Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới

27/06/2011 20:35 GMT+7 | Văn hoá

Vào hồi 13h (giờ địa phương) tức 18h (giờ Việt Nam) ngày 27/6/2011, Uỷ ban Di sản thế giới tại kỳ họp thứ 35 được tổ chức tại Paris (Cộng hoà Pháp) đã chính thức công nhận Thành Nhà Hồ trở thành Di sản Văn hoá Thế giới.


Như vậy, sau 6 năm (2006 – 2011) với bao sự nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn do điều kiện khách quan, được sự quan tâm của các ngành, cơ quan trung ương; các chuyên gia trong nước và quốc tế; đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh Uỷ và Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hoá; Lãnh đạo chính quyền địa phương; sự hợp tác và giúp đỡ của nhân dân huyện Vĩnh Lộc; hành trình của di sản Thành Nhà Hồ trên quê hương Xứ Thanh đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá nhân loại.

Niềm vui, những giọt nước mắt hạnh phúc đã vỡ oà!

Di sản Văn hoá Thành Nhà Hồ bao gồm vùng đề cử 155,5ha nằm trong một vùng đệm (5078,5ha) với giá trị cảnh quan tuyệt đẹp của một vùng kinh đô cổ, được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới với những giá trị nổi bật và tiêu chí sau


Khu di sản Thành Nhà Hồ là trung tâm kinh thành của Việt Nam vào cuối thể kỷ 14 - đầu thế kỷ 15, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18. Các thuộc tính chứng minh cho nét đặc sắc mang tầm vóc giá trị nổi bật toàn cầu của nó bao gồm tòa thành đá được xây dựng bằng kỹ thuật đá lớn, La thành, Nam Giao, các tầng văn hóa nối tiếp nhau trong lòng đất lưu giữ các dấu tích Cung điện, đền đài, đường xá và nghệ thuật trang trí, các làng cổ cùng toàn bộ cảnh quan đồi núi, sông hồ mang đậm chất phong thủy điển hình còn lưu giữ được tương đối nguyên vẹn phản ánh rõ nét về một thời kỳ lịch sử văn hóa, văn minh Việt Nam với các đặc trưng mang tầm vóc khu vực và quốc tế.

Tiêu chí II

Khu di sản Thành Nhà Hồ là biểu hiện rõ rệt những sự giao thoa trao đổi quan trọng các giá trị nhân văn giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á liên quan đến sự phát triển của kiến trúc, quy hoạch…và cảnh quan khu vực vào cuối thế kỷ 14 - đầu thế kỷ 15. Đó là việc tiếp thu các tư tưởng hướng tích cực của Nho Giáo thực hành (Trung Quốc) kết hợp với các đặc điểm của văn hóa Việt Nam và khu vực được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam nhằm đưa đất nước đạt tới các thành tựu mới văn minh hơn, tích cực hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn cho người dân, đáp ứng các yêu cầu đổi mới cấp bách của Việt Nam và góp phần thúc đẩy các trào lưu tư tưởng nhân văn tích cực ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Tất cả được thể hiện nổi trội và duy nhất thấy ở Thành Nhà Hồ trên các phương tiện thiết kế cảnh quan đô thị, kiến trúc Thành đá, kỹ thuật xây dựng đá lớn và các ảnh hưởng tác động lẫn nhau nhiều chiều của khu di sản tới kỹ thuật xây dựng thành quách sau đó ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.



Tiêu chí IV

Khu di sản cũng là ví dụ nổi bật về một loại công trình kiến trúc được xây dựng bằng đá lớn vừa là một kiểu kiến trúc Hoàng thành biểu tượng cho quyền lực Hoàng gia tiêu biểu dưới tác động của giao thoa các giá trị nhân văn ở phương Đông, vừa là một pháo đài quân sự bề thế, chắc chắn, uy nghiêm. Kỹ thuật xây dựng đá lớn độc đáo, duy nhất của Việt Nam được thấy ở đây đã được kết hợp một cách sáng tạo, tài tình với truyền thống kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng ở Việt Nam, Đông Á và Đông Nam Á với một hệ thống thao tác kỹ thuật thủ công liên hoàn như khai thác đá, gia công đá, vận chuyển các khối đá nặng từ 10 tấn đến 26 tấn, xử lý móng nền đá, nâng các khối đá lớn lên độ cao trên 10m vừa đảm bảo được công năng kiến trúc vừa đáp ứng yêu cầu mỹ thuật cần thiết của một đô thành. Kỹ thuật xây dựng thành công các bức tường thành bằng đá lớn đã phát huy ảnh hưởng của nó tới kỹ thuật xây dựng nhiều tòa thành sau đó ở khu vực, nhưng kỳ vĩ nhất, đặc sắc nhất chỉ có Thành Nhà Hồ vốn được xem như một hiện tượng đột khởi “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử xây dựng kiến trúc thành quách Việt Nam và khu vực.


Khu di sản đáp ứng các yêu cầu về tính toàn vẹn, tính xác thực được nêu trong hướng dẫn hoạt động thực hiện Công ước Di sản Thế giới.

Khu di sản với vùng lõi và vùng đệm tổng cộng 5.234 hécta bao gồm toàn bộ tòa Thành đá, La thành, hào thành, các di tích khảo cổ dưới lòng đất, các làng cổ, các di tích chùa đền, hang động liên quan đến Thành Nhà Hồ, toàn bộ cảnh quan núi non, sông nước liên quan đến địa hình phong thủy thể hiện sự giao lưu văn hóa về nét đặc sắc của tòa thành được bảo tồn toàn vẹn một cách tốt nhất theo Luật pháp của Nhà nước Việt Nam và các quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa. Đó cũng là những bằng chứng xác thực nhất minh chứng về sự tồn tại của một thời kỳ văn minh Việt Nam dưới ảnh hưởng tác động của các tư tưởng nhân văn tích cực phương Đông nhằm đổi mới đất nước Việt Nam cuối thế kỷ 14 - đầu thế kỷ 15.

Một số hình ảnh khác về Thành Nhà Hồ:


















Nguồn ảnh: Internet

Theo Thanhnhaho.vn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link