số lượng trận đấu của cầu thủ trẻ lại còn quá ít, thì bài toán nâng chất lượng của bóng đá trẻ thực sự là không có lời giải. Cứ đặt mình vào vị trí của các CLB V-League, muốn tìm cầu thủ trẻ tài năng, thì có quá ít sự chọn lựa do tính cạnh tranh ở bóng đá trẻ không cao.

Không quyết liệt với bóng đá trẻ, không xong  - Ảnh 1.

Bóng đá trẻ ở cấp độ U21 cần có thật nhiều trận đấu để giúp các cầu thủ trưởng thành. Ảnh: Kim Như

Để có 5-7 gương mặt mới trên ĐTQG, HLV Kim Sang Sik có cả trăm trận đấu từ hạng Nhì, hạng Nhất, V-League để xem. Bản thân ông còn có thêm giải pháp Việt kiều hay cầu thủ ngoại nhập tịch để tăng sức mạnh đội tuyển. Mà đó là ông còn xem giò cẳng cầu thủ dựa trên một bản danh sách được sàn lọc trước. Nhưng với một tuyển trạch viên của CLB, đi tìm cầu thủ trẻ về cho đội nhà, thì thực sự là quá khó. CLB mà chọn không xong, thì đương nhiên là lấy đâu ra cầu thủ trẻ để giới thiệu cho các đội tuyển?

Nên nói làm bóng đá trẻ thì dễ, vấn đề là chúng ta chưa từng quyết liệt cho chính sách đúng đắn và bền vững này. Hiện tại, VFF đang "ôm" tất cả các giải vô địch từ U15 đến U21 sau khi các đơn vị xã hội trước đây đảm nhiệm việc tổ chức đã rút lui do các khó khăn khách quan. Khối lượng công việc của VFF vì thế là quá nhiều so với sự tinh gọn của bộ máy tổ chức này, trong khi những ưu tiên khác cho bóng đá nữ, futsal thì ngày càng nhiều hơn. Vì lẽ đó mà hệ thống Cúp QG dành cho các tuyến U vận hành được 1-2 mùa phải tạm ngưng, khiến cho số trận đấu của bóng đá trẻ vẫn ít như trước.

Không gỡ được "điểm nghẽn" về số lượng trận đấu thì sẽ chẳng thể phát triển được bóng đá trẻ. Mà muốn làm điều này, thì chỉ một VFF là không thể. Nên nói, không quyết liệt hơn với bóng đá trẻ là không xong bởi thực tế cho thấy ĐTQG hiện tại gần như không có nhân tố trẻ nào cả dù các trụ cột của đội tuyển đã "ăn cơm tuyển thủ" ít nhất 8 năm, cũng qua hết thanh xuân của họ rồi…

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link