29/12/2021 06:12 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Từ thất bại hôm nay, bóng đá Việt Nam phải tạo ra động lực cho chặng đường tiếp theo. Chuyên gia Nguyễn Thành Vinh đã có những góc nhìn của mình về bóng đá nước nhà cùng Thể thao & Văn hóa.
Hai nửa tối sáng của đội tuyển Việt Nam
* Thể thao & Văn hóa: Nhìn lại AFF Cup lần này, đâu là những điểm nhấn của đội tuyển Việt Nam, thưa ông?
- Chuyên gia Nguyễn Thành Vinh: Tôi xin được cụm từ “hai nửa sáng tối” để nhìn lại hành trình của đội tuyển Việt Nam tại giải đấu lần này. Ở đó, thầy trò ông Park có những trận đấu, những thời điểm chơi thăng hoa, phát tiết. Ngược lại, nhiều lúc các cầu thủ không thể phát huy hết được năng lực của mình, đội tuyển rơi vào “bí bách”. Có nhiều căn nguyên dẫn đến việc đội tuyển Việt Nam không thể duy trì mạch lạc, xuyên suốt nhịp điệu chơi bóng của mình.
Đối đầu cùng Malaysia hay hiệp 1 trận bán kết lượt về với Thái Lan minh chứng rõ nét cho việc đội tuyển Việt Nam chơi bừng khởi. Lúc đó, ý đồ chơi đặt ra từ đầu như thế nào đã được cầu thủ thực hiện tròn trịa. Tâm thế tiếp cận, cung cách vận hành chiến thuật đã được đội tuyển Việt Nam thể hiện tốt, duy trì xuyên suốt nguyên cả trận đấu với Malaysia cùng như hiệp 1 trận đấu lượt về bán kết cùng người Thái.
Lối chơi dâng cao, áp đặt tấn công với cách đá ban bật phủ đầu đã khiến Malaysia phải vất vả chống đỡ và không thể phát huy những điểm mạnh về tranh chấp, thể lực của họ. Trong khi đó, với những mới mẻ trong việc thay đổi nhân sự, chủ động đá tấn công đã giúp đội tuyển Việt Nam khiến Thái Lan lúng túng, thậm chí hốt hoảng ở hiệp 1 bán kết lượt về. Với tôi, đó là hiệp đấu hay nhất của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2021, thậm chí là hay nhất trong thời gian gần đây.
Tựu trung lại, những được mất tại giải đấu sẽ giúp đội tuyển Việt Nam có thêm sự tham chiếu hữu ích. Từ đó, biết mình đang có gì, thiếu gì, bổ trợ ở đâu để bước tiếp. Bởi, bóng đá Việt Nam đâu chỉ có AFF Cup.
* Ông vừa nhắc đến chi tiết đội tuyển Việt Nam đã thiếu đi năng lực duy trì sức ép để không thể chơi tốt xuyên suốt. Vậy nguyên do đến từ đâu?
- Vấn đề này đã thể hiện rất rõ tại giải đấu năm nay. Rõ nhất ở trận đấu với Lào, Campuchia hay hiệp 2 trận bán kết lượt về và phần nào ở trận đấu với Indonesia nữa.
Trước Lào và Campuchia, đội tuyển Việt Nam đã còn đến hơn 30 phút nhưng không thể ghi thêm bàn thắng. Đã dẫn Lào 2-0 ở phút 55, tạo lợi thế 4 bàn trước Campuchia ở phút 57 nhưng không thể chơi áp đặt có thêm bàn thắng. Bởi nếu muốn tính toán đối thủ ở bán kết, thì cần phải có thê bàn thắng để so sánh hiệu số. Nghĩa là, không phải chúng ta bằng mọi cách để tạo ra cơn mưa bàn thắng nhưng việc duy trì sức ép sẽ tạo ra cung cách chơi bóng đỉnh đạc cũng như cần thiết để duy trì được sự mạch lạc cho những trận đấu khó khăn.
Hoặc trước đó nữa, khi đội tuyển Việt Nam tạo ra thế trận một chiều nhưng bế tắc trước Indonesia. Indonesia đã không lộ rõ ý định đá "tử thủ" nhưng đội tuyển Việt Nam không thể tạo ra đột biến khi không có nhiều giải pháp. Với Thái Lan trận bán kết lượt về, sức ép dồn lên đối thủ cũng chỉ trong 45 phút đầu tiên. Những gì chắt lọc nhất, tinh túy nhất của đội tuyển Việt Nam đã hiển hiện ở hiệp 1 trận đấu này.
Việc đội tuyển Việt Nam thiếu vắng những cầu thủ trụ cột, nhất là hàng thủ đã khiến chúng ta không thể phát huy hiệu quả nhất lối đá sở trường phòng ngự - phản công. Bởi khi vận hành trơn tru được lối đá này sẽ tạo ra cơ sở cho tuyến trên hoạt động trơn tru. Cùng với đó, các đối thủ đã điều nghiên kỹ càng, bắt bài được lối đá của đội tuyển Việt Nam nên họ ứng biến hiệu quả.
Ngược lại, khi bế tắc, đội tuyển Việt Nam đã không có nhiều giải pháp để thay đổi. Chẳng hạn 9 bàn thắng của đội tuyển Việt Nam đều được ghi bởi nhóm đá chính. 8 trong số đó được thực hiện ở 60 phút đầu. Hơn 30 phút cuối trận là quãng thời gian chúng ta chơi bất lực. Trong khi những lần thay người sau đó hoặc thay đổi đấu pháp cũng chưa thể có được hiệu quả. Hiệp 2 trận bán kết lượt về trong bối cảnh nôn nóng, đội tuyển Việt Nam đã “loạn đấu pháp”. Loạn đấu pháp khi vấp phải sự chủ động phòng thủ kín kẽ của Thái Lan. Hơn thế, tâm lý nôn nóng đã khiến cầu thủ trên sân không còn đáp ứng đúng ý đồ và điều chỉnh từ Ban huấn luyện.
Đội tuyển Việt Nam cần diện mạo mới, sinh khí mới
* Rồi đây, đội tuyển Việt Nam sẽ có những đúc kết, rút tỉa về AFF Cup 2021. Với góc nhìn của mình, ông chờ đợi điều gì và đội tuyển Việt Nam cần thay đổi thế nào?
- Như tôi đã nói, bóng đá Việt Nam không chỉ có AFF Cup. Không thể bảo vệ ngôi vô địch hẳn nhiên buồn và tiếc. Nhưng phải gác lại AFF Cup 2021 và nhìn về phía trước. Bởi các giải đấu đã ở ngay trước mặt để đội tuyển Việt Nam hướng đến.
Về cơ bản, đội tuyển Việt Nam đang sở hữu lứa cầu thủ chất lượng. Lứa cầu thủ này vẫn còn trẻ để tiếp tục cống hiến, phát huy năng lực của mình. Nhưng bóng đá phải đảm bảo nhiều yếu tố đan xen. Trong đó, ngoài chuyện duy trì cái đang có cần thêm việc cài cắm để tạo ra tính kế thừa, trước hết ở đội tuyển Việt Nam.
Có thể vấn đề vận hành chiến thuật, lối chơi sở trường, điểm mạnh và triết lý của ông Park vẫn duy trì. Điều này tạo ra bộ khung, cái nền cơ bản. Tuy nhiên, với nhân tố mới, con người mới sẽ tạo ra động lực canh tranh để phát triển. Những nhân tố mới sẽ giúp đội tuyển Việt Nam có được diện mạo mới, đa dạng hơn, sinh động hơn trong cách chơi.
Đã hơn một lần, ông Park trần tình về việc đội tuyển Việt Nam đã bị các đối thủ bắt bài. Thực tế những gì diễn ra tại AFF Cup lần này minh chứng rõ hơn cho chia sẻ của ông Park. Hơn thế, qua giải đấu lần này, chúng ta đều thấy rõ sự trỗi dậy của các đội tuyển trong khu vực. Thời gian qua, bóng đá Việt Nam nâng tầm, vượt ngưỡng thì các ĐTQG Đông Nam Á cũng không hề đứng lại.
Rõ ràng, sau thời gian khó khăn, các đội tuyển Thái Lan, Indonesia, Singapore đã và đang trở lại mạnh mẽ. Giải đấu năm nay, đội tuyển Thái Lan đã trở lại đúng tầm vóc của họ ở khu vực. Trong khi Singapore vươn lên mạnh mẽ với con người trẻ cùng lối chơi hiện đại. Cùng với đó, đội tuyển Indonesia đang “thoát xác” dưới bàn tay nhào nặn của HLV Shin Tae Yong, khi tại AFF Cup lần này, họ đã chơi bóng mềm mại, uyển chuyển, đa phong cách. Không chỉ cấp độ ĐTQG, Indonesia sẽ đáng gờm cho SEA Games 31 khi có rất nhiều cầu thủ đang đá AFF Cup 2021 còn trong độ tuổi U23.
Trong khi đó, với việc kinh qua nhiều giải đấu trong 4 năm qua, đội tuyển Việt Nam đã không thể “ẩn mình” hay không còn là “ẩn số” nữa. Vậy nên, việc làm mới lúc này là cần thiết. Làm mới cả con người, cách chơi. Làm mới không có nghĩa chúng ta “xóa cờ” làm lại bởi bộ khung của mình vẫn cứng. Làm mới ở đây như sự cài cắm, đan xen và tạo ra cách chơi mới. Có như thế, mới tạo ra được sự linh hoạt, thích nghi, ứng biến trước đối thủ.
Vậy nên, lúc này cần nhanh chóng quên đi thất bại tại AFF Cup 2021. Hãy gác lại mọi thứ, từ thất bại, từ khó khăn tìm ra hướng đi mới, động lực mới cho đội tuyển Việt Nam ở chặng đường tiếp theo.
Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Trần Tuấn (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất