Bày bán gia cầm chưa qua kiểm dịch: Ngày càng táo tợn

04/03/2010 16:45 GMT+7 | Y tế

(TT&VH) - Trước nguy cơ tái bùng phát dịch cúm gia cầm A/H5N1, tình trạng mua bán gia cầm sống trên địa bàn TP.HCM diễn ra ngày càng công khai, có tổ chức, thậm chí có người còn nhục mạ, tấn công cán bộ thú y.

Trong khi đó, biện pháp xử lý tình trạng này chưa triệt để và còn nhiều bất cập. 

Bày bán công khai, coi thường pháp luật

Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có khoảng 212 điểm bày bán gia cầm sống chưa qua kiểm dịch tại 14 quận, huyện trong đó tập trung nhiều ở các quận ven như: Quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh…Điều đáng lo ngại là tình trạng mua bán gia cầm sống đang có chiều hướng gia tăng, trong lúc đang có nguy cơ tái bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1.

Buôn bán gà không rõ nguồn gốc giữa quận Bình Tân và huyện Hóc Môn

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú Y TP.HCM cho biết: Cả nước có 5 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Điện Biên, Nam Định xác định có dịch cúm gia cầm. Tuy tại Tiền Giang chưa xác định có dịch cúm gia cầm nhưng đã có người tử vong do cúm A/H5N1. “Những tỉnh chưa công bố dịch mà đã có người dương tính với cún A/H5N1 như vậy có nguy cơ tiềm ẩn. Do vậy TP.HCM không thể chủ quan, mất cảnh giác” – ông Thảo nhận định.

Đi thực tế tại một số điểm nóng buôn bán gia cầm sống không qua kiểm dịch như: Chợ Cầu (đường Quang Trung), cầu Trường Đai (giáp ranh quận 12 và Gò Vấp), khu vực Hột Điều (giáp ranh phường Tân Chánh Hiệp, Tân Thới Hiệp), cầu Sa (giáp ranh 2 quận Bình Tân và Hóc Môn)… đều là những điểm buôn bán gia cầm sống có qui mô lớn (tiêu thụ khoảng 100 con/ ngày) và tồn tại nhiều năm nay. Việc mua bán tại các điểm nóng này, được tổ chức khá chặt chẽ để đối phó các cơ quan chức năng.

Bà Nguyễn Thị Hương, Trạm trưởng trạm Thú y quận 12 cho biết: “Những người buôn bán gia cầm không qua kiểm dịch này còn tổ chức cảnh giới từ xa để theo quan sát, theo dõi nếu phát hiện lực lượng liên ngành hoặc cán bộ Thú y thì tẩu tán gia cầm, vứt gia cầm xuống sông. Thậm chí họ còn chuẩn bị hung khí được giấu sẵn dưới yên xe máy để hăm dọa, tấn công các cán bộ kiểm tra.

Gà đem lên từ miền Tây với giá 75.000 đ/kg, vịt 50.000 đ/kg
. “Tuần nào cũng bị cán bộ thú y đuổi thu gà, chạy vui lắm” – cô gái bán gà này nói.

Cụ thể, ngày 1/2/2010 đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra chợ KP1 Trung Mỹ Tây và bắt giữ 24 con gà vịt không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch động vật. Trong khi đang làm nhiệm vụ, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng trạm thú y quận 12 bị đối tượng kinh doanh gia cầm trái phép dùng dao khống chế và hành hung. Đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được thông tin phản hồi từ phía công an về vụ hành hung trên và chúng tôi nhận thấy không an tâm, an toàn khi thực hiện nhiệm vụ”.

Phóng viên TT&VH đã tiếp xúc với một trong các đối tượng kinh doanh gia cầm trái phép tại cầu Sa - giáp ranh giữa quận Bình Tân và Hóc Môn. Gia cầm được đem từ các tỉnh miền Tây lên tiêu thụ, không hề lo qua kiểm tra. Còn tại Hột Điều, khu chợ tự phát đã thành chợ tự phát có số lượng gia cầm sống buôn bán trái phép lớn nhất quận 12, các đối tượng kinh doanh thường xuyên cắt cử người cảnh giới, sẵn sàng ném đá khi phóng viên chụp ảnh, hành hung giật lại tang vật nếu bị bắt quả tang.

Xử lý chưa triệt để

Những đối tượng kinh doanh gia cầm sống trái phép hầu hết đều là người nhập cư, có tổ chức và rất manh động khi đối phó cơ quan chức năng. Thông thường những điểm mua bán gia cầm tự phát tập trung tại những khu vực giáp ranh giữa 2 phường hoặc 2 quận, huyện để dễ tẩu thoát người và tang vật. Ông Phan Xuân Thảo cho biết: UBND TP.HCM đã chỉ đạo xử lý quyết liệt về tình trạng này, tuy nhiên công tác phối hợp giữa các địa phương, nhất là các quận huyện vùng ven còn chưa tốt.

Thu giữ gà lậu tại trạm thú y quận 12


Tình trạng bày bán gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch trên địa bàn TP.HCM đã tồn tại một thời gian dài. Ông Phan Xuân Thảo kiến nghị: Phải có những biện pháp chế tài mạnh, xử lý nghiêm những hành vi trên, ngoài ra, đề nghị ngành công an phải quản lý rõ lai lịch của những đối tượng kinh doanh vì việc này hoàn toàn nằm trong khả năng thực hiện của ngành công an, chứ không thể để xảy ra tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền để người dân không sử dụng loại thực phẩm này nữa cũng rất quan trọng. Hiện công an TP.HCM đã có văn bản số 1086/CATP tháng 12/2009 chỉ đạo cho công an quận, huyện, phòng PC15, PC 25, PC 26, PC36 phối hợp với QLTT, Chi cục thú y kiểm tra và xử lý các đối tượng vận chuyển, kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc.

Điền Minh

CÓ THỂ BÙNG PHÁT TRỞ LẠI DỊCH CÚM A/H5N1

Tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, chiều 3/3, tại Hà Nội, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết: Từ đầu năm 2010, dịch cúm A/H5N1 trên người có dấu hiệu xuất hiện trở lại, cả nước có 3 ca dương tính với vi rút này, trong đó 1 ca tử vong. Trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 gần đây nhất ở Tuyên Quang, bệnh nhân đang được điều trị và duy trì sức khoẻ ổn định. Như vậy, tính từ năm 2003 (thời điểm xuất hiện dịch cúm A/H5N1) đến nay, cả nước có 115 trường hợp dương tính với cúm A (H5N1), 58 ca tử vong.


Theo Sở Y tế TP.HCM, người dân cần cảnh giác với các dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, dịch tả và nhất là dịch cúm gia cầm H5N1. Trong đó, nguy cơ bùng phát dịch Sởi, dịch tả và đáng lưu ý là dịch cúm gia cầm H5N1 có thể xảy ra tại TP.HCM. Đầu tháng 2 vừa qua dịch bệnh Sởi đã xảy ra ở một trường học và nguy cơ tái bùng phát cúm gia cầm H5N1. Ngoài ra, mùa nắng nóng có thể bùng phát bệnh dịch tả, do có thể bị lan truyền từ tỉnh An Giang nơi có 3 ca dịch tả đầu tiên từ Campuchia sang Việt Nam đã được phát hiện và hiện nay số người Campuchia đi vào Tỉnh An Giang vẫn tăng.


Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng cảnh báo các quận, huyện cần lưu ý công tác phòng chống dịch và chuẩn bị kế hoạch tốt trong việc tích trữ vật tư y tế (Cloramin B, vaccine…) để tránh bị động khi có dịch.

Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link