12/12/2019 06:30 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Người ta dùng từ kỷ nguyên để chỉ thời kì lịch sử được mở đầu bằng một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa quyết định chiều hướng phát triển về sau của xã hội hay của một lĩnh vực nào đó.
HLV Park Hang Seo chỉ là một cá nhân, nhưng ông đã tạo nên vô số sự kiện trọng đại cho bóng đá Việt Nam, ở nhiều góc độ, tác động lớn đến tâm tư, tình cảm của nhiều cá nhân, tổ chức; truyền cảm hứng lớn cho cái gọi là tinh thần Park, tinh thần bóng đá; rút ra nhiều bài học giá trị cho nền bóng đá.
Người hâm mộ Việt Nam những ngày này, chắc chắn mong muốn “kỷ nguyên Park” được kéo dài cho đến khi đạt được những giấc mơ lớn nhất: Giành vé dự World Cup.
Nói thế bởi khi chưa đặt được thỏa thuận tái ký hợp đồng 3 năm (vào ngày 5/11 vừa qua), ai cũng lo lắng HLV người Hàn Quốc sẽ ra đi, khi những kỳ vọng về ông vẫn quá lớn. Một cơn khủng hoảng là khó tránh khỏi, trong bối cảnh hệ thống các ĐTQG còn ở một hành trình phát triển đầy tiềm năng.
Những người khó tính nhất hẳn từng đặt dấu hỏi về đâu là giới hạn của thầy Park. Ngôi vô địch AFF Cup, á quân U23 châu Á, vô địch SEA Games, chỉ 2 năm, 3 tháng từ ngày sang Việt Nam, ông Park đã hóa giải cơn khát mang tính định mệnh của cả nền bóng đá 60 năm cộng lại. Nhưng, như đã nói ở trên, chúng ta cần nhiều hơn nữa ở ông thầy người Hàn Quốc, giới hạn năng lực của ông vẫn đang là ẩn số thú vị.
Có một mối lương duyên giữa ông Park và bóng đá Việt. Đấy là điều mà chúng ta phải rõ ràng phân định. Hãy nhớ lại buổi ký kết chóng vánh hợp đồng với ông tại Hàn Quốc ngày 29/9/2017, không nhận được đồng thuận cao, ngay cả trong bộ máy VFF vì không ai dám khẳng định ông sẽ làm nên chiến tích. Đơn giản bởi nếu xét hồ sơ, nhiều vị HLV còn sáng hơn. Chưa kể lúc đó HLV yêu quý của chúng ta thương hiệu đã đi xuống sau thời gian dài thất nghiệp, hoặc làm việc ở những CLB ít tên tuổi.
***
Gọi lương duyên là thế. Trở lại thời “tiền Park”, bóng đá Việt Nam luôn khủng hoảng ở vị trí chọn HLV trưởng. Có thể nói, tính từ thời tái hòa nhập (SEA Games 1991), VFF luôn xới tung các châu lục để chọn thuyền trưởng. Có những “kỷ nguyên” A. Riekl, “kỷ nguyên” Calisto, rốt cuộc vẫn chưa thể đưa bóng đá Việt Nam đạt ở một đẳng cấp lẫn phong độ như hiện nay.
Rất nhiều lần chúng tôi phân tích, ông Park sang Việt Nam đúng thời điểm “rồng gặp nước”, chúng ta sở hữu một hệ thống bóng đá trẻ đầy tài năng, có đạo đức. Giải V.League dù vẫn nhiều vấn đề, nhưng một không khí đổi mới trong cách làm bóng đá đã phả khắp nhiều địa phương. Nhiều trung tâm đào tạo trẻ mọc lên. Bóng đá trẻ thực trở thành cứu cánh cho các bản báo cáo thành tích, cho giấc mơ thay đổi nền bóng đá. Nhiều lần đàm đạo với lãnh đạo VFF, người viết cảm nhận rất rõ ngay cả họ cũng chỉ tìm thấy niềm vui lớn ở các đội tuyển trẻ.
Mặt khác, hai đội tuyển: ĐTQG và U23 (cùng U22) quốc gia luôn được quan tâm (cùng giám sát) đặc biệt theo cách gọi là không một “phần tử xấu” nào lũng đoạn được. Các đội tuyển này vẫn sót lại nhiều cựu binh, nhưng để ý, họ đã chơi bóng với một thái độ hoàn toàn khác. Trọng Hoàng, Anh Đức là điển hình, trong một môi trường và tập thể tốt, buộc người ta phải hoàn chỉnh mình để không bị loại khỏi hàng ngũ.
Tất cả đã tạo nên một niềm tin lớn mang tên bóng đá. Người hâm mộ luôn yêu các đội tuyển, nhưng tin thì chưa. Rất vui là “kỷ nguyên” Park, thầy trò ông đã mang lại niềm tin tuyệt đối cho người hâm mộ.
Dân mà tin thì việc gì khó cũng thành, xin chuyển thông điệp bóng đá đến các lĩnh vực khác.
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất