20/07/2018 07:54 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Những người trong cuộc đều từ chối nêu tên mình trên mặt báo, tức là, họ đã cảm thấy xấu hổ sau những gì đã xảy ra. BTC địa phương không làm tròn trách nhiệm, ít nhất về mặt an ninh, BTC giải đấu (Phòng tổ chức VFF) cũng có phần thiếu sót khi để sự cố xảy ra, trong khi người trong cuộc, ở đây là các cầu thủ Bà Rịa – Vũng Tàu, đã làm xấu hình ảnh của bóng đá Việt Nam… Chúng ta đang nói về sự cố ở giải hạng Nhì quốc gia 2018, trận đấu giữa Bà Rịa – Vũng Tàu và Phố Hiến.
Chơi hay phá?
Phố Hiến FC, Phù Đổng FC, An Giang và Bà Rịa – Vũng Tàu là những đội lọt vào VCK tranh 3 suất lên chơi giải hạng Nhất 2019. Về mặt tham vọng mà nói, Bà Rịa – Vũng Tàu và Phù Đổng FC thực sự nghiêm túc trong chiến lược phát triển: Làm bóng đá từ đầu và từ gốc, thay vì mua suất chơi. Trong khi đó, An Giang với nguồn kinh phí khiêm tốn, họ chỉ góp mặt cho đủ tụ. Còn Phố Hiến FC, nếu muốn, với nguồn lực tài chính và cầu thủ dồi dào, 1–2 năm nữa, họ muốn chơi V-League cũng được, nói gì hạng Nhì, hạng Nhất.
Xuất phát điểm (tức tham vọng) giống nhau, hoàn cảnh cũng tương đối giống nhau, nhưng khác biệt ở văn hóa ứng xử. Không thể nói là việc Bà Rịa – Vũng Tàu phải chịu 2 chiếc thẻ đỏ, khiến họ gây hấn và đuổi đánh trọng tài (Anh Vũ – TP.HCM). Chúng ta phải đặt ra vấn đề: Cầu thủ Bà Rịa – Vũng Tàu muốn chơi hay là phá? Bởi đó là thời điểm mà trận đấu đã kết thúc và việc để thua với tỷ số 1-4 là “lấm lưng trắng bụng” rồi! Tác nhân – Trần Quốc Tuấn, là một cầu thủ chuyên nghiệp, từng nhiều năm chơi bóng cho SLNA và Hải Phòng, chắc không manh động thế, nếu không được “bật đèn xanh”.
Như phần lớn chúng ta đều đã biết, CLB Bà Rịa – Vũng Tàu bắt đầu từ giải hạng Ba năm ngoái, họ thăng hạng Nhì 2018 một cách thuyết phục, dưới bàn tay của tổng công trình sư Lê Công Vinh. Gần như 100% nhân sự từ quân tới tướng, đều được cựu đội trưởng ĐTQG mượn về, từ SLNA (hoặc có gốc gác Nghệ An). Nhưng, chỉ vài ngày trước khi giải hạng Nhì QG 2018 khởi tranh, chủ đầu tư cho tổng công trình sư thôi việc. “Thuộc cấp” của Công Vinh như rắn mất đầu. Họ bước vào cuộc chơi mà đã biết được tương lai: Xong giải là giải tán. Vậy, hỏi cầu thủ (và BHL) còn có động lực không?
Mặt trái của đồng tiền
Theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa, trước trận đấu với Phố Hiến, BHL và các cầu thủ Bà Rịa – Vũng Tàu được hứa hẹn thưởng rất lớn, số tiền không dưới 2 tỷ đồng, nếu giành chiến thắng và thăng hạng. Trước đó nữa, tiền thưởng chỉ dừng lại ở 500 triệu đồng, trong trường hợp đội bóng vượt qua Phù Đổng FC ở trận đấu tranh suất lên hạng trực tiếp. Nhưng, Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ tìm được trận hòa 0 – 0 trước Phù Đổng, trong một trận đấu có đến 6 thẻ vàng được rút ra. Hai đội bước vào loạt sút luân lưu 11m và Phù Đổng FC giành chiến thắng chung cuộc với tỷ số 3 – 2.
Cùng thời điểm đó, Phố Hiến cũng để thua An Giang với tỷ số 0 – 1. Như vậy, Bà Rịa – Vũng Tàu và Phố Hiến sẽ tranh suất thứ 3 còn lại lên chơi giải hạng Nhất vào năm sau trong trận “chung kết”.
Tiền quan trọng đến đâu với bóng đá, chắc không cần phải nói thêm nữa. Với bóng đá Việt Nam, nói thẳng ra, một bộ phận không nhỏ đá bóng vì tiền và cùng với một số khác, làm bóng đá vì tiền. Tất cả những ý niệm thiêng liêng khác, chỉ là “trót lưỡi đầu môi” mà chúng ta nghe được khi họ phát biểu trên mặt báo, với giới truyền thông. 2 tỷ cho tập thể khoảng 30 con người là một số tiền đáng kể, nhưng nếu cái gì cũng mang tiền ra để đo, thì đâu còn gì để nói. Đồng tiền cũng có 2 mặt của nó. Cầu thủ Bà Rịa – Vũng Tàu phần lớn đều là những người trẻ, chưa quen tiêu tiền.
“Cái gì không mua được bằng tiền, thì sẽ mua bằng thật nhiều tiền”, phần lớn chúng ta đều biết câu này, nhưng không hiểu hết ẩn ý sâu xa của câu nói trên và nó xuất phát từ đâu và từ ai. Không thể nói là cầu thủ Bà Rịa – Vũng Tàu đã chủ động “nằm”, bởi họ “bán” được giá hơn cho đối thủ, nhưng mọi khả năng đều có thể xảy ra, nếu cầu thủ bắt đầu cuộc chơi vì tiền thay vì sự thăng tiến nghề nghiệp. Hoặc cũng có thể, "con sâu làm rầu nồi canh”. Dù gì thì chuyện cũng xảy ra rồi và bây giờ là lúc mà người trong cuộc phải giải quyết hậu quả. Án phạt đang treo lơ lửng trên đầu CLB Bà Rịa – Vũng Tàu.
2. Giải hạng Nhì do VFF điều hành và tổ chức mà không nằm trong hệ thống thi đấu chuyên nghiệp do VPF tổ chức. 4. Có 4 đội bóng tham dự VCK giải hạng Nhì năm nay để tranh 3 suất lên chơi giải hạng Nhất 2019. 1. Nếu chiến thắng và giành quyền lên hạng Nhất ở trận đấu cuối cùng, CLB Bà Rịa - Vũng Tàu nhận 1 tỷ đồng tiền thưởng. |
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất