'Bảo mẫu tử thần': Cái ác không thể tận diệt bằng cái ác hơn!

20/12/2013 10:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Hai bảo mẫu ở TP. HCM gây rúng động dư luận bởi cái ác của mình. Nhưng cái ác lại tiếp tục được “ươm mầm” và phát triển chính từ một bộ phận dư luận đang bất bình vì bảo mẫu trên Facebook.

1.
Sự vụ hai bảo mẫu Lê Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý bóp cổ, tát bôm bốp, dí đầu trẻ xuống đất, dọa ném trẻ vào thùng nước…. vừa được báo chí phanh phui khiến dư luận sững sờ. Cảm giác đầu tiên là bất an. Tiếp đó là bất bình. Thương những đứa trẻ trong clip một, lo cho con mình đang ở nhà trẻ mười. Và căm giận trước hành động tàn ác của các bảo mẫu Phương, Lý gấp bội.

Nhưng mạng xã hội mà cụ thể là Facebook đã cộng hưởng sự bức xúc này lên hàng trăm, hàng nghìn lần. Hiệu ứng đám đông đã khiến những bậc phụ huynh không còn làm chủ khi thản nhiên comment về hình thức xử phạt bảo mẫu như: lột da; tùng xẻo (bằng dao cùn); băm xác; phanh thây; ném đá cho tới chết; bắt bảo mẫu vào cũi, diễu đi khắp cả nước rồi cho họ vào lòng đại bác, bắn ra biển…

Những phép liên tưởng khủng khiếp về các cách xử phạt thời trung cổ được lập ngôn liên tiếp. Sự bất bình trước tội ác của bảo mẫu luôn được đưa ra làm lý do giải thích cho những “nguyện vọng” của đám đông.

Song cái ác không thể triệt tận gốc bằng những cái ác hơn. Xã hội văn minh không chấp nhận được hành động của bảo mẫu Phương, Lý. Nhưng trong xã hội ấy, những cách hành xử con người man rợ tuyệt nhiên không tồn tại, dù chỉ trong phát ngôn.



Những hình thức xử phạt đi kèm với những lời lẽ thời "tiền văn minh" được đưa ra liên tiếp (Ảnh: Facebook)

2. Nhiều người đã hỏi tại sao lại có những người phụ nữ tàn độc như hai bảo mẫu ở TP. HCM vừa rồi? Nhiều người khác ái ngại rồi đây tương lai của những đứa trẻ mang ký ức bạo lực của trường mầm non tư thục Phương Anh rồi sẽ đi về đâu?

Sự thật, ẩn ức ngàn đời “thương cho roi cho vọt” của cha ông đang càng ngày càng bị hiểu méo mó, vẹo vọ. Hình tượng “roi vọt” ám chỉ sự nghiêm khắc trong giáo dục nay bị hiểu trần trụi thành bạo lực, đòn roi.

Bởi vậy, thay vì những bảo mẫu, không khó để thấy hình ảnh người cha, người mẹ đánh con, dọa con để ép ăn, ép uống. Ăn nhiều cho lớn. Uống nhiều sữa cho thông minh.

Và khi chúng ta đều mặc định, đòn roi là tình thương thì ẩn ức tuổi thơ về những trận đòn khiến bạo lực, cái ác lan tràn mọi ngả, khắp các ngành nghề. Những bác sĩ Cát Tường, dân phòng đánh người bán hàng rong, bảo mẫu dúi đầu trẻ… sẽ chẳng thể chặn đứng. Cho dù họ có bị xả thịt, phanh thây như “cộng đồng mạng” mong muốn.

3. Chúng tahẳn chưa quên bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ ở TP. HCM đánh chết cháu bé 18 tháng tuổi. Khi ấy, dư luận cũng sục sôi căm phẫn. Những “phán quyết” khủng khiếp cũng được đưa ra…trên Facebook.

Nhưng tất cả bỗng giật mình sực tỉnh khi anh Đỗ Trọng Đức, cha của cháu bé 18 tháng tuổi quyết định: “Không kiện, cho cô ta (bảo mẫu đã đánh chết con anh) được về với con”.

Hơn thế, vợ anh còn mang chính hộp sữa đứa con xấu số của mình đang dùng dở cho con của bảo mẫu Nhờ, đứa trẻ vô tội đang bơ vơ vì mẹ đang bị tạm giữ. Hành động này đã làm hận thù, người người lắng xuống…

Tất nhiên, sự cao thượng và lòng vị tha của gia đình anh Đức chưa thể trông chờ ở số đông. Nên việc dư luận và đặc biệt là phụ huynh của những đứa trẻ ở mầm non Phương Anh căm phẫn trước hành động của bảo mẫu là chính đáng.

Song chắc chắn, cái ác chẳng thể tận diệt, bằng cái ác man rợ hơn.
Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link