09/04/2013 14:21 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Đồng thời với sự đi xuống của những B.BD, HA.GL và ĐT.LA, một thế lực mới bất ngờ lớn mạnh: CLB HN.T&T. Từ độ 3, 4 năm đổ lại đây, người ta bắt đầu đi tìm trận “derby Việt Nam” và giờ tất cả đã có câu trả lời.
Bóng đá Việt Nam cần có thêm nhiều trận đấu như trận HN.T&T-SLNA ngày 7/4 vừa qua. Ảnh: VSI
Chuyện của V-League…
Với tiền lực, tài lực và cả sức lực, SLNA có thể chưa phải là đội bóng mạnh nhất, luôn đá hay nhất V-League, và trong khoảng 4 năm trở lại đây, kể từ khi bầu Hiển bắt tay vào làm bóng đá, SHB.ĐN và HN.T&T mới là 2 cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong cuộc đua vô địch ở V-League.
Nhưng cũng bằng từng ấy năm, các cuộc đối đầu giữa 2 đội bóng này chưa (và có lẽ không bao giờ) được xem là trận “derby Việt Nam”. Lý do là gì thì chắc không cần phải nói thêm nữa.
Vậy, cần phải tìm đối trọng cho HN.T&T hoặc SHB.ĐN, hoặc cả 2. Thì đó phải là SLNA. Đội bóng xứ Nghệ đã rất khôn ngoan khi lấy lực lượng khán giả đông đảo và hùng mạnh trải khắp cả nước làm trung tâm, từ đó để phát triển đội bóng. Thực tế là rất nhiều thời điểm SLNA gặp khó, nhưng họ vẫn sống khỏe, nhờ sự chung lưng đấu cật của các CĐV cũng như những Mạnh Thường Quân.
Đây là điều mà ngay cả SHB.ĐN cũng chưa làm được chứ đừng nói đến một đội bóng còn non trẻ như HN.T&T. Kể từ trước khi HN.T&T xuất hiện trên bản đồ bóng đá, hơn chục năm qua, V-League vẫn không thiếu những trận đấu có chất lượng, nhưng để đo được mức độ thành công thì phải nhìn vào số CĐV trên khán đài. Tiếc rằng, cuộc-đối-đầu-thượng-đỉnh như HN.T&T và SLNA cuối tuần qua mới chỉ là một hiện tượng, chứ chưa là bản chất của V-League...
Chỉ với sự cổ vũ chân phương, với những cố gắng một phía (ví như từ lực lượng CĐV Nghệ An chẳng hạn), e khó làm nên một trận đấu thành công. Văn hóa cổ động cũng như các trận bóng, phải có đối tác, người tung kẻ hứng. Chúng ta đã định hình được ngoài trận “derby Việt Nam” ở dưới sân thì phải có một “derby” khác trên các khán đài.
Và chuyện mối quan hệ con người
Tại các đội bóng của bầu Hiển (SHB.ĐN và HN.T&T, thậm chí cả QNK.QN bây giờ), các công đoạn công việc đều được khoán. Ví như sẽ phải có ông Chủ tịch lo quản lý đội bóng, ông GĐĐH và ông trưởng đoàn cho đến đội ngũ HLV, rồi cầu thủ... Tất cả đều được giải quyết bằng tiền, bao gồm cả chuyện thuê mướn CĐV, như HN.T&T từng làm. Nhưng, đây chỉ là các giải pháp tạm thời, tình thế, chứ về lâu về dài thực sự không ổn.
Từ năm 2010, song song với việc phát triển hệ thống đào tạo trẻ thông qua sự giúp sức của địa phương (LĐBĐ Hà Nội), HN.T&T đã bắt đầu “cấy” những người Hà Nội vào đội hình. Những Quốc Long, Văn Quyết, Ngọc Duy, Tiến Dũng và gần đây nhất là Thành Lương…, hẳn có công không nhỏ trong việc kéo khán giả Thủ đô đến sân. Ban đầu là gia đình, người thân, kế đến là đội ngũ những người yêu Thể Công hay CAHN (cũ), rồi CĐV của riêng Thành Lương (CLB BĐ Hà Nội)...
Với một đội bóng không có một bề dầy lịch sử để mà tự hào, việc “nuôi dưỡng” và phát triển CĐV phải được xem là một chiến lược tử tế. Tại V-League 2012, CLB XMXT.SG (với tên gọi tiền thân là SG.XT) từng khá thành công với việc lôi kéo người hâm mộ đến sân bằng cách thuê mướn đội ngũ đông đảo các ca sỹ, nghệ sỹ góp vui. Đấy cũng là một cách làm, nhưng lại không bền. Tài chính là một chuyện, ngoài ra, cầu trường bóng đá có những giá trị thiêng liêng của nó.
SVĐ phải là nơi tìm kiếm niềm vui, từ đội ngũ lao động chủ lực của bóng đá (HLV và cầu thủ), cho đến các CĐV, chứ không phải sự phân công lao động theo “ngành dọc” hay miếng cơm manh áo. Chắc chắn rồi!
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất