30/04/2017 13:04 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Trong mối quan hệ sư đồ, phải đào tạo thầy mới ra được học trò. Rồi muốn trò giỏi thì phải có thầy hay mà câu ca dao "Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy", đã nói lên tất cả...
Còn đâu đạo thầy trò
Bóng đá, một địa hạt rất nhỏ của xã hội, nhưng một sản phẩm đào tạo ra, có mối quan hệ hữu cơ với chính HLV của cầu thủ đó. Vụ ầm ĩ mấy ngày qua, liên quan đến cầu thủ trẻ U15 Tiến Long, của Hà Nội FC và HLV Lê Hồng Minh của FLC Thanh Hoá, khiến người hâm mộ bóng đá đau lòng về mối quan hệ đó.
Tiến Long, một học trò cũ của Lê Hồng Minh ở Hà Nội FC trước đây, đồng thời cũng là người con của Thanh Hóa, có ăn mừng thái quá với thái độ khiêu khích hay không; HLV trưởng U15 FLC Thanh Hóa là Lê Hồng Minh có doạ cắt gân cầu thủ này hay không..., chuyện này, có đối chất cũng khó phân định bởi lời nói gió bay. Đơn giản là chỉ họ mới biết. Cho nên, những màn đổ lỗi cho nhau thực sự là nỗi hổ thẹn của bóng đá Việt Nam, đặc biệt là bóng đá trẻ. Một nguồn tin khác còn cho hay, vài phụ huynh của U15 Hà Nội FC còn thêm dầu vào lửa, khiến câu chuyện trở nên căng thẳng.
Frank van Eijis - Một người bạn của tôi, người có kinh nghiệm quản lý và môi giới bóng đá cũng chia sẻ rằng, tương lai nền bóng đá thuộc về những người trẻ. Người trẻ ở đây bao gồm cả HLV chứ không chỉ là các cầu thủ nhí. Theo Frank van Eijis thì quyền chủ tịch Lê Công Vinh của CLB TP.HCM và HLV trưởng Long An Nguyễn Minh Phương, sẽ phát triển lên một tầm cao mới, sẽ là tương lai của nền bóng đá, của các ĐTQG cũng như các giải đấu, nếu họ có cơ hội hợp tác với các chuyên gia hàng đầu. Hai người này giỏi và còn trẻ, họ cần những người thầy dẫn dắt, cần điều kiện được tạo ra.
Sự ban ân và chủ nghĩa kinh nghiệm
Phần lớn các CLB Việt Nam đều xem nhẹ việc chọn HLV phụ trách đào tạo trẻ. Thường thấy cầu thủ nào vừa giải nghệ, có danh tiếng tí, giao luôn làm “thầy dạy trẻ” như là sự ban ân. Nhiều ông thầy vừa làm theo chủ nghĩa kinh nghiệm, vừa học bổ túc các chứng chỉ hành nghề.
Các CLB đa số thiếu một GĐKT hay Chủ tịch Hội đồng HLV đủ kinh nghiệm, kiến thức và uy tín, để dẫn dắt. Cách làm này rất nguy hiểm. Bóng đá Việt Nam không thiếu bài học nhãn tiền - Trò hư tại thầy.
Trước đây, HLV xúi giục cầu thủ đá bậy, đá láo là chuyện bình thường. Sau này, thời đại công nghệ thông tin, mạng xã hội, bất cứ biểu hiện ngược đạo lý - không hay nào, sẽ bị tố trên mạng xã hội và mặt báo ngay. Đấy là một sự tiến bộ rõ rệt và trong một chừng mực nào đó, nó buộc người trong cuộc phải giữ thái độ ứng xử vừa phải với nhau hơn. Bóng đá bây giờ văn minh lắm, người hoạt động trong địa hạt này, nếu không thay đổi mà thích ứng, sẽ tự động bị đào thải. Phàm là người lớn, là thầy, nếu chúng ta không thể làm gương, rất dễ “đi cả” một thế hệ người trẻ. Hãy nhớ lấy.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất