07/08/2015 05:23 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Người làm futsal Việt Nam lâu năm không bất ngờ về chiến tích vừa qua của Thái Sơn Nam khi chứng kiến sự hình thành và phát triển của CLB này. Điều người ta trăn trở hơn là sau thành công này, futsal Việt Nam sẽ làm gì để có thêm những cú hích mới nhằm nâng tầm futsal Việt Nam đến sân chơi thế giới.
Hiện tại thì như ông Tú chia sẻ: “Futsal cùng với bóng đá nữ, bóng đá bãi biển… đang được xếp vào nhóm bóng đá ngoài chuyên nghiệp”. Hiểu ngắn gọn, futsal Việt Nam vẫn là sân chơi cấp phong trào, mang hơi hướng bán chuyên nghiệp đôi chút.
Vấn đề nằm ở giải VĐQG
Trao đổi với một cầu thủ futsal đã có thâm niên 6 năm chơi bóng ở giải VĐQG, cầu thủ này cho rằng một trong những nguyên nhân khiến futsal Việt Nam không bật dậy mạnh mẽ nằm ở chất lượng giải VĐQG.
Hiện tại, làng futsal Việt Nam chỉ loanh quanh 8 đội bóng như Thái Sơn Nam, Thái Sơn Bắc, Sanna Khánh Hòa, Sanatech Khánh Hòa, Hoàng Thư Đà Nẵng, Bệnh viện An Phước Bình Thuận, Hải Phương Nam Phú Nhuận, Tân Hiệp Hưng. Trong đó, người chơi futsal ngầm hiểu với nhau rằng ông bầu Trần Anh Tú là “đại tổng quản” của cả 6 đội bóng. Chống chọi với thế lực của bầu Tú là 2 đội futsal của Khánh Hòa.
Thế nên, nếu 1 trong 2 thế lực này “chán” futsal, đặc biệt nếu bầu Tú không còn “nhiệt” với môn thể thao này nữa, có thể futsal Việt Nam sẽ trở lại những năm đầu thế kỷ 21, tức là không mấy ai để tâm phát triển phong trào.
Sự xuất hiện của thế lực mới futsal Khánh Hòa trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của futsal Việt Nam. Việc họ không ít lần hạ bệ các đội bóng của bầu Tú khiến ông Chủ tịch HFF ít nhiều cay mũi. Nhưng chung quy, nó vẫn là điều tốt cho cái chung. Vì có cạnh tranh thì mới có động lực để phát triển.
Nhưng sự phát triển của futsal Việt Nam như cầu thủ nọ nhận định không bứt lên tầm cao hơn cũng bởi khuôn khổ bó hẹp. Giải VĐQG mỗi năm chỉ có 1 giải diễn ra chưa đến 1 tháng trời và lại không có thể thức đá vòng tròn nên đã ảnh hưởng đến chuyên môn của các cầu thủ.
Chưa kể với các CLB, họ nhiều khi cho các cầu thủ nghỉ dài ngày nhưng vẫn phải trả lương. Phải chờ đến khi giải đấu cận kề, các đội mới gom quân để tập chuẩn bị thể lực cho các cầu thủ.
8 đội bóng quanh quẩn tranh tài với nhau không tạo được nhiều sức hút cho CĐV. Đó là chưa kể văn hóa ứng xử trên sân bóng của các lãnh đội, cầu thủ. Gần như năm nào, giải VĐQG cũng có bạo lực khiến người xem bất bình.
Trong dự thảo futsal chuyên nghiệp cho mùa giải 2016, Ban Futsal VFF đã nêu ra những đề xuất để hướng đến một nền futsal bền vững. Đơn cử như mỗi CLB cần có ngân sách hoạt động 1 tỷ đồng/năm vì đó là số tiền tính sơ sơ để chi trả cho HLV, VĐV.
Nhưng nhiều CLB nghe xong đã lắc đầu. Chuyện bán vé để kiếm thêm nguồn thu cho BTC, CLB của futsal cũng chưa biết bao giờ thành sự thật.
Cuối năm 2014, cũng vì vấn đề kinh phí mà nhà vô địch giải TP.HCM mở rộng năm đó Hải Phương Nam Phú Nhuận đã đứng trước bờ vực giải tán. Người trong cuộc cho hay nếu không có sự nâng đỡ của bầu Tú, số phận của CLB này đã không kéo dài đến hiện tại.
Thái Sơn Nam (phải) thiếu chút nữa đã lọt vào trận chung kết của giải đấu năm nay. Ảnh: TSN
Cần những cú hích chuyên nghiệp
Một vấn đề nữa về chuyên môn ở giải VĐQG là do chưa mang mác chuyên nghiệp, nên các đội không được ký hợp đồng với các ngoại binh. Các HLV đều nhận định, nếu giải VĐQG có ngoại binh và các đội tìm kiếm cầu thủ chất lượng về đầu quân, giải sẽ được nâng tầm đáng kể.
Không chỉ cầu thủ nội học được tác phong chuyên nghiệp trong sinh hoạt, tập luyện lẫn thi đấu của các ngoại binh mà việc được tranh tài với cầu thủ ngoại sẽ giúp họ hưng phấn, tự tin hơn. Từ đó, những đội bóng của Việt Nam sẽ mạnh dạn tiến ra biển lớn mà không phải bỡ ngỡ.
Kỳ tích mới nhất mà CLB Thái Sơn Nam làm được ở sân chơi châu lục mới đây cho thấy tác dụng tích cực của chuyện sử dụng ngoại binh. 2 cầu thủ Yunusov và Campana đã giúp Thái Sơn Nam có thế chủ động trước mọi đối thủ. Đặc biệt là cựu tuyển thủ QG Tây Ban Nha Campana, cầu thủ đóng vai trò linh hồn của Thái Sơn Nam ở giải đấu tại Iran. Những nội binh như Văn Vũ, Trọng Luân, Bảo Quân, Đình Thuận đã có một giải đấu thăng hoa khi kết hợp với các ngoại binh để liên tiếp gây bất ngờ.
Trước đó, Thái Sơn Nam đã bị hoài nghi rất nhiều về năng lực khi thất bại trong tranh chấp chức VĐQG (xếp sau Sanna Khánh Hòa lẫn Thái Sơn Bắc) và phải rất vất vả mới vượt qua Sanna Khánh Hòa ở giải futsal TP.HCM mở rộng.
So với bóng đá sân 11 người, futsal Việt Nam có quyền nghĩ đến chuyện vươn ra biển lớn, chỉ cần có hướng đi đúng. Ai cũng biết, Việt Nam có khoảng cách mênh mông thế nào với thế giới ở môn bóng đá sân 11 người. Vị trí thứ 143 thế giới là minh chứng.
Trong khi đó, đội tuyển futsal Việt Nam đang có thứ hạng 44 thế giới. Ở châu Á, Việt Nam xếp hạng 8 sau Iran, Nhật Bản, Thái Lan, Uzbekistan, Australia, Kuwait và Trung Quốc. Từ vị trí này cho thấy, futsal Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện tham dự World Cup như mục tiêu trong tương lai gần của ông bầu Trần Anh Tú.
Lý do là bởi trừ Nhật Bản, Iran và Thái Lan ở đẳng cấp khác, Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện cạnh tranh một suất thứ 4 với các ĐTQG còn lại. Nhắc lại một chút hồi giữa năm ngoái, futsal Việt Nam đã đứng trước cơ hội lọt vào bán kết nếu đối thủ là Australia nhưng việc bị Kuwait gỡ 1-2 khi trận đấu còn 6 giây đã khiến Việt Nam chạm trán Iran ở tứ kết. Và kết quả thì ai cũng đã biết.
Sau kết quả đó, bầu Tú cũng không tiếc nuối nhiều vì ông cho rằng, futsal Việt Nam cần cải thiện nhiều để cứng cáp hơn trước khi chính thức đua tranh huy chương tầm châu lục.
Ngoài ra, thể hình và kỹ thuật của người Việt cũng là một đặc điểm rất dễ thích nghi với futsal. Ở thành phố đông dân nhất đất nước như TP.HCM hiện tại, bóng đá mini trong nhà và cỏ nhân tạo đang nở rộ, thu hút mọi tầng lớp tham gia tập luyện.
Vấn đề nguồn lực là không thiếu, nhưng cái chính là một môi trường để các tài năng futsal có đất sinh tồn. Ở Việt Nam bấy giờ, cũng chỉ có bầu Tú và phía Khánh Hòa là có đầu tư cho thế hệ trẻ kế cận.
Nhìn sang Thái Lan, họ cùng xuất phát điểm như Việt Nam ở futsal nhưng đội bóng xứ Chùa Vàng giờ đang ở vị trí 18 thế giới. World Cup không còn là đấu trường xa lạ với Thái Lan và thậm chí họ còn đưa giải đấu này về quê nhà để tổ chức năm 2012.
Thành công của CLB Thái Sơn Nam ở giải đấu cấp CLB hàng đầu châu lục xét cho cùng là thành quả của sự kiên nhẫn, đầu tư bài bản, đúng hướng. Mỗi năm, bầu Tú dự trù kinh phí khoảng 10-15 tỷ đồng cho các đội bóng của mình. Đây là số tiền không nhỏ trong hoàn cảnh kinh tế hiện tại và đặc biệt là ở TP.HCM, địa phương mà các doanh nghiệp đã tháo chạy khỏi kênh đầu tư bóng đá.
Một quá trình dài để thu về hiệu quả bước đầu, nhưng làm sao để duy trì và hướng tới những cái đích xa hơn đòi hỏi bài toán quy hoạch đúng đắn của người làm futsal Việt.
19h tối nay (7/8), Thái Sơn Nam sẽ bước vào trận đấu tranh HCĐ ở trước CLB đến từ Iraq là Naft Al Wasat Club. Ở trận bán kết 2, CLB này đã bị chủ nhà Tasisat Daryaei đánh bại với tỷ số cách biệt 7-3. |
Việt Hà
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất