06/07/2022 06:02 GMT+7 | V-League
Những câu chuyện thời sự của bóng đá nước nhà đã được chuyên gia Đoàn Minh Xương chia sẻ dưới góc nhìn của mình cùng Thể thao & Văn hóa.
V-League bắt đầu đáng xem nhưng BTC cần nhanh chóng bịt các “lỗ rò”
Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng khi V-League trở lại đã giải cơn khát bóng đá nội nơi người hâm mộ: “Có thể chất lượng chuyên môn ở mức cao nhưng độ hấp dẫn, kịch tính cùng tính chất căng thẳng, quyết liệt tăng lên nhiều. CLB nghỉ thời gian quá dài, nên khó nhập cuộc với phong độ, chất lượng chuyên môn cao. Đấy là điều phải chấp nhận.
Điều tích cực ở chỗ người xem đã đông đầy các sân đấu, rõ ràng rất vui. Hơn thế, các cuộc so kè đã đa dạng, chứ không “một màu” như nhiều năm về trước. Chuyện Hải Phòng đang bay cao trong khi phong độ trồi sụt của Hà Nội FC hay Viettel cho thấy những bất ngờ thú vị. Trong khi đó, Bình Định, SLNA chưa thể hiện nhiều khi được đầu tư lớn, cùng lúc HAGL gây thất vọng. Chính vì thế, mọi thứ gợi mở về một V-League khó lường, đáng xem hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, cũng bắt đầu xuất hiện những “lỗ rò” mà BTC cần nhanh chóng bịt ngay. “Lỗ rò” vẫn ở câu chuyện rất cũ: Trọng tài. Tình huống gây tranh cãi trong trận Viettel gặp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh là ví dụ. Cho dù, chưa phải những sai số ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả trận đấu nhưng cần phải rà soát, căn chỉnh ngay, chứ không rất dễ “cái sảy nảy cái ung”. Nên nhớ, đây mới chỉ chặng khởi đầu, về sau tính chất giải đấu còn căng thẳng khó lường, không hề đơn giản. Vậy nên, chỉ mong sao BTC làm tốt khâu điều hành, đặc biệt công tác trọng tài để không xảy ra sự cố đáng tiếc”.
Ngoại binh kém, cơn đau đầu của các đội bóng
Chất lượng của nhiều ngoại binh không như kỳ vọng cũng như những chấn thương bất ngờ trong quãng nghỉ vừa qua đang khiến các CLB đau đầu.
Nói về điều này, chuyên gia Đoàn Minh Xương nhìn nhận: “Thực tế đã phản ảnh đúng như vậy. V-League 2022 mới chỉ chặng khởi động nhưng thêm lần nữa cho thấy chất lượng ngoại binh đang khiến nhiều đội bóng lao đao. Những cầu thủ mới đến không thể hiện được gì nhiều. Quanh quẩn chỉ những gương mặt cũ, chuyển từ đội này sang đội kia theo kiểu “cũ người mới ta”.
Đầu tiên cũng xuất phát từ kinh tế thôi bởi “tiền nào của nấy” nên rất khó đòi hỏi cao hơn trong việc mua sắm ngoại binh. Có thể hiểu đơn giản rằng, môi trường V-League bây giờ, không phải đội bóng nào cũng có “của ăn của để” dư dả cho việc đem về những món hàng chất lượng.
Thêm một nguyên nhân nữa khi V-League không còn là mảnh đất “màu mỡ” với ngoại binh. V-League hiện tại bị cạnh tranh quyết liệt từ Thai League, Liga 1 (Indonesia) hay Super League (Malaysia), thậm chí cả giải Myanmar. Những giải đấu này chất lượng đang được nâng dần lên, đãi ngộ cho cầu thủ cũng rất tốt nên sẽ thu hút ngoại binh giỏi.
Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định rằng ngoại binh đóng vai trò rất lớn cho việc thành bại của mỗi đội bóng. Đồng thời, chuyện cầu thủ ngoại có phù hợp với đội bóng đó hay không cũng rất quan trọng.Rõ ràng giá trị của những ông “Tây” chất lượng là không thể phủ nhận với bất cứ tập thể nào. Đồng thời tìm đúng người, hợp lối chơi của HLV, CLB đó sẽ tiến lên.
Minh chứng cho nhận định này là trường hợp của Hải Phòng. CLB đang bất bại và dẫn đầu V-League 2022 lựa chọn an toàn với những cầu thủ đã khẳng định được mình trên dải đất hình chữ S. Những Moses, Mpande và Rimario giúp lối chơi của HLV Chu Đình Nghiêm xây dựng khó chịu hơn hẳn trước đây. Rimario đã ghi đến 4 bàn cho Hải Phòng sau 5 trận, gần một nửa trong tổng số 9 bàn của CLB đất Cảng năm nay. Đoàn quân của HLV Chu Đình Nghiêm hoàn toàn có thể đua vô địch V-League 2022 với một lực lượng ổn định như hiện có”.
Đề xuất U23 đá V-League là không phù hợp
“Tôi cho rằng đề xuất đưa U23 Việt Nam vào thi đấu V-League là không phù hợp”, chuyên gia Đoàn Minh Xương đưa ra quan điểm rồi chia sẻ: “Ngoài những yếu tố liên quan đến xung đột quyền lợi giữa các bên thì ngay từ khía cạnh chuyên môn, phương án này chưa chắc đã hiệu quả hơn cách làm hiện tại được những CLB, những lò đào tạo trẻ hàng đầu đang áp dụng.
Rõ ràng ý tưởng này không phù hợp với đặc thù của bóng đá Việt Nam. Còn nếu xem U23 Việt Nam như đội bóng “quân xanh”, thi đấu kiểu vô thưởng vô phạt, không được tính kết quả và thứ hạng như các đội khác, tính chất các trận đấu sẽ bị nghi ngờ. Một đội bóng chơi mà không cần quan tâm đến thành tích thì khó tạo ra tính cạnh tranh để thúc đẩy cầu thủ phát triển.
Để chơi ở V-League, các đội phải bắt đầu từ giải hạng Ba. Một đội bóng mới thành lập, chưa được đầu tư rõ ràng lại xuất hiện ở V-League ngay thì không ổn. Chọn cầu thủ cho đội U23 theo tiêu chí nào? Đó đều là vấn đề khiến những người làm chuyên môn lấn cấn.
Ý tưởng này rất khó áp dụng ở điều kiện Việt Nam.Có chăng tài trợ U23 Việt Nam tập huấn dài hạn ở nước ngoài chẳng hạn sẽ hiệu quả và khả thi hơn nhiều. Hoặc đến các đợt FIFA Days, mời những đội bóng hàng đầu thế giới về cọ xát cho U23 Việt Nam vài lần trong 1 năm. Đó cũng là cách để góp công sức cho U23 Việt Nam để làm nền tảng mạnh mẽ cho tuyển Việt Nam sau này.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng bóng đá Việt Nam cần có chiến lược cho từng lứa cầu thủ, đảm bảo phát triển cho cầu thủ trẻ nhưng không làm xáo trộn hệ thống bóng đá Việt Nam mới là hướng đi bền vững và hiệu quả nhất: “VFF có chiến lược đầu tư cụ thể cho từng lứa cầu thủ từ U17, U19, U21 đến U23. Mỗi lứa cầu thủ cần có chiến lược kéo dài tối thiểu từ 2 đến 4 năm. Chuyến đi Đức của U17 Việt Nam tháng trước có thể là hình mẫu để tham khảo".
Trần Tuấn (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất