28/03/2022 17:51 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Tuyển Việt Nam chỉ còn trận gặp Nhật Bản là kết thúc chiến dịch vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Đây là trận đấu HLV Park Hang Seo nên thay đổi cách dùng người.
Vòng loại World Cup 2022:
* 17h35, 29/3: Nhật Bản vs Việt Nam (VTV6, VTV5)
* 18h30, 29/3: Iran vs Liban
* 20h45, 29/3: UAE vs Hàn Quốc
* 20h45, 29/3: Syria vs Iraq
* 23h00, 29/3: Oman vs Trung Quốc
* 01h00, 30/3: Ả rập Xê út vs Úc
Sau chiến thắng thuyết phục trước Trung Quốc, chúng ta đã hi vọng đội tuyển trên đà tâm lí hưng phấn, sẽ tiếp tục chơi một trận “ra trò” và giành được kết quả tích cực trước Oman tại Mỹ Đình, ít nhất cũng là một trận hòa.
Nhưng cuối cùng chúng ta vẫn thất bại. Dù cách biệt chỉ là tối thiểu nhưng nhìn lại trận đấu thì phải nói trong các pha lên bóng của mình, tuyển Việt Nam gần như chỉ biết trông chờ vào khả năng tạo đột biến từ Quang Hải.
Ngoài ngôi sao số 19, chỉ có Tuấn Hải vẫn có màn trình diễn tích cực, đáng khen ngợi, nhất là đối với một cầu thủ vẫn còn được trao rất ít cơ hội thi đấu cho ĐTQG cho tới thời điểm này.
Có một điểm đáng chú ý là 4 cầu thủ HAGL góp mặt trong trận thua Oman, dù là đá chính như Tuấn Anh, Văn Thanh hay vào thay người như Công Phượng, Văn Toàn thì đều gây thất vọng.
Văn Thanh vốn dĩ lâu nay chơi không chắc chắn dù đá cánh trái hay cánh phải. Tuấn Anh thường chỉ chơi hay khi gặp các đối thủ trong khu vực, còn trước các đối thủ tầm cỡ ở Châu lục thì Tuấn Anh không thể hiện được gì nhiều.
Công Phượng, Văn Toàn mỗi người có những vấn đề, hạn chế riêng và tựu chung nếu có đá tốt thì họ cũng chỉ có thể chơi tốt khi gặp các đối thủ trong khu vực.
Công Phượng vốn có thiên hướng rê dắt bóng lắt nhắt, tốc độ không đủ nhanh, xử lý bóng rườm rà, đá nặng về bản năng và tư duy chiến thuật yếu nên ít khi tạo ra đột biến. Văn Toàn tốc độ rất tốt nhưng khả năng dứt điểm thì ngược lại.
Ông Park cần cân nhắc việc sử dụng y nguyên nhóm HAGL trong trận gặp Nhật Bản. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào sự thật là tuyển Việt Nam sứt mẻ lực lượng quá nhiều ở trận này còn Nhật Bản dù có thể cũng không (hoặc không thể) có lực lượng mạnh nhất nhưng họ vẫn ở đẳng cấp cao hơn chúng ta.
Với những con người sẵn có trong tay ông Park lúc này, dù chúng ta đá kiểu gì và ông Park dùng ai đá chính thì tuyển Việt Nam cũng rất khó có điểm trước “Samurai xanh” dù Nhật Bản có thể không cố đá do họ đã có vé dự World Cup.
Một khi đã vậy thì tại sao HLV người Hàn Quốc lại không nhân cơ hội này để thử nghiệm nhân sự, để trao cơ hội thi đấu cho một số gương mặt vẫn còn quá ít hay chưa bao giờ được ra sân trong màu áo ĐTQG?
Nếu ông Park vẫn chỉ dùng những gương mặt quen thuộc thì trong khi họ chưa chắc chơi tốt (như bộ tứ HAGL nói trên) thì cùng lúc có những cầu thủ được HLV người Hàn Quốc đôn lên từ đội U23 lại không có cơ hội ra sân.
Đó là điều không ổn. Chúng ta đặt mục tiêu giành HCV bóng đá nam ở SEA Games vào tháng 5/2022 và để hướng đến mục tiêu ấy, các cầu thủ đội U23 Việt Nam cần được cọ sát đầy đủ để tích lũy kinh nghiệm, cần được thử thách để trưởng thành.
Trong lúc đội U23 của chúng ta đang đá Dubai Cup thì ông Park gọi hai nhân tố chủ chốt của đội U23 là tiền vệ Lý Công Hoàng Anh và trung vệ Thanh Bình lên đội “lớn” nhưng không cho họ ra sân phút nào trước Oman.
Họ rất cần được ra sân trong trận gặp Nhật Bản để cọ sát, học hỏi kinh nghiệm. Nếu không, việc ông Park gọi họ vào tuyển Việt Nam chuẩn bị cho trận gặp Nhật Bản gần như không có ý nghĩa gì với họ.
Nếu không phải tập trung ở ĐTQG, Thanh Bình và Lý Công Hoàng Anh đã chơi ở Dubai Cup và những trận đấu như với U23 Iraq, U23 Croatia và sắp tới là với U23 Uzbekistan sẽ tốt cho họ hơn nhiều là mang tiếng đá cho ĐTQG nhưng chỉ có thể ăn tập cùng các “đàn anh” và không được ra sân thi đấu.
SEA Games đang đến gần và Thanh Bình cũng như Lý Công Hoàng Anh cần được tạo cơ hội cọ sát, nếu không phải là cùng đội U23 Việt Nam thì cùng ĐTQG. Đến lúc HLV Park Hang Seo cần nghĩ đến chuyện đó trong cuộc đối đầu với Nhật Bản.
HT
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất