Tóm tắt Giải thưởng

"Giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả , Tác phẩm , Ý tưởng , Việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội "

Xem tiếp

Ký sự Thăng Long – chạm vào chiều sâu Hà Nội

14:52:00 25/08/2010

(TT&VH) - Serie phim tài liệu truyền hình Ký sự Thăng Long đang đi đến chặng cuối trong hành trình 116 tập. Trong dòng chảy của những bộ phim ký sự như: Mê Kông ký sự, Ký sự hỏa xa, Amazon ký sự, Ký sự biên phòng… Ký sự Thăng Long vừa tiếp nối mạch nguồn của thể loại, vừa tìm cho mình một hướng đi riêng với những câu chuyện thấm đẫm hơi thở cuộc sống và đầy màu sắc giai thoại của đất và người Thăng Long - Hà Nội ngàn năm…

Những khám phá bất ngờ

Mỗi tập phim không chỉ gợi nhớ những hình ảnh và những câu chuyện về một Thăng Long - Hà Nội xưa, mà còn “giải mã” những bí ẩn lịch sử, những danh phận bị lãng quên, hay thậm chí những điều hiển hiện ngay trước mắt, nhưng chúng ta vô tình hay chưa có thời gian để tìm hiểu.


Nhà quay phim Ngô Tạo Kim đang thực hiện những cảnh quay tập phim “Những cây đa Hà Nội”
Phía sau những cái tên giản dị và thân thuộc của mỗi tập phim là hành trình khám phá Hà Nội xưa và nay: Con gái phố cổ, Chuyện mái Nhà hát Lớn, Cây cầu bắc qua ba thế kỷ, Năm cửa ô, Chuyện cũ Hà Nội, Đào Nhật Tân, Sông Tô Lịch xưa và nay, Hoàng thành Thăng Long, Từ Hoa Lư đến thành Đại La, Các tên phố Tây ngày trước...

Đó có thể là những câu chuyện còn ít người biết đến hoặc biết nhưng chưa kỹ, những câu chuyện cũ bị quên lãng được kể lại một cách mới mẻ hơn. Chuyện mái Nhà hát Lớn khiến ngay cả những người nghiên cứu lịch sử như ông Dương Trung Quốc cũng ngỡ ngàng khi thổ lộ với báo giới: “Tôi cứ nghĩ nguyên liệu làm mái lợp Nhà hát Lớn nhập từ Pháp. Hóa ra câu chuyện phức tạp hơn nhiều. Tôi không ngờ Việt Nam mình lại có mỏ đá đẹp và quý đến thế”. Cây cầu bắc qua ba thế kỷ dẫn dắt người xem tìm về những ngày cuối thế kỉ 19, với những người thợ ngồi vào cabin thả xuống lòng sông Hồng để vét từng vốc bùn để đặt được những chiếc cột trụ đầu tiên của cầu Long Biên - một trong bốn cây cầu lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.

Vừa sản xuất, vừa phát sóng

Ký sự Thăng Long (116 tập x 10 phút, Công ty Truyền thông Dolphin và VTV hợp tác sản xuất) gồm hai phần: phần 1 (52 tập) bắt đầu lên sóng từ 10/10/2009 trên kênh VTV1 và phần 2 (64 tập) đang phát vào 17 giờ 55 phút các ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần.

Hiện, đoàn làm phim đang tiếp tục các cảnh quay cho những tập cuối.

Kể những câu chuyện mới hoặc đưa những thông tin mới, các nhà làm phim đã tìm được con đường riêng. Họ không đi theo những câu chuyện “chính sử” hay những nhân vật tầm cỡ mà hướng vào những câu chuyện đời thường, gần gũi, thậm chí có chuyện mang màu sắc giai thoại, truyền thuyết dựa trên những dấu tích, cứ liệu để phân tích và dẫn giải.


Có khi các nhà làm phim đặt ra câu hỏi để mong cùng khán giả tìm ra câu trả lời, như câu chuyện về đường hầm thông từ Tòa án Hà Nội sang Hỏa Lò, từ hầm ngầm của Ngân hàng Nhà nước ra sông Hồng... là có hay không? Hà Nội càng trở nên gần gũi, thân thuộc, đáng yêu trong mắt người Hà Nội và những người đến với Hà Nội còn chính bởi những gì bình dị, thân thương như vậy. Có lẽ đó cũng là điều khiến Hà Nội trở thành “điểm đến” trong hành trình mong muốn được khám phá, tìm hiểu để thêm yêu mến mảnh đất thủ đô ngàn năm tuổi này.

Những câu hỏi cất lên từ lịch sử

Theo tổng đạo diễn Bùi Duy Khánh, do tính chất của đề tài mà Ký sự Thăng Long tìm cách thể hiện dung hòa giữa hai thể loại “ký sự” và “tài liệu nghệ thuật”. Sự dung hòa ấy cuối cùng đã được người xem chấp nhận như một sự sáng tạo. Đây được xem như một trong những thành công của phim.

Người xem không bắt gặp trong mỗi tập của Ký sự Thăng Long những chuyến đi dài ngày, những không gian rộng lớn và những câu chuyện phiếm ngoài lề. Mỗi tập phim là một địa danh, một sự kiện cụ thể thường là ẩn sâu, thậm chí đã mất dạng trong lớp bụi thời gian bây giờ được tìm lại, bằng lối kể đôi lúc mang tính hàn lâm, nhưng đó là công cụ cần thiết bởi bản thân đề tài là những câu hỏi từ lịch sử.

Suy cho cùng, hình ảnh kỳ vĩ về Thăng Long - Hà Nội không chỉ là những gì hiện ra trước mắt và được khẳng định, đó còn là sự lung linh huyền ảo phát ra từ những mảnh vụn âm thầm trong lịch sử được ghép nối lại. Đó cũng chính là thành công đáng ghi nhận của những người làm phim Ký sự Thăng Long.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội 2010 sẽ được tổng kết và trao thưởng vào lúc 15h ngày 1/9 tới tại 79 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Hội đồng giám khảo do nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội làm Chủ tịch đang tiến hành bình chọn, định giải trên cơ sở các tiêu chí của giải thưởng. Danh sách các đề cử sẽ được lần lượt giới thiệu trên TT&VH. Chi tiết xem trên www.thethaovanhoa.vn/ buixuanphai


Hải Đông

Tin mới

Tin đã đăng

Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận của bạn

gửi ý kiến(Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)

  • (*)
  • (*)
  • (*)
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link