Cá chép cúng ông Công, ông Táo đắt hàng, được giá

21/01/2025 14:14 GMT+7 | Tin tức 24h

Những ngày cận Tết ông Công, ông Táo, những vùng nuôi cá cảnh nổi tiếng tại tỉnh Nam Định càng nhộn nhịp bởi lượng xe cộ tấp nập ra, vào vận chuyển cá đi tiêu thụ. Các cơ sở nuôi cá phải thuê, mượn thêm người để đánh bắt, vận chuyển cá lên xe để kịp các chuyến hàng. Giá cá chép năm nay tăng cao, đắt hàng, người nuôi rất phấn khởi.

Tận dụng tiềm năng lợi thế mặt nước từ sông Hồng, những năm gần đây bên cạnh việc phát triển mạnh các loại cá truyền thống như cá diêu hồng, cá lăng, cá Koi (cá chép Nhật)… nhiều hộ dân tại xã Mỹ Tân, thành phố Nam Định đã nuôi thêm cá chép cúng ông Công, ông Táo để tăng thêm thu nhập. Theo người dân địa phương, nuôi cá chép phục vụ thị trường dịp cúng ông Công, ông Táo khá đơn giản, không mất quá nhiều công chăm sóc, diện tích mặt nước lại cho quả kinh tế cao nên được nhiều người lựa chọn nuôi.

Ông Phan Văn Sơn, người nuôi cá lồng có tiếng tại xã Mỹ Tân cho biết, năm nay gia đình nuôi khoảng 4 tấn cá chép đỏ để phục vụ trường Tết ông Công, ông Táo. Mặc dù lượng cá khá nhiều, tuy nhiên trong chiều ngày 20/1 (ngày 21 tháng Chạp Âm lịch) các thương lái đã đến thu mua hết. Năm nay thị trường cá chép đỏ tiêu thụ khá nhanh, không chỉ gia đình ông mà các hộ xung quanh cũng đều bán hết cá, thương lái nếu không đặt trước sẽ không còn hàng.

Theo ông Sơn, giá cá chép đỏ năm nay cũng tăng cao hơn so với mọi năm, nếu như các năm trước giá bán chỉ dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg thì năm nay đã lên tới 120.000 đồng/kg, thậm chí càng về những ngày cận Tết ông Công, ông Táo giá lại càng nhích lên, nhiều thương lái liên hệ mua thêm cá nhưng cơ sở cũng không còn để bán.

Cá chép cúng ông Công, ông Táo đắt hàng, được giá - Ảnh 1.

Cá chép làng Thủy Trầm có màu đỏ tươi. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

Để có được những con cá chép đỏ phục vụ thị trường, ngay từ tháng 6, ông Phan Văn Sơn và các hộ nuôi cá ven sông tại xã Mỹ Tân đã bắt đầu thả cá giống, trong tổng số gần 30 lồng nuôi các loại cá truyền thống, ông dành ra 2 lồng để nuôi cá chép đỏ. Trong quá trình nuôi sẽ sử dụng chế độ cho ăn phù hợp để cá chép không quá to, đến lúc xuất bán cá vừa bằng khoảng ba đầu ngón tay là phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Phục vụ thị trường Tết ông Công, ông Táo năm nay, anh Đào Xuân Thăng, người nuôi cá cảnh có tiếng trên địa bàn xã Mỹ Tân cũng dành một khoảng ao nhỏ để nuôi cá chép đỏ nhằm kiếm thêm thu nhập trang trải cho dịp Tết. Năm nay thời tiết thuận lợi, cá chép phát triển ổn định, cá to đều, khỏe, mã đẹp, màu sắc tươi sáng nên các thương lái tranh nhau thu mua.

Theo anh Thăng, nếu như năm ngoái phải chờ đến cận ngày 23 tháng Chạp, gia đình mới bán hết cá thì năm nay ngay từ khoảng tháng 10 đã có nhiều thương lái liên hệ đặt mua. Nhận thấy nhu cầu của thị trường, anh Thăng quyết định bán cân đều chứ không chia ra làm nhiều loại to, nhỏ khác nhau như mọi năm.

Bà Nguyễn Thị Hiền, thương lái từ Hà Nội chia sẻ, năm nào cũng vậy cứ vào khoảng các ngày từ 20-22 tháng Chạp Âm lịch là lại xuống các hộ nuôi cá tại xã Mỹ Tân để mua cá chép đỏ về bán tại các chợ đầu mối tại chợ Phùng Khoang hay chợ Yên Sở. Đặc điểm của cá chép đỏ được nuôi tại các lồng cá ngoài sông thường rất khỏe, cá có màu sắc đẹp, không nhợt nhạt như ở các nơi khác nên được người dân ưa chuộng.

Xã Mỹ Tân có khoảng 50 lồng cá, các hộ nuôi cá tại đây đều được cấp phép hoạt động, so với nuôi cá trong ao thì nuôi lồng trên sông có nhiều lợi thế như dòng nước chảy liên tục khiến cá lớn nhanh, mật độ thả dày hơn, năng suất cao hơn. Trung bình mỗi năm sau khi trừ chi phí các hộ nuôi thường thu lãi từ 700 - 800 triệu đồng.

Ông Bùi Như Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho hay, việc nuôi thêm loại cá chép đỏ để bán đã giúp các hộ nuôi cá tại đây tăng thêm thu nhập, năm nay cá chép đỏ được giá, đắt hàng, người nuôi cá chép đỏ đều rất vui mừng, phấn khởi có thêm chi phí bù lại những thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra.

Không chỉ có các hộ nuôi cá tại xã Mỹ Tân, một số vùng nuôi cá lớn tại tỉnh Nam Định như xã Mỹ Hà, xã Mỹ Thắng, xã Mỹ Tân… thành phố Nam Định, người nuôi cá chép đỏ năm nay cũng bán hết cá từ sớm, giá cao gấp rưỡi so với mọi năm, người nuôi rất vui mừng, phấn khởi...

Trong khi đó, tại làng nghề nuôi cá chép truyền thống tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai những ngày này cũng nhộn nhịp, tấp nập cảnh đánh bắt, mua bán cá chép đỏ.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, ngày 21/1 (tức 22 tháng chạp) người dân tại xã Bắc Sơn bắt đầu kéo cá để bán cho lái buôn từ các địa phương như Tp. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, và các tỉnh miền Trung.

Tại đây, những ao nuôi được thiết kế bài bản, nước trong xanh, là điều kiện thuận lợi để cá chép đỏ phát triển tốt. Thời điểm này, các hộ nuôi cá đều tất bật chuẩn bị cho việc thu hoạch, tập trung nhân lực, máy móc để hút nước, kéo lưới bắt cá phục vụ các thương lái. Trong thời gian chờ vận chuyển cá lên xe tải, máy phát điện chạy liên tục để sục oxy vào các bể chứa đảm bảo chất lượng đến tay tiểu thương. Các ngả đường lớn dẫn vào xã Bắc Sơn hàng đoàn xe tải lớn, nhỏ nhộn nhịp nối đuôi nhau chở cá chép đi tiêu thụ.

Ông Trần Văn Sư ngụ ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn cho biết, gia đình ông có thâm niên trên 15 năm nuôi cá chép đỏ. Theo ông Sư, để phục vụ thị trường dịp ông Công ông Táo, ông thả cá giống từ 4 tháng trước. Việc nuôi cá chép không khó nhưng đòi hỏi sự chăm sóc kỹ lưỡng từ việc chọn con giống, thức ăn và nguồn nước. Muốn cá có màu sắc đẹp, khỏe mạnh người nuôi phải thường xuyên kiểm tra nguồn nước và bổ sung chất dinh dưỡng.

"Trong các ngày 21 và 22 tháng chạp gia đình tôi sẽ thu hoạch khoảng 1 tấn cá chép đỏ cung cấp cho các thương lái phục vụ nhu cầu cúng Tết ông Công ông Táo của người dân trong và ngoài tỉnh. Với giá cá hiện nay khoảng 60.000 đồng/kg, gia đình tôi thu về khoảng hơn 60 triệu đồng trong thời gian 4 tháng nuôi", ông Sư chia sẻ.

Nhờ sự lâu đời và chất lượng đạt chuẩn nên cá chép đỏ xã Bắc Sơn luôn được thương lái lựa chọn. Ông Trần Văn Tuân, thương lái tại tỉnh Bình Dương cho biết, cách đây 4 tháng ông đã liên hệ với người nuôi để đặt mua cá chép đỏ phục vụ ngày ông Công ông Táo. Trung bình mỗi năm, ông đặt mua khoảng 3 tấn cá chép đỏ để cung cấp cho khách hàng. Năm nay, số lượng đặt hàng tăng hơn so với năm trước, giá cá chép cúng Tết ở Bắc Sơn cũng rất đa dạng, tùy thuộc vào kích thước và chất lượng của cá. Cá chép có giá dao động khoảng 60.000 – 80.000 đồng/kg, tùy vào kích thước và độ đẹp của cá. Những con cá chép lớn, khỏe mạnh và có màu sắc đẹp thường được bán với giá cao hơn.

Bà Lương Thị Lan, Chủ tịch Hội nông dân huyện Trảng Bom, Đồng Nai cho biết, xã Bắc Sơn có gần 100 hộ dân tham gia nuôi cá chép. Những năm qua, nghề nuôi cá chép đã phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong dịp Tết. Mỗi năm, vùng nuôi cá chép Bắc Sơn cung cấp hàng trăm tấn cá thịt và hàng chục tấn cá chép phóng sinh cho thị trường trường, không chỉ trong tỉnh Đồng Nai mà còn xuất bán đi nhiều tỉnh thành khác như Tp. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, và các tỉnh miền Trung.

Theo Hội nông dân huyện Trảng Bom, mỗi hộ gia đình ở đây đều sở hữu vài ao nuôi cá, mỗi ao rộng khoảng 1.000 - 3.000 m2. Những năm qua, dù giá cả có sự biến động, nhưng người nuôi cá vẫn rất phấn khởi vì thị trường tiêu thụ cá chép cúng luôn ổn định. Nhiều hộ gia đình đã có thu nhập khá từ nghề nuôi cá này, giúp cải thiện đời sống và phát triển kinh tế địa phương.

Công Luật - Lê Xuân/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link