08/05/2011 13:22 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Hoàng tử nhỏ của cung đình âm nhạc violin là nhận xét của giáo sư - nghệ sỹ violin nổi tiếng người Áo - Dora Shwarzberg dành cho tài năng Bùi Công Duy. Kể từ khi về Việt Nam đến nay (2007), Hoàng tử nhỏ vẫn không ngừng đem đến cho thính giả yêu nhạc cổ điển những đêm hòa nhạc tuyệt mỹ với tiếng đàn trong sáng, tự nhiên, đậm chất thơ. Trong đêm hòa nhạc Bitexco Concert diễn ra vào 20h ngày 24/5 tới đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bùi Công Duy sẽ trình diễn bản “quốc ca” của violon - Concerto cung Mi thứ (F. Mendelssohn) cùng Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội Philharmonic, với sự chỉ huy của nhạc trưởng danh tiếng Lior Shambadal đến từ Dàn nhạc giao hưởng Berlin Symphoniker.
Trước đêm biểu diễn, TT&VH đã có cuộc trò chuyện với anh:
* Anh có thể nói gì về sự xuất hiện của mình tại đêm hòa nhạc Bitexco Concert sẽ diễn ra vào 24/5 này?
- Đây là một chương trình mà tôi cũng chỉ vừa mới nghĩ ra ý tưởng cách đây một tháng. Sau khi nhận được sự hợp tác chuyên môn từ phía ông Lior Shambadal - nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng Berlin Symphoniker, sự tài trợ từ phía Tập đoàn Bitexco, chương trình đã được lên kế hoạch. Với chương trình này, tôi cảm thấy rất vui vì có cơ hội được làm việc với một trong những chỉ huy hàng đầu thế giới. Nhưng hơn thế, tôi mong muốn công chúng Việt Nam không chỉ có cơ hội tiếp cận với những nghệ sĩ nổi tiếng đến từ nước ngoài và Việt Nam mà còn đem đến cho khán giả một cảm nhận dễ nghe, dễ hiểu về âm nhạc cổ điển.
* Gần đây các chương trình hòa nhạc mang tên nhà tài trợ ngày một nhiều. Anh nghĩ gì về điều này?
- Tài trợ tuy không phải là yếu tố hàng đầu nhưng cũng rất quan trọng để tổ chức được những buổi hòa nhạc. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới hầu hết các dàn nhạc giao hưởng đều sống từ các nguồn tài trợ khác nhau nên điều đó là rất bình thường. Âm nhạc cổ điển tuy không phổ thông nhưng nó có một vị trí rất đặc biệt. Như tôi được biết, ở Việt Nam cũng rất nhiều các đơn vị muốn thông qua âm nhạc để đưa con người đến gần với nhau hơn qua hình thức tài trợ các chương trình nghệ thuật. Tuy nhiên, họ cũng rất biết “chọn mặt gửi vàng” nên để có tài trợ, các chương trình phải đảm bảo về mặt chất lượng nghệ thuật cao, đem đến những buổi biểu diễn hay, hấp dẫn người nghe (xem).
Violinist Bùi Công Duy - Nguồn: báo ĐBND |
- 5 năm không phải là một thời gian ngắn nhưng với nghệ thuật hàn lâm thì có lẽ là chưa nói được gì cả. Hiện nay, công việc chính của tôi là biểu diễn nên tôi vẫn thường xuyên tham gia các chương trình hàng tháng. Bên cạnh đó tôi còn tham gia công tác giảng dạy. Hồi mới về Việt Nam, tôi không nghĩ mình sẽ trở thành thầy giáo vì đó là một công việc mới mẻ mà tôi chưa từng thử sức. Nhưng sau đó tôi dần thích nghi và yêu thích công việc này. Giờ đây, tôi đã có thêm nhiều học sinh giỏi, có những em đạt thành tích như Bùi Cẩm Ly với giải Nhì ở Concours mùa Thu 2007, giải Ba Concours Jakarta 2009. Kết quả học tập của các em là sự khích lệ để tôi cố gắng giảng dạy tốt hơn.
* Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn lấy làm tiếc khi anh quyết định về Việt Nam vì họ nghĩ một tài năng như anh, đáng ra phải ở một môi trường “màu mỡ” hơn?
- Mọi người nói thế thì nghe có vẻ hơi bi quan nhỉ? Tôi lại không nghĩ thế. Để mà so sánh nơi nào hơn thì cũng khó lắm. Tất nhiên, ở một môi trường mà họ nghe nhạc cổ điển như ăn cơm hàng ngày thì sẽ có những thuận lợi nhất định cho nghề biểu diễn của tôi. Nhưng như thế, tôi chỉ có thể thuần túy là một người biểu diễn và sẽ không biết làm gì khác. Trong khi ở Việt Nam, tôi có được những hoạt động về nghề của mình rất đa dạng. Tôi vẫn diễn rất đều đặn, số lượng khán giả đến nghe trong các buổi diễn đó cũng không phải là ít. Bên cạnh đó tôi còn có rất nhiều giờ lên lớp với các sinh viên. Nhiều khi, tôi phải bỏ bớt một số buổi diễn để tham gia những hoạt động khác ngoài xã hội nữa. Một cuộc sống năng động và đa dạng như vậy khiến cho mình hoàn thiện bản thân hơn, trở thành người đa năng là một điều rất có ý nghĩa đối với tôi. Tôi nghĩ, với bất cứ nghề nghiệp nào cũng vậy, nếu mình có khả năng thực sự, có đẳng cấp thì ở đâu mình cũng có “đất” để sống. Đồng thời, mình cũng phải tự tạo ra cái “đất” đó, vì để tự nhiên mà có được một môi trường tốt thì không thể, và cũng không thể có được một môi trường tốt từ một cá nhân mà phải có sự đóng góp, xây dựng của cả một tập thể.
* Nghe nói, lương của anh chỉ đủ để bảo dưỡng cây đàn...
- Sự thật đúng là lương giáo viên của tôi chỉ đủ để bảo dưỡng cây đàn nhưng tôi thấy không có gì đáng ngạc nhiên trong chuyện này vì những ai là viên chức thì đều hiểu. Tôi không phải ngoại lệ nên như mọi người, tôi cũng ăn lương theo bậc, từng chấm, từng phẩy. Mỗi ngành nghề có những cái đặc thù riêng nhưng bù lại, tôi có một đời sống về mặt tinh thần rất phong phú.
* Vậy còn một live show riêng của anh bao giờ sẽ diễn ra?
- Tôi nghĩ sớm muộn nó cũng sẽ diễn ra thôi, chỉ là vấn đề về thời gian. Tôi cần có thời gian để chuẩn bị vì sẽ không chỉ có mỗi việc luyện tập hàng ngày mà còn phải lo nhiều thứ trong khâu tổ chức chương trình nữa. Nghệ thuật là một nghề rất khắt khe, đòi hỏi không được phép bị lỗi bởi dù lỗi lớn hay nhỏ nhưng chỉ một lần mắc lỗi thì sẽ không có lần sau khán giả đến nghe mình nữa. Khán giả Việt Nam lại là những người có đôi tai rất nhạy bén, cảm nhận âm nhạc của họ rất tốt nên tôi không muốn xảy ra một sơ suất nào để bị đánh mất khán giả của mình.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Ngọc Minh(thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất