05/01/2016 11:24 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Sau một đôi năm nguồi nguội và từng bị gián đoạn, danh hiệu Quả Bóng Vàng (QBV) Việt Nam mới lại nóng như nhà nông vào vụ. Mặc dù vậy, có vẻ như không ít người đã hiểu sai về ý nghĩa của các cuộc vinh danh cá nhân, khi cho rằng, nó là cuộc đua lấy phiếu tín nhiệm. QBV đơn thuần là sự ghi nhận, tưởng thưởng và người về nhì không bao giờ bị xem là kẻ chiến bại.
Vơi đi thần tượng
Lịch sử 11 QBV gần nhất (không bao gồm năm 2013, khi giải thưởng này bị hoãn), những người Nghệ An chiếm đến 5 “quả”. Đấy là Văn Quyến (2003), Công Vinh (2004, 2006 và 2007), Hồng Sơn (2008), số còn lại thuộc về Tài Em (2005), Thành Lương (2009, 2011 và 2014), Minh Phương (2010) và Quốc Anh (2012). Thôi nói chuyện xứng đáng hay không xứng đáng, nhưng nếu suy xét đầy đủ các giá trị của một “bóng vàng” đúng nghĩa, trong số này chỉ có Văn Quyến.
Ở tuổi 19, gần như một mình Văn Quyến làm dậy sóng sân Mỹ Đình trong kỳ SEA Games 22 được tổ chức tại Việt Nam. Thực tế, Văn Quyến đã được yêu mến từ trước đó, với VCK U16 châu Á năm 2000, vòng loại Asian Cup 2004 (với bàn thắng duy nhất kết liễu đương kim đệ tứ anh hào thế giới khi ấy là Hàn Quốc trên đất Oman năm 2003)... “Anh hùng xuất thiếu niên”, Văn Quyến thực sự là thần tượng của thần tượng, cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn chưa thôi yêu Quyến.
Năm 2008, Hồng Sơn được bầu chọn là “Cầu thủ hay nhất AFF Cup” và mặc nhiên đoạt QBV Việt Nam, nhưng nhiều người, trong đó có các đồng đội của Sơn ở ĐT Việt Nam, lại không phục. Những nhà vô địch Đông Nam Á khi ấy như Vũ Phong, Như Thành, Việt Thắng, Công Vinh, thậm chí cả Phước Tứ, Tài Em, Minh Phương… cũng rất xứng đáng. Việc chỉ về nhì trong cuộc vinh danh cách đây 7 năm, khiến Như Thành cảm thấy bị tổn thương và Công Vinh (về 3) cũng thế.
Kể từ đó, đã âm thầm xuất hiện một cuộc “chạy dây”, dồn phiếu cho danh hiệu QBV và điều này rất không hay, nếu không muốn nói là đi ngược lại với ý nghĩa của giải thưởng. Năm nay, thấy nhiều ứng viên cũng vỗ ngực tuyên bố kiểu nhận phần, càng buồn hơn. Thần tượng hết thật rồi sao?!
Vinh danh người về nhì
Năm 2014, tuy là Văn Quyết chỉ nhận Quả Bóng Bạc, nhưng anh lại nhận được nhiều sự chia sẻ hơn so với đồng đội Thành Lương (QBV) hay Công Vinh (Quả Bóng Đồng). Có hat-trick danh hiệu cá nhân cao quý nhất ở tuổi 26 (Thành Lương sinh năm 1988), tiền vệ nhỏ con này cho rằng, QBV trong tim người hâm mộ mới thực sự quan trọng. Phát biểu của Thành Lương khiến nhiều đồng nghiệp phải giật mình. Khi đại diện U19 Việt Nam nhận giải “FAIR PLAY” 2014, Tuấn Anh cũng nói đại ý thế.
Nếu là QBV trong tim người hâm mộ, thì 2 năm qua, nó phải thuộc về “những đứa trẻ của bầu Đức” như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… mới đúng. Bởi họ thực sự đã đánh thức hàng triệu trái tim say mê bóng đá, nhưng lại đang “ngủ đông”, vì bất mãn với thời cuộc. Về khái niệm tận hiến trong môn thể thao vua, Công Phượng, Tuấn Anh thực sự là những thần tượng mới, những mẫu cầu thủ không thể không yêu. Nhưng, bóng đá còn là thành tích và sự tích luỹ nữa.
Về điều này, Minh Phương, Tài Em xem như đã toại nguyện, song Tấn Tài đã từng rất thất vọng, khi chỉ được ghi nhận rất chừng mực về những đóng góp của anh, đặc biệt là trong màu áo ĐTQG. Cũng là ở chương cuối của sự nghiệp, nhiều người hy vọng, đội trưởng của Tấn Tài trong màu áo B.Bình Dương là Anh Đức, sẽ một lần được tôn vinh. “Đối thủ” lớn nhất của Anh Đức chắc chắn là Nguyễn Văn Quyết, với vai trò và tầm ảnh hưởng rất lớn ở Hà Nội T&T cũng như ĐTQG.
QBV Việt Nam 2015, bao gồm cả hạng mục dành cho Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất, nóng hơn, về lý thuyết đấy là tín hiệu đáng mừng khi nền bóng đá có nhiều cầu thủ tốt, nhưng thực tế thì không hẳn, bởi các ĐTQG đã chỉ có một năm thất bát.
Dù chơi rất hay và thường xuyên toả sáng cá nhân, song những Công Phượng, Tuấn Anh hay Huy Toàn, Duy Mạnh…, những cầu thủ trẻ xuất sắc nhất của nền bóng đá đương đại, sẽ không bao giờ lặp lại được kỳ tích đoạt QBV ở tuổi 19 của những Văn Quyến (2003) hay Công Vinh (2004). Trong cuộc bầu chọn QBV 2015, Công Phượng thậm chí không có trong danh sách đề cử, Tuấn Anh nằm ở hạng mục Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất còn Duy Mạnh không lọt vào vòng “chung khảo”. Huy Toàn (22 tuổi) nằm trong top 5, nhưng khả năng chiến thắng là rất thấp. *** 3. Cùng với Huỳnh Đức, Công Vinh, Phạm Thành Lương cũng đã đoạt hat-trick “bóng vàng”. Tuy nhiên, so về tầm ảnh hưởng trong và ngoài sân cỏ, Thành Lương thật sự khó bì với các đàn anh. 20. Tính từ năm 1995, khi giải thưởng QBV được phôi thai lần đầu tiên, đã có 19 danh hiệu “bóng vàng” được trao, cùng với đó là các hạng mục Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất, QBV nữ, ngoại binh xuất sắc nhất... 30. Năm 2010, Minh Phương lần đầu tiên đoạt QBV ở tuổi 30, bằng với các đàn anh Nguyễn Hồng Sơn (năm 2000), Lê Huỳnh Đức (2002). Nếu danh hiệu năm nay được trao cho Anh Đức hay Công Vinh, có thể kỷ lục về một cầu thủ già nhất từng đoạt “bóng vàng” sẽ lặp lại. |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất