(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm ảnh Hà Nội 1967-1975 của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt đang diễn ra tại 2 địa chỉ Manzi Exhibition Space (số 2 ngõ Hàng Bún, Hà Nội) và Manzi Art Space (14 Phan Huy Ích, Hà Nội) cho đến ngày 15/11. Đó là câu chuyện của những hình ảnh đời thường, chân thực, giản dị và đầy cảm xúc về Hà Nội từ 40 - 50 năm về trước, đúng như triết lý của ông: Khi nhấn nút chụp, những gì xuất hiện trước ống kính phải là thứ đáng được lưu giữ mãi.
Trong khuôn khổ của Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 13 – 2020 diễn ra từ 14h ngày 7/10 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) sẽ có một triển lãm ảnh đặc biệt: Triển lãm ảnh “Bùi Xuân Phái – Trăm năm một tình yêu Hà Nội” của Trần Chính Nghĩa.
1. Tổng số 130 bức ảnh đen trắng và màu tại đây được Thomas Billhardt chắt lọc trong 6 chuyến đi tới Việt Nam. Xem ảnh, người Hà Nội như được sống lại một vùng kí ức với gần như đủ mọi sinh hoạt phố phường: Từ tiếng chuông xích lô dồn dập chở nặng người cho đến lớp học vẽ ngoài trời với những học sinh còn đi chân đất; từ cúng bái lễ lạt chùa chiền cho đến nhà hộ sinh với các bà đỡ và những đứa trẻ mới ra đời; từ những lớp học hát múa của các trường nghệ thuật chuyên nghiệp cho đến sân Hàng Đẫy chật ních khán giả xem những trận bóng đá sục sôi ý chí…
Cuộc sống bộn bề gian khổ của một Hà Nội thời chiến tranh còn hiện lên qua hình ảnh anh lính pháo thủ cao xạ với cái nhìn cương trực đến quyết liệt, những cô y tá dịu hiền trong chiếc áo blouse nhàu nhĩ bên những trẻ em bị thương. Hoặc, là “chiếc hầm tránh bom thần thánh” đặt trên các con phố Hà Nội, là những trẻ em với chiếc mũ ríu rít đi học bên triền sông…
Cũng cần nói thêm, Hà Nội những năm ấy tuy nghèo khó thiếu thốn nhưng luôn có những nụ cười tươi vui, rạng rỡ trên gương mặt người thành phố. Ta có thể thấy những nụ cười ấy trên khuôn mặt những anh lính về nghỉ phép chen chúc trên toa tàu điện, những chị em xếp hàng chờ từng giọt nước máy công cộng hay lũ trẻ chơi cầu trượt bên vườn hoa đang xây dựng ngổn ngang…
“Cả một vùng ký ức Hà Nội đủ đầy. Người Hà Nội chụp ảnh về Hà Nội rất nhiều, nhưng một bộ ảnh chụp về Hà Nội trong sự vận động suốt cả chiều dài hàng chục năm thì chưa từng” - nhà văn Đỗ Phấn, một người Hà Nội cũ nhận xét về triển lãm.
2. Thomas Billhardt sinh năm 1937, lớn lên ở Đức. Một trong những ấn tượng dai dẳng của tuổi thơ ông là mùi hóa chất tráng phim và rửa ảnh ở nhà bố mẹ. Mẹ ông là nhiếp ảnh gia tự do với hiệu ảnh riêng. Ở tuổi 14, ông được mẹ và các đồng nghiệp nhiếp ảnh khác đào tạo về nghề.
Tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Thị giác Leipzig với bằng cử nhân nhiếp ảnh và thiết kế ảnh, ban đầu Thomas Billhardt làm nghề chụp ảnh tự do với tư cách là đại diện của các cơ quan nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức, các cơ quan thông tấn và UNICEF. Thomas Billhardt đã đi khắp nơi ghi lại hình ảnh của các điểm nóng của thế giới. Ngoài Việt Nam, Thomas Billhardt đã đến Bangladesh, Trung Quốc, Chile, Guinea, Indonesia, Campuchia, Liban, Mozambique, Cận Đông, Nicaragua, Philippines.
Nhưng, những nước mà ông đến thăm nhiều nhất là Liên Xô, Việt Nam và Italy. Từ 1962 đến 1985 ông đến Liên Xô năm 10 lần, đến Italy 20 lần. “Tôi trải nghiệm niềm vui và nỗi khổ của con người, dù ở các công trường khai thác khí đốt ở Liên Xô cũ hay tại mặt trận ở Việt Nam” - Thomas Billhardt kể.
Với Hà Nội, Thomas Billhardt, lần đầu đặt chân đến là năm 1967, sau các chặng Moskow, Irkutsk, Bắc Kinh, Nam Ninh. Khi đó, ông là cộng tác viên tự do của Xưởng phim tài liệu độc lập Heynowski & Scheumann. Mục đích chuyến đi là một cuốn phim tài liệu phỏng vấn các tù binh phi công Mỹ bị bắn rơi và bắt giữ. Trong dự án phim Những phi công mặc pyjama (1968) Thomas Billhardt phụ trách các cảnh quay ngoại cảnh. Những bức ảnh ông chụp trong chuyến đi này xuất hiện khắp thế giới: Trên tạp chí Life (Mỹ), báo Paris Match (Pháp), tạp chí Stern và Spiegel (Tây Đức) và nhiều họa báo khác.
Cuốn sách ảnh đầu tiên của Thomas Billhardt về Việt Nam ra mắt năm 1973 tại Leipzig. Từ năm 1962 đến 1975, Thomas Billhardt đã đến Việt Nam 6 lần, và trở lại sau đó 6 lần nữa. Những bức ảnh chụp trong các chuyến đi này được xuất bản trong 4 cuốn sách ảnh: Những phi công mặc pyjama (1968), Khát vọng hòa bình: Việt Nam (1973), Hà Nội - Những ngày trước hòa bình (1973) và Những gương mặt Việt Nam (1978). Từ 1999, các tác phẩm của Thomas Billhardt đã được triển lãm tại phòng tranh ảnh nghệ thuật nổi tiếng Camera Work, và trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới.
Thomas Billhardt được đánh giá là một trong những nhiếp ảnh gia đặc biệt nhất của nước Đức. Những tấm ảnh về chiến tranh Việt Nam cuối thập kỷ 1960 đã khiến ông nổi tiếng khắp thế giới. Ông là một trong những người đầu tiên ghi lại nỗi kinh hoàng của cuộc chiến tranh này, nhất là trên các khuôn mặt trẻ thơ.
Trong nghệ thuật nhiếp ảnh của mình, Thomas Billhardt thể hiện sự cảm xúc thông qua hình ảnh biểu tượng là những đôi mắt trẻ thơ to tròn, đầy biểu cảm. Phong cách của ông hòa trộn giữa sự thấu cảm và tình đoàn kết xuyên biên giới. Thomas Billhardt dùng từ "chân thực” nhấn mạnh tính độc lập trong ảnh của mình: Khi ông nhấn nút chụp, những gì xuất hiện trước ống kính phải là thứ đáng được lưu giữ mãi.
Triển lãm Hà Nội 1967 – 1975 do Viện Goethe, Camera Work, Nhã Nam và Manzi đồng tổ chức. Nếu không vì Covid-19, Thomas Billhardt đã có mặt trong lễ khai mạc triển lãm ở Hà Nội và dự ra mắt cuốn sách cùng tên sẽ được tổ chức vào giữa tháng 10 này.
|
Hoài Thương