* Trong nhiều năm qua, Sông Lam Nghệ An luôn nổi tiếng với các lò đào tạo trẻ. Trong đó, “sản phẩm” từ lò VST của gia đình anh cũng đã dần có thương hiệu, rõ ràng tài năng bóng đá xứ Nghệ không bao giờ thiếu. Nhưng về đạo đức, cầu thủ xứ Nghệ thường để lại những điều tiếng xấu, anh nghĩ sao về vấn đề này khi bản thân là cựu cầu thủ Nghệ?
- Cuộc sống ngày càng có nhiều cám dỗ. Nếu các cầu thủ không được dạy bảo từ khi mới bước vào môi trường bóng đá thì sau này rất dễ sa ngã, không thể chỉnh được. Phải chỉ cho các em thấy điều gì nên làm và không nên làm. Ví như chuyện rượu bia, tôi hoàn toàn không cấm học trò mình, nhưng họ phải biết uống bao nhiêu và uống khi nào, thế thôi. Nhân cách của người thầy rất quan trọng. Minh có tì vết hay không gương mẫu, nói học trò khó nghe theo lắm.
* Nghe bảo trước đây, anh đã từng xin thôi việc ở đội Ninh Bình cũng vì liên quan đên chuyện bia rượu?
- Đúng vậy. Khi vừa nắm đội, 3 cầu thủ đến đề nghị với tôi được… nhậu một tuần 3 lần. Ngay hôm sau tôi đưa cho những cầu thủ này 3 chiếc vé máy bay để về lại CLB cũ. Tôi không thể chấp nhận điều đó. Hoặc là họ, hoặc là tôi phải ra đi. Và tôi đã phải ra đi thật, vì ông chủ tịch CLB sợ đội không có người đá.
* Vậy anh có tin rằng tất cả cầu thủ từ lò VST (nay đã chuyển giao cho Sài Gòn United) sẽ không “dính” phải những chuyện tương tự như những cầu thủ Nghệ An khác?
- Không ai có thể nói trước điều gì, bởi tính tình con người vẫn thường thay đổi chứ không ổn định. Nhưng tôi tin rằng tỉ lệ “hỏng” của cầu thủ lò VST sẽ thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của cả nước. Bởi ngay khi các em đăng ký vào “lò” đã phải nộp 300.000 đồng/tháng. Số tiền này sau đó sẽ giảm dần tùy theo khả năng tiến bộ của mỗi người. Đây không phải là số tiền đủ để nuôi các em, nhưng nó giúp các em hiểu được rằng mình đang học việc và có động lực để phấn đấu. Khi đã trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, các em sẽ lấy lại gấp trăm lần số tiền đã nộp. Nhưng tôi vẫn dặn các học trò phải biết quý trọng đồng tiền: khi tiêu xài những đồng lương này, hãy nhớ rằng bố mẹ của các cậu ở nhà vẫn còn rất vất vả.
* Sài Gòn United đang chuẩn bị tham gia giải hạng Nhất, nhưng như ông nói quỹ lương của đội chỉ hơn 150 triệu đồng/tháng, bằng 25% so với một số CLB khác và thấp nhất trong những CLB chuyên nghiệp. Điều đó có ảnh hưởng đến những mục tiêu trước mắt của đội?
- Đúng là đội bóng của tôi không có cầu thủ nào nhận mức lương quá 8 triệu đồng/tháng, nhiều người chỉ ở mức 4 – 5 triệu đồng/tháng. Sở dĩ chúng tôi xây dựng mức lương như vậy để tránh rơi vào trường hợp như một số CLB khác, đó là cầu thủ không tập luyện, thi đấu mà vẫn nhận hàng chục triệu mỗi tháng. Nhưng không có nghĩa là các cầu thủ Sài Gòn United lúc nào cũng nhận phần cứng như vậy. Nếu một cầu thủ tập luyện tốt, thường xuyên được đá chính thì thu nhập của họ có thể lên đến hơn 20 triệu đồng/tháng. Cách làm này sẽ khiến các cầu thủ luôn phấn đấu để cạnh tranh một vị trí trên sân, điều đó sẽ tốt cho CLB và bản thân họ.
Là đội bóng trẻ, chúng tôi còn nhiều khó khăn phải tháo gỡ, không riêng kinh phí. Mùa bóng này, đội sẽ phấn đấu trụ hạng vài năm nữa sẽ bắt đầu tấn công vào những tham vọng cao hơn. Cầu thủ của tôi lúc đó chắc chắn sẽ sướng hơn!
* Về cá nhân, xem ra ông đang hạnh phúc với cái nghề của mình.
- Tất nhiên, dù 3 năm qua không phải lúc nào tôi cũng thành công nhưng cơ bản tôi thấy bắt đầu “say” với nghề cầm quân. Quen rồi nghiện lắm bạn ạ. Nhưng tôi biết mình còn phải tích lũy nhiều để có chút tay nghề. Nghề này non tay không bao giờ thanh thản tâm hồn được!
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi, chúc Sài Gòn United của ông phát triển bền vững!
VIỆT CƯỜNG (thực hiện)