04/03/2011 11:09 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Theo các kế hoạch của Bộ Đường sắt Trung Quốc, tới cuối năm nay nước này sẽ có 13.000km đường sắt cao tốc (ĐSCT), qua đó trở thành quốc gia có mạng lưới ĐSCT lớn nhất thế giới. Thế nhưng một loạt các bê bối tham nhũng mới bị phanh phui, cộng với vấn đề lãng phí và câu hỏi lớn về tính hiệu quả đang phủ bóng lên chương trình được xem là niềm tự hào quốc gia của Trung Quốc.
Các vụ bê bối bắt đầu được phanh phui từ tháng trước, với việc Bộ trưởng Bộ Đường sắt Lưu Chí Quân bị cách chức vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
Những cáo buộc tham nhũngBộ trưởng Lưu Chí Quân mới bị cách chức vì tham nhũng trong dự án ĐSCT
Tạp chí Tài Kinh cùng một số tờ báo khác của Trung Quốc nói rằng ông Lưu đã nhận tiền “lại quả” và hối lộ để trao những hợp đồng “ngon ăn” trong dự án ĐSCT cho nhiều công ty khác nhau.
Theo tìm hiểu của tờ Thời báo Hoàn cầu, kể từ khi ông Lưu trở thành bộ trưởng năm 2003, ngành giao thông đã đầu tư hơn 700 tỷ NDT để xây dựng hệ thống ĐSCT. Ông được cho là đã nhận “lại quả” từ 2,5% - 4% cho mỗi hợp đồng. Tổng cộng số tiền Lưu bỏ túi lên tới 822 triệu NDT (125 triệu USD).
Ông Lưu là quan chức cấp cao nhất bị cách chức và điều tra vì các cáo buộc tham nhũng kể từ khi ông Trần Lương Vũ - Bí thư Thành ủy Thượng Hải - bị cách chức năm 2006 và sau đó bị kết tội tham nhũng. Hiện chưa có tội danh chính thức nào được cáo buộc với ông Lưu. Trường hợp của ông đang do Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng xử lý. Nếu Ủy ban kết luận Lưu có lỗi, ông sẽ bị đưa ra trước pháp luật.Không lâu sau khi Lưu ngã ngựa, Trương Thự Quang, kỹ sư phụ trách nghiên cứu và phát triển ĐSCT của Trung Quốc, nhân vật được mệnh danh là cánh tay phải của Lưu, cũng bị cách chức vì vi phạm kỷ luật. Trương chịu trách nhiệm giám sát hoạt động đổi mới công nghệ ĐSCT Trung Quốc. Tháng 2 năm nay, một bài viết đăng trên báo Khoa học và Công nghệ đã ca tụng Trương là “kiến trúc sư trưởng của ĐSCT Trung Quốc ”. “Trong vòng 6 năm qua, Trương đã nâng cấp tốc độ của các đoàn tàu cao tốc Trung Quốc từ 200 lên 380km/h” - bài báo viết. Bản thân Trương cũng tự tán tụng mình trong vai trò một “người mua sắm có chiến lược”, bởi chỉ trong một đêm hồi năm 2008, ông đã khiến một công ty nước ngoài phải giảm bớt 1,5 tỷ NDT (228 triệu USD) trong đề nghị bán công nghệ tàu cao tốc của họ. Tờ Minh báo ở Hong Kong cho biết vợ Trương đang sở hữu 3 ngôi nhà sang trọng ở Los Angeles và có tài khoản tiết kiệm trị giá 2,8 tỷ USD nằm rải rác tại Mỹ và Thụy Sĩ.
Sự lãng phí và kém hiệu quảMối quan ngại liên quan tới chương trình ĐSCT Trung Quốc hiện không chỉ dừng lại ở vấn đề tham nhũng. Các tuyến ĐSCT với tổng chiều dài 91.000km hiện đã lớn nhất thế giới và một số tuyến còn đạt tốc độ nhanh nhất. Nhưng dù các tuyến tàu này chưa hoạt động hết công suất, giới chức đường sắt vẫn muốn đổ thêm 700 tỷ NDT (106 tỷ USD) nữa vào việc xây dựng ĐSCT, nhằm đạt mục tiêu 13.000km vào cuối năm.
Tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn thông tin từ Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc cho biết, tính đến năm 2009, Bộ Đường sắt nước này gánh khoản nợ 1.300 tỷ NDT, trong đó 854,8 tỷ NDT là nợ ngắn hạn và 448,6 tỷ là nợ dài hạn. Báo dẫn lời ông Triệu Kiếm, giáo sư ở Đại học Giao thông Bắc Kinh cho rằng, số nợ trên “giờ đã lên tới ít nhất 2.000 tỉ NDT, tương đương trên 303 tỷ USD, chưa kể tiền lãi.
Khoản nợ lớn khiến cho mục tiêu đạt doanh thu dự kiến từ ĐSCT sẽ gặp khó khăn. Theo tính toán của ông Triệu, riêng lãi suất phải trả các khoản vay, được dùng để xây dựng tuyến ĐSCT nối giữa Bắc Kinh và thành phố Thiên Tân gần đó, sẽ vượt qua doanh thu thường niên có được từ việc khai thác tuyến đường. Ông cho rằng nhiều tuyến ĐSCT khác ở Trung Quốc cũng sẽ có cảnh ngộ tương tự, bởi thực tế nhiều người dân lao động thường đi lại bằng tàu hỏa đã tỏ ra không ưa chuộng ĐSCT, do mức vé của nó quá cao. Đơn cử như giá vé ĐSCT tuyến Vũ Hán - Quảng Châu là 469 NDT, tương đương 70 USD. Mức giá này ngang với giá vé máy bay cùng tuyến đặt trước 1 tuần, và cao gấp đôi giá tàu thông thường cùng tuyến có giường mềm loại đắt nhất!Khó “phanh” tàu cao tốc
Trong một bài bình luận mới đây, Thời báo Hoàn cầu nhận xét “dường như các động lực chính trị, thay vì nhu cầu thực của thị trường, đang nằm sau cơn sốt xây ĐSCT Trung Quốc”. Tác giả bài viết cũng mô tả sự bùng nổ xây dựng ĐSCT là “cực kỳ mạo hiểm”. Đã có những tiếng nói xuất hiện trong Trung Quốc kêu gọi thu hẹp bớt quy mô chương trình ĐSCT. “Các kế hoạch phát triển đường sắt cần phải thiết thực hơn nữa và cần ghi nhận nguyện vọng của nhân dân” - Wu Youying nói trên tờ Shanghai Daily. Wu là thành viên Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (CPPCC) đang nhóm họp để tư vấn chính sách cho Nhà nước.Nhưng bất chấp những chỉ trích của dư luận về dự án ĐSCT và sự xuất hiện của các vụ bê bối mới, có vẻ như chương trình này sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng. Trung Quốc đang đặt tham vọng phát triển công nghiệp ĐSCT để cạnh tranh với nhiều “gã khổng lồ” trong lĩnh vực này như tập đoàn Siemens, Công ty Đường sắt Nhật Bản và Công ty Bombadier, nhằm giành giật các hợp đồng lớn trên thế giới, trong đó đáng chú ý là kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trị giá 13 tỷ USD ở Kazakhstan.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất