Bình luận viên Quang Tùng: 'Cầu thủ trẻ cần môi trường thử lửa'

05/11/2020 06:12 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - HLV Park Hang Seo đã hơn một lần tỏ ra lo lắng về việc các cầu thủ trẻ không được ra sân thi đấu nhiều ở các giải đấu trong nước. Những chia sẻ từ ông Park cũng chính là thực tế hiện nay của sân cỏ nước nhà về cơ hội cho người trẻ chơi bóng. Thực trạng cùng những giải pháp cho vấn đề này thế nào đã được BLV Ngô Quang Tùng nhìn nhận trong trong chuyên mục “Đối thoại cùng Thể thao&Văn hóa” hôm nay.

Lịch thi đấu V-League 2020 giai đoạn 2 vòng 7: Sài Gòn vs Viettel. Quảng Ninh vs Hà Nội

Lịch thi đấu V-League 2020 giai đoạn 2 vòng 7: Sài Gòn vs Viettel. Quảng Ninh vs Hà Nội

Lịch thi đấu V-League 2020 giai đoạn 2 vòng 7. Bảng xếp hạng V-League 2020. Bảng xếp hạng bóng đá Việt Nam. Sài Gòn vs Viettel. Than Quảng Ninh vs Hà Nội

Cơ hội nào cho người trẻ?

BLV Ngô Quang Tùng đồng ý với quan điểm của HLV Park Hang Seo trong câu chuyện này: “Những gì ông Park nói đúng, rất đúng về thực tế hiện nay của bóng đá trẻ chúng ta. Điều cốt lõi nằm ở chỗ, những chi tiết đó chúng ta đều biết hết chứ không phải không nhận ra nhưng để căn chỉnh phù hợp, giải quyết căn cơ hay làm khác đi cho tốt hơn và không bất cập nữa cần nhiều thứ lắm chứ không phải giản đơn”.

“Bóng đá trẻ và người trẻ được chơi bóng thì muôn vẻ và rất rộng, nhiều lứa tuổi. Thôi thì, ở đây chúng ta cứ tạm tính vào độ tuổi U21 khi nhìn về thực trạng hiện nay tại V-League chẳng hạn.

Nhìn qua danh sách đăng ký sẽ thấy có chừng trên dưới 50 cầu thủ trong độ tuổi U21 ở tất cả 14 CLB V-League. Số lượng đăng ký là vậy nhưng được thi đấu, được đá chính, ra sân có nhiều hay không lại là câu chuyện khác.

Thêm một chi tiết nữa, không phải đội bóng nào hiện nay cũng đủ người trẻ để đăng ký chứ đừng nói là được thi đấu. Đó là chưa kể cầu thủ trẻ đó do chính CLB đào tạo ở các tuyến U kế cận hay là mượn quân từ nơi khác về”.

“Để ý sẽ thấy, các CLB sử dụng nhiều cầu thủ trẻ thời gian qua là ai thì nó sẽ lộ ra thêm một góc độ khác của vấn đề. Hà Nội FC, SLNA, HAGL và Viettel là những đội có được số lượng cũng như số lượt dùng người trẻ cao nhất.

Nhưng cầu thủ trẻ ở các đội bóng vừa kể cũng là trẻ đã ít nhiều khẳng định mình khi được đá trên đội U23 hay cả ĐTQG chứ không phải cầu thủ trẻ mới toanh đi tìm cơ hội thể hiện. Trong khi đó, một số đội bóng dù có muốn dùng trẻ đi chăng nữa nhưng không có lớp kế cận thì cũng đành chịu”.

Chú thích ảnh
HLV Park Hang Seo lo lắng vì nhiều cầu thủ U22 Việt Nam ít được ra sân thường xuyên ở CLB chủ quản. Ảnh: Nhân Văn

BLV Ngô Quang Tùng cho hay: “Yếu tố chuyên môn cũng chi phối vào điều này bởi các HLV họ cũng phải tính toán cho công việc cụ thể ở đội bóng của mình trước đã. Ví như trong những cuộc canh tranh căng thẳng mùa bóng này, đa phần đều dựa vào kinh nghiệm, sự dày dạn của cựu binh để giải quyết vấn đề của đội bóng.

Thật ra, cũng rất khó trách cứ với lựa chọn như thế từ các CLB. Mà như thế, cái vòng luẩn quẩn rằng sao không cho cầu thủ trẻ cơ hội, sao không tạo môi trường cho họ thể hiện cứ lặp đi lặp lại. Rõ ràng, thực tế ở các giải đấu trong nước sẽ dẫn đến thực trạng đáng lo ngại mà ông Park rất tỉnh táo nhận ra trong thời gian qua”.

Giải pháp nào cho thực trạng này?

BLV Ngô Quang Tùng đặt vấn đề: “Câu chuyện đặt ra ở đây là chúng ta sẽ giải quyết tính xung đột giữa cấp độ đội tuyển và những CLB trong việc sử dụng cầu thủ trẻ một cách hài hòa nhất. Rộng hơn nữa, giải pháp nào mang tính khả dĩ nhất để cầu thủ trẻ được ra sân, được thử lửa, được rèn giũa nhiều hơn.

Tôi xin nhấn mạnh là giải pháp khả dĩ nhất chứ không phải giải pháp hoàn hảo bởi thực tế của chúng ta như thế này không dễ và không thể ngày một ngày hai là xong câu chuyện”.

“Khách quan, thời gian qua công tác đào tạo trẻ của chúng ta đã tốt dần lên và cho ra thành quả như đã có. Điều này cần ghi nhận, phát huy và tiếp tục làm nhưng cũng nên nhớ không phải cứ sản xuất thì sẽ cho ra sản phẩm tốt ngay tức thì được. Muốn có thì phải làm nhưng khi làm cần những nguyên liệu, những cơ sở, những tiền đề kèm theo mới hy vọng về kết quả đạt được.

Vì vậy như đã nói ở trên, tôi muốn đề cập về cả bề rộng lẫn chiều sâu, đầu vào rồi đầu ra hay cả cung cách, phương thức để làm như thế nào chứ không phải cứ muốn là được. Nói cách khác, làm một cách nghiêm túc là hẳn rồi nhưng chưa chắc khi làm như thế đã cho ra cầu thủ tốt.

Ví như, anh chọn đầu vào khoảng 100 bạn nhỏ lứa U11 chẳng hạn, chưa hẳn vài năm sau đầu ra đều như ý hết cả. Sau quá trình đào tạo, chỉ cần lọt sàng xuống nia vài cầu thủ đã vui lắm rồi chứ đừng mong nhận vào bao nhiêu thì ra tốt nghiệp ra lò bấy nhiêu, có khi còn chẳng được cái tên nào”.

“Nói thế để thấy, bóng đá cần lộ trình, có lớp lang, đúng cách làm và quan trọng không kém nằm ở tính thời điểm. Thời điểm ở đây sẽ thấy ngay ở câu chuyện cụ thể như chúng ta có lứa Quang Hải, Công Phượng nhưng sau họ là ai. Hay có đội trẻ đi dự U20 World Cup rồi sao đó các giải đấu ở vào những lứa tuổi này thành tích sẽ ra sao?

Nói cách khác, bóng đá trẻ cần nuôi nấng, chăm bẵm chứ không phải lúa trời để gặt nhưng đôi khi trong trầm tích đó, có thể xuất hiện được những tố chất quý giá. Điều quan trọng là phải làm và làm thật sự nghiêm túc”.

“Thời gian qua chúng ta đã nhìn nhận được vấn đề và cũng đã đưa ra những ý tưởng, những giải pháp để giải quyết câu chuyện này. Điều này cần ghi nhận từ nỗ lực cùng trách nhiệm của mọi bên liên quan cho công tác đào tạo và sử dụng cầu thủ trẻ. Nói cách khác, phương thức nào cũng đáng quý và tốt cả nhưng phù hợp với thực tế của chúng ta hay không để triển khai mới là chuyện nan giải”.

“Ví dụ như đã từng có lúc, chúng ta nghĩ đến việc các đội bóng phải cho ra sân tối thiểu 3 cầu thủ U21 hay U23 ở một trận đấu chính thức. Cái này thì tốt, cũng là giải pháp nhưng rồi cũng chưa vào đâu cả bởi xuất phát từ thực tế không phải đội nào cũng đáp ứng điều này. Để rồi, mọi thứ dần dà trôi đi và chưa được áp dụng. Nên chăng, cơ quan quản lý nên khơi gợi lại chuyện này nghiêm túc nhất với các biện pháp hay chế định, chế tài kèm theo để triển khai”.

“Rồi nữa, vì áp lực thành tích nên đã có những bạn trẻ dù lên hẳn đội hình 1 và cả ĐTQG vẫn phải trở về khoác áo U21 để dự giải trong nước chẳng hạn. Khi cầu thủ trẻ đã quá ít cơ hội được ra sân thì vô tình việc đưa những cầu thủ trẻ đã khẳng định như vậy về lại tuyến U sẽ làm mất đi cơ hội của người khác.

Cũng có thể, chúng ta phải có quy định kiểu như cho dù anh là 19 hay 21 tuổi nhưng đã đăng ký đội hình 1 và đã ra sân với số lượng thời gian bao nhiêu phút ở V-League chẳng hạn thì không thể đăng ký tham dự các giải U19 hay U21 quốc gia nữa. Lúc đó, cơ hội sẽ dành cho các bạn khác thể hiện và chứng tỏ năng lực của mình để được phát triển thêm lên”.

“Hay như giải đấu dành cho đội hình 2 cũng vậy và đó là giải pháp không tồi. Có thể chúng ta sẽ tổ chức từng cụm chứ không dàn trải ra như V-League cho đỡ tốn kém. Ví dụ, các đội tùy theo vùng miền địa lý, song song với V-League hay hạng Nhất sẽ gom về địa phương nào đó rồi tổ chức thi đấu cho những người trẻ không có nhiều cơ hội ra sân”.

“Tóm lại, bóng đá trẻ hẳn nhiên cần cả quá trình xây dựng bài bản, lớp lang theo cả bề rộng lẫn chiều sâu. Còn với cầu thủ trẻ thì chỉ khi nào có được môi trường thử lửa càng nhiều thì sẽ có cơ hội phát triển mà thôi”, BLV Ngô Quang Tùng chốt lại câu chuyện với những trông mong như vậy

Trần Tuấn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link