27/07/2015 11:42 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Nâng ly bia lên, Francisco Lopez thủng thẳng nói Toure Yaya là một "kẻ gây rối" (trouble maker). Việc quên không tổ chức sinh nhật cho Toure năm ngoái khiến tiền vệ người Bờ Biển Ngà giận dỗi. "Chúng tôi chuẩn bị bán cậu ấy đi", ông nói. Nhưng nay thì Toure vẫn ở lại, lương 220 ngàn bảng/ tuần.
Francisco Lopez là giám đốc kinh doanh của The City Football Group, tập đoàn sở hữu và quản lý 4 clb khác nhau, trong đó có Man City.
Nhưng có vẻ như quãng thời gian làm ông tự hào nhất là khi còn làm việc ở Barcelona.
Stefan Cieplik, đại diện còn lại của Man City nhâm nhi xong ly bia, mỉm cười, tiết lộ một phần sự nghiệp của sếp mình, rằng "Francisco đã có 5 năm làm việc ở Barcelona, đúng quãng thời gian mà siêu sao Ronaldinho tỏa sáng trong màu áo Barca".
Francisco là người Chile, ông không giấu giếm gì về tham vọng của Man City là muốn Latin hoá CLB đã hai lần vô địch Ngoại hạng Anh trong 4 năm qua.
Messi là cầu thủ Man City muốn mua nhất. Còn Pep Guardiola là HLV được chờ đợi nhất ở sân Etihad. Nói đúng hơn, họ muốn Barca hoá.
Giám đốc Thể thao của Man City cũng là một người cũ của Barca, Txiki Begiristain.
Tiền bạc như vô hạn của Man City những năm qua kéo được vô số nhân tài từ khắp thế giới.
Tìm kiếm một ai đó ở đội bóng yêu đội bóng này từ trong sâu thẳm liệu có phải là một nhiệm vụ dễ dàng dù cho ai đó có thể đều nỗ lực để xây dựng Man City thành CLB hùng mạnh?
Thêm một ly bia nữa, ở một quán khá sành điệu nằm giữa Hà Nội, Stefan tiết lộ một bí mật nữa, lần này là về chính ông: Là người Đức, và từng làm việc nhiều năm cho Man United trước khi chuyển sang Man City.
Stefan cười lớn, bảo ông không phải là người đã được Tevez rủ sang cùng. Lý do chuyển đổi hoàn toàn là cơ hội việc làm.
Tevez có lẽ vẫn là cầu thủ được người ta nhớ nhiều nhất khi nói về sự trỗi dậy của Man City trong những năm qua: Một kẻ phản bội trong mắt người thích Man United, nhưng là người hùng trong mắt "thị dân" (cityzens).
Man City vì thế trong những năm qua đã chia sẻ bớt cho Chelsea sự căm ghét và đố kị ở Ngoại hạng Anh, trong khi không ai chắc chắn họ đã lôi kéo được thêm bao nhiêu CĐV nhờ chen chân vào hàng ngũ các đội bóng thành công nhất ở Anh (4 năm, 2 vô địch, 2 á quân).
Sự lan tỏa (tình yêu của người hâm mộ) với các CLB của Ngoại hạng Anh ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong khoảng 2 thập kỉ qua thay đổi theo thành tích sân cỏ.
Liverpool từ vị thế số 1 bị đánh bật bởi Man United, đội bóng thành công nhất kể từ năm 1992. Một làn sóng các fan hâm mộ trẻ hơn, chưa từng xem Liverpool tung hoành trong quá khứ, yêu họ. Khi Arsenal vươn lên, rực rỡ với 3 danh hiệu Ngoại hạng cũng có được một nguồn fans đông đảo, là những ai thích lối đá mĩ miều và chán thấy sự thống trị của Man United.
Rồi tới lượt Chelsea, với thành công cách nay 10 năm (từ đó đến nay vô địch 4 lần) có một lượng fans là những người có thể đã ngần ngừ chưa biết yêu CLB nào trước đó, hoặc cũng có thể là mới bắt đầu biết xem Ngoại hạng Anh.
Thị phần người hâm mộ như vậy gần như được chia hết. Miếng bánh dành cho Man City cũng không còn nhiều.
Stefan trả lời câu hỏi có bao nhiêu fans Man City ở Đông Nam Á, rằng ở Indonesia là nhiều nhất, khoảng 30 triệu người xem hàng tuần.
Chỉ là người xem, chứ không rõ có phải người hâm mộ hay không. Nhưng Stefan lập luận rằng cứ liên tục xem và cứ thành công, chơi thứ bóng đá đẹp, là sẽ có người yêu.
Thế thì có thể khi Man City trở lại Việt Nam trong chục năm nữa, hoặc với một siêu sao cỡ Messi, lúc ấy sẽ có cơn sốt thực sự!
Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất