25/07/2018 11:47 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 25/7, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) Nguyễn Như Vững cho biết, chính quyền địa phương và người dân đang nỗ lực, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, ngập úng ở thôn Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai.
Hiện toàn thôn Bùi Xá vẫn còn hơn 100 hộ có nhà ngập trong nước. Nước rút rất chậm, phương tiện di chuyển duy nhất của người dân vẫn là những chiếc thuyền.
Theo ghi nhận của phóng viên, đã 4 ngày kể từ sau trận mưa lớn kéo dài trên diện rộng ở Hà Nội, nhiều ngôi nhà ở thôn Bùi Xá vẫn bị ngập sâu trong nước, cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân đều bị đảo ngược. Mọi nỗ lực chống lũ rất khó khăn, do ngập úng diễn ra trên diện rộng và các đường mương, kênh tiêu thoát nước đều có rác, khiến dòng chảy thoát nước chậm.
Bà Bùi Thị Ngờ trú tại thôn Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai cho biết: "Nước năm nay lên nhanh, bất ngờ. Nhà cửa dọn được cái nào thì dọn, không dọn được là chìm luôn. Nước lên nhanh như này người dân rất khổ, quần áo lúc nào cũng ướt".
Tương tự, nhà ông Nguyễn Văn Hiểu trú cùng thôn cũng bị ngập sâu, mọi hoạt động ăn ngủ đều phải thực hiện trên chiếc thuyền của gia đình. Thế nhưng điều người dân Bùi Xá lo lắng lúc này là nước ngập trong nhà chưa cạn mà dự báo trong những ngày tới khu vực Hà Nội lại sẽ có mưa lớn.
Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Xuân Mai Nguyễn Huy Du, vị trí địa lý của thôn Bùi Xá thấp, lại ngay sát bờ sông Bùi. Dòng sông chảy xuyên suốt từ tỉnh Hòa Bình cho đến cuối hạ nguồn là khu vực Bùi Xá, nên thường xuyên bị ảnh hưởng ngập úng. Do vậy, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền tới người dân, khi đến mùa mưa bão thì quan tâm hơn đến tình trạng mực nước, khi nước dâng lên bất thường thì ngay lập tức di chuyển đồ đạc và người đến nơi khác, để đảm bảo người an toàn về người và tài sản.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Bùi Xuân Ninh cũng cho rằng: Vài năm trở lại đây, năm nào người dân các xã vùng ven sông Bùi gồm: Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thủy Xuân Tiên… cũng bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang từ Hòa Bình dồn về. Mặc dù vậy, đến nay vẫn chưa có giải pháp căn cơ cho bài toán này. Dự đoán, khoảng 1 đến 2 tuần nữa nước mới rút để người dân trở về nhà ổn định cuộc sống. Phương án đang được chính quyền địa phương nơi đây áp dụng khi mùa mưa bão đến là chủ động di dời tài sản, người dân đến nơi cao hơn và thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường sau ngập lụt.
Trước đó, ngày 23/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND về việc khắc phục hậu quả bão số 3 và chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ thời gian tới. Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát tổng hợp tình hình ngập úng trên địa bàn; tập trung khắc phục, phục hồi sản xuất, tổng vệ sinh môi trường các khu vực trường học, khu dân cư, trạm y tế… bị ngập nước; giúp đỡ các gia đình, nhất là các hộ chính sách, có hoàn cảnh khó khăn sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống.
Bên cạnh nhiệm vụ ổn định đời sống nhân dân, các sở ban ngành, các địa phương tập trung kiểm tra, rà soát các tuyến đê, công trình thủy lợi, các trọng điểm phòng chống lụt bão xung yếu. Công điện cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban ngành như: Sở Y tế phối hợp các địa phương tổng hợp vệ sinh môi trường; Sở Xây dựng khắc phục hậu quả hư hỏng nhà cửa, ngập úng nội thành; Tổng Công ty Điện lực Hà Nội sửa chữa hệ thống điện, bảo đảm cấp đủ điện thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai; Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội chủ động khơi thông dòng chảy, thực hiện phương án tiêu thoát nước nội đô. Đồng thời, 5 doanh nghiệp thủy lợi tập trung vận hành hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ tiêu úng cho khu vực ngoại thành, nhất là diện tích lúa mới cấy của người dân.
TTXVN/Nguyễn Văn Cảnh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất