03/04/2020 07:25 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến khả năng trở lại của V-League 2020 bị bỏ ngỏ, thậm chí là tranh cãi. Nhưng nếu nhìn lại suốt chiều dài 40 năm của giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam, thì chuyện hoãn, hủy hay thay đổi thể thức thi đấu không phải là lần đầu...
Do hoàn cảnh đất nước, phải đến năm 1980, giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam mới chính thức được tổ chức dưới cái tên giải A1 toàn quốc. Những có lẽ đến bây giờ, ít người còn nhớ, hay biết về khát khao của cả thế hệ cầu thủ năm xưa, khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, đó là có 1 giải đấu quy tụ toàn bộ các đội bóng trong nước. Khát khao ấy càng cháy bỏng sau khi Tổng cục Đường sắt có chuyến du đấu ở phía Nam thành công đầy ý nghĩa vào cuối năm 1976, trong đó có trận cầu đi vào lịch sử với Cảng Sài Gòn trên sân Thống Nhất (TP.HCM).
Từng đá theo vùng miền...
Chính trận cầu lịch sử ấy là tiền đề để đến năm 1978, Tổng cục TDTT phối hợp cùng các ban, ngành thành lập ra ba giải đấu gồm: Hồng Hà (giải vô địch các đội phía Bắc), Trường Sơn (giải vô địch các đội miền Trung) và Cửu Long (giải vô địch các đội phía Nam). Theo những nhà quản lý bóng đá năm xưa kể lại, thì sau chiến tranh, giải vô địch quốc gia chưa thể tổ chức không hẳn chỉ vì khó khăn kinh tế, mà còn là nhiệm vụ chính trị khi tình hình đất nước vẫn nhiều phức tạp. Chỉ cần 1 trong ba giải đấu này mà thất bại, thì rất khó để Chính phủ đồng ý tổ chức giải toàn quốc.
Cũng phải nói thêm, dù đất nước mới thống nhất, nhưng phong trào bóng đá đỉnh cao đã rất phát triển khi có tới 40 đội tham dự 3 giải ở 3 miền. Con số đủ sức gây ngạc nhiên, nếu so với hiện tại, tính cả V-League và hạng Nhất, số đội chỉ là... 26!
Qua 3 giải Hồng Hà, Trường Sơn và Cửu Long cùng các giải phân hạng theo từng vùng được tổ chức vào thời điểm này, tới năm 1980, giải vô địch bóng đá quốc gia lần đầu tiên diễn ra với sự tham gia của 18 đội (8 đội giải Hồng Hà, 2 đội giải Trường Sơn và 8 đội giải Cửu Long. Những đội bóng còn lại chơi ở giải A2). Tuy nhiên, ở giải VĐQG đầu tiên này, Thể Công đã xin rút với lý do chấn chỉnh nội bộ, nên chỉ còn 17 đội.
Theo thống kê, trong giai đoạn đầu, dù là giải VĐQG, nhưng thể thức thi đấu không ổn định (không thể thức nào kéo dài được trong 2 năm) và do điều kiện di chuyển khi ấy khá khó khăn, nên các đội bóng vẫn chia thành các bảng đá loại theo khu vực địa lý. Phải tới năm 1996 thể thức League - đá sân nhà, sân khách mới chính thức được áp dụng tới hôm nay.
Từng hủy và từng đá... không xuống hạng!
40 năm, bắt đầu bằng thứ bóng đá bao cấp, hay nói chính xác hơn, thứ bóng đá mà đội bóng là cơ quan nhà nước, cầu thủ, HLV cũng là... người nhà nước, rồi chuyển qua "gắn mác" chuyên nghiệp nhờ có tài trợ và lúc này là thứ bóng đá "trong tay" doanh nghiệp, giải VĐQG có đầy rẫy những thăng trầm cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Chỉ riêng chuyện hoãn, hủy, hay... đá cho vui! (đá mà không có đội xuống hạng) thì thời bao cấp cũng đã từng có, mà có không chỉ 1 lần!
Sau 2 mùa giải A1 liên tục vào các năm 1986, 1987 không có đội xuống hạng vì theo Tổng cục TDTT và BTC giải là nhằm mục tiêu - Rà soát lực lượng cho các mùa sau!? Tới năm 1988, theo yêu cầu của các đội bóng, nhằm chuẩn bị lực lượng, giải VĐQG đã không được tổ chức (chỉ tổ chức giải giao hữu, giải khu vực), để tới năm 1989, giải A1 lần thứ 8 còn được gọi là giải phân hạng có 32 đội thi đấu chọn ra 18 đội đứng đầu thi đấu ở giải đội mạnh (tên gọi mới của giải VĐQG), 3 đội xếp cuối xuống hạng A2 và 11 đội còn lại đá hạng A1.
Chưa hết, tới giải hạng Nhất quốc gia 1997-1998 (cũng là 1 cái tên mới), do tình trạng móc ngoặc, tiêu cực bùng phát, thậm chí có trận đấu phải hủy kết quả (trận Công an Hà Nội - Công an Hải Phòng tại vòng 15), nhiều đội bị trừ điểm mà các cơ quan quản lý không có biện pháp xử lý hữu hiệu, đến mùa giải 1998-1999 thêm lần nữa, phương án không có đội xuống hạng lại được áp dụng.
Giải VĐQG năm này còn được gọi là giải Mùa Xuân và việc không có đội xuống hạng nhằm khuyến khích các CLB chơi trung thực hơn, nhưng trên thực tế, giải diễn ra cực kỳ tẻ nhạt không thu hút được sự quan tâm của người hâm mộ trong nước. Đây cũng được xem là thời điểm chấm dứt thứ bóng đá bao cấp, vì tới năm 2000, giải VĐQG chính thức khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp.
Tương lai nào cho V-League 2020?
Vào lúc dịch Covid-19 vẫn diễn biến cực kỳ phức tạp và cả xã hội đang chung tay phòng chống dịch bệnh, thì khó để bàn tới tương lai của cả nền thể thao, chứ chẳng riêng gì bóng đá. Bằng chứng là phiên họp mới đây nhất của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF tổ chức nhằm tìm phương án cho V-League 2020 đã chẳng mang lại kết quả nào, thậm chí còn không đủ 100% số đội tham dự.
Vậy tương lai nào cho V-League 2020? Hoãn hay thậm chí là hủy? chắc chắn đó là điều mà không chỉ VPF bởi ngay các đội bóng cũng chẳng hề mong muốn khả năng xấu nhất đó xảy ra, bởi không đá khó khăn còn chồng chất hơn nhiều. Đâu xa, ngay vào thời điểm này thôi, nhiều đội bóng đã phải giảm lương cầu thủ để giảm tải khó khăn. Nhưng rõ ràng, để "chốt" chính xác thời điểm, trái bóng có thể lăn lại trên sân cỏ nước nhà là hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Nếu trong tình huống xấu nhất xảy ra, thì tất cả đều phải chấp nhận chuyện hoãn, hủy giải.
Đá tập trung ở 1 khu vực, đá theo kiểu "dồn toa" và không có khán giả, đứng về mặt tổ chức đó cũng là 1 phương án có nhiều khả thi, tuy nhiên, nếu dịch bệnh lắng xuống, giải đấu được phép tổ chức, thì như nhiều lãnh đội có ý kiến - Hoàn toàn có thể quay về với thể thức thi đấu cũ (sân nhà - sân khách).
Ngay cả việc tổ chức giải mà không có đội xuống hạng như ý kiến của SHB Đà Nẵng, SLNA và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cũng không phải là không có lý. Mùa giải kéo dài, thậm chí chưa biết ngày trở lại, việc duy trì, tốn tại của các CLB gặp nhiều thách thức, chứ chưa nói đến chuyện chuyên môn. Việc thi đấu không có xuống hạng cũng nhằm giúp các đội bóng đỡ gặp nhiều áp lực hơn.
Còn về đội tuyển quốc gia cùng các nhiệm vụ quốc tế vào cuối năm. Không phủ nhận việc V-League đình trệ và bị bỏ ngỏ sẽ gây nên những khó khăn lớn. Tuy nhiên, đây không hề là khó khăn riêng của bóng đá Việt Nam mà cả với làng cầu khu vực lẫn quốc tế và chắc chắn trong bối cảnh đó, HLV trưởng Park Hang Seo sẽ biết cách để phát huy được tối đa sức mạnh của nền bóng đá quốc gia.
Vậy nên, dù có thể không được nhiều sự ủng hộ của nhiều người với những phát ngôn khá "nghịch", thì vào lúc này bầu Đức cũng có đúng với tuyên bố - Đây là thời điểm toàn dân chống dịch, mức độ cách ly tăng cao từng ngày thì tâm trí gì mà bàn chuyện đá bóng trở lại!
Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam được tổ chức lần đầu vào năm 1980 với rất nhiều tên gọi. Từ năm 1980 đến 1988, giải mang tên Giải A1 toàn quốc. Năm 1989 là Giải phân hạng. Từ năm 1990 đến 1994: Giải đội mạnh toàn quốc. Từ 1995 đến 1999: Giải hạng Nhất quốc gia và từ năm 2000 đến nay đổi thành V-League. Số lượng đội bóng tham dự cũng thay đổi rất nhiều: ít nhất là 12, nhiều nhất là 32. |
Vũ Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất