(TT&VH) - Cho đến nay, trong phòng truyền thống của HA.GL, chiếc áo số 13 vẫn được đặt ở vị trí trang trọng. Sau khi Kiatisuk chia tay, bầu Đức với sự tôn trọng “Zico Thái” đã quyết định không trao cái áo mang số “huyền thoại” ấy cho nhân vật nào nữa.
Còn nhớ sau trận đấu chia tay của Kiatisuk cuối mùa giải 2006, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Việt Hường lúc ấy đã nói: “Hình ảnh của Kiatisuk đã có ảnh hưởng tích cực đến giới trẻ của của tỉnh nhà”.
Kiatisuk cùng Dusit là biểu tượng của sự chung tình, trong bối cảnh bóng đá chuyên nghiệp người ta coi đấy là chuyện xa xỉ. Đồng tiền như một mục tiêu tối cao, để rồi biết bao cầu thủ, trọng tài, quan chức đánh mất mình vì nó. Biết bao câu chuyện buồn sau những bản hợp đồng chuyện nhượng, chuyện đi hay ở.
Rogerio (phải) là ngoại binh hiếm hoi đã thi đấu tới 6 năm cho SHB.ĐN.
Lúc Kiatisuk đến với đất Tây Nguyên lúc đó anh thiếu gì tiền, kể cả danh vọng. Vậy mà anh vẫn chấp nhận dấn thân vào canh bạc V-League lúc đã qua bên kia đỉnh dốc. 5 năm gắn bó với Hoàng Anh, đến phút cuối tiền đạo huyền thoại của Đông Nam Á vẫn chiến đấu hết mình cho “ Gỗ”. Dusit từng lên voi xuống ngựa, nhưng đến nay vẫn một lòng với bầu Đức. Nếu không có cái tình ràng buộc, bản “hợp ca Thái Lan” không thể tồn tại ở Hoàng Anh đến tận bây giờ.
Nhìn lại ngoại binh, số người chung tình như thế là rất hiếm. Rogerio sống vắt qua 6 đời HLV, đến nay đã thi đấu cho bóng đá Đà Nẵng gần 6 mùa. Rogerio đã trở thành công dân sông Hàn mà cái việc anh lấy họ Nguyễn ai cũng biết ẩn ý. Almeida ít hơn nhưng cũng gần 4 mùa. Với khán giả sông Hàn, họ không tôn vinh cầu thủ nhà, mà trên khán đài B chỉ có 3 nhân vật được giăng ảnh cỡ lớn: Almeida-Rogerio-Huỳnh Đức. Hay mối tình giữa HLV Calisto với bóng đá Việt Nam nói chung, với “Gạch” nói riêng, thật là hiếm.
Thật đáng quý khi vẫn còn đó những sự chung tình.
HỮU QUÝ