Ca khúc 'A Whiter Shade Of Pale': Cơn xuất thần bao trùm hơn nửa thế kỷ âm nhạc

25/07/2021 08:12 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Không lạ gì rằng mỗi khi có một hit nào đó bùng nổ, kéo theo nó sẽ là những ca khúc ăn theo. Nếu đủ mạnh, nó có thể thành xu hướng một thời kỳ. Nhưng cũng có những trường hợp, dù hiếm, một chú “cừu đen” xuất hiện đánh bật mọi thông lệ. Đó là trường hợp của A Whiter Shade Of Pale do nhóm nhạc non trẻ Procol Harum thể hiện.

Ca khúc 'The Track Of My Tears' của Smokey Robinson: Vết dấu của đau thương tình ái

Ca khúc 'The Track Of My Tears' của Smokey Robinson: Vết dấu của đau thương tình ái

Ở đâu đó, ngược về vô cùng thời gian, người nhạc sĩ đầu tiên nào đó đã viết nên ca khúc đầu tiên. Dù sự tiến hóa trong ngôn ngữ của loài người được cho là nhờ thói ngồi lê đôi mách nói xấu nhau nhưng chắc đó không phải điều xảy ra với âm nhạc.

Có đáng kinh ngạc không khi giữa 2 làn sóng âm nhạc cực hùng mạnh là flower-power và psychedelic, một giai điệu phỏng theo Bach bỗng chiếm sóng toàn bộ và bền bỉ đi vào lòng người trong hơn nửa thế kỷ?

Khoảnh khắc khai sáng

Năm 1967, Procol Harum là cái tên không nhiều người biết đến. Các thành viên đã có hoạt động âm nhạc riêng lẻ trước đó nhưng chẳng gặt hái được bao thành công. Thời khắc lịch sử chỉ đến vào một đêm khi nhà thơ Keith Reid - thành viên của nhóm - tới chơi ở một tụ điểm.

Tại nơi nhộn nhạo đó, Reid bỗng nghe thấy một chàng trai nó với “gà” của mình rằng: “Em đang trắng bệch ra kìa” (You’ve gone a whiter shade of pale). Nếu là người thường, đó chẳng qua chỉ là một câu bâng quơ có gì đáng nhớ. Nhưng với một nhà thơ như Reid -hoặc đúng lúc đó được nữ thần thi ca chấm- anh không sao thoát ra được khỏi câu nói đó.

Ngay khoảnh khắc đó, dường như một phép màu nào đó đã khiến Reid nhận ra đây là đầu mối dẫn anh tới cánh cửa lớn của nghệ thuật.Có thể nói, Reid đã có được viên đá đỉnh vòm hoàn hảo ngay từ đầu. Việc còn lại chỉ là thu nhặt các mảnh ghép khác để làm nên bức tranh hoàn chỉnh.

Chú thích ảnh
Keith Reid (trái) và Gary Brooker, những người gây ra tranh cãi suốt hơn nửa thế kỷ qua

Trưởng nhóm Gary Brooker vẫn nhớ ngày Reid mang lời A Whiter Shade Of Pale tới gặp mình: “Bốn khổ thơ rất dài”. Trên nền cảm hứng của bài thơ, họ chỉ mất vài tiếng để viết nhạc. Procol Harum sau đó đã chọn chính A Whiter Shade Of Pale để làm đĩa đơn ra mắt ban nhạc, phát hành ngày 12/5/1967.

Những điều tiếp theo là chuyện không ai có thể ngờ tới.

Chỉ chưa đây 1 tháng sau, A Whiter Shade Of Pale đã đứng No.1 BXH Anh và yên vị tại đó trong suốt6 tuần. Nó cũng đạt No.1 ở nhiều quốc gia khác và lên tới No.5 trên Billboard Hot 100 Mỹ. Cần nhắc lại: Procol Harum là một ban nhạc vừa ra mắt không tiếng tăm và ca khúc thậm chí còn được quảng bá rất ít.

Thế nhưng, A Whiter Shade Of Pale đã trở thành thánh ca mùa Hè tình yêu năm 1967, là hit bền bỉ nhất của thập niên 1960. Không dừng lại ở một thời kỳ, khi vào năm 2011, nó được BBC công bố là ca khúc được phát công cộng nhiều nhất ở Anh trong 75 năm qua. Tính tới nay, ca khúc nằm trong số ít đĩa đơn bán được hơn 10 triệu bản trên thế giới. Ngoài nhận được nhiều giải thưởng, nó cũng được cover hơn 1.000 lần, xuất hiện trong nhiều phim lớn. Năm 2018, khi Đại sảnh Danh vọng Rock & Roll lập danh mục mới mang tên Đĩa đơn Danh vọng, A Whiter Shade Of Pale lập tức được chọn.

Nhưng điều thú vị nhất ở đây là: Khán giả mặc dù mê đắm A Whiter Shade Of Pale nhưng không hiểu là nó hát về điều gì còn các chuyên gia âm nhạc dù có nặn nát trán cũng không tìm ra nổi công thức thành công của nó.

Phi tuyến tính

Năm 1967, người yêu nhạc đang quay cuồng trong flower-power và psychedelic, đều giàu năng lượng, mang tính phản kháng, dù thụ động hay chủ động. Hình ảnh của ngày đó là hoang dã kiểu hippie hay ảo giác quay cuồng. Vậy mà nhạc của A Whiter Shade Of Pale là gì? Nhạc cổ điển mang ảnh hưởng của Air On The G String của J.S. Bach.

Viết ở cung Đô trưởng với đặc trưng bởi đường bass từng bước đi xuống, theo Brooker, “nếu bạn theo dõi yếu tố hợp âm, sẽ xuất hiện 1 hay 2 khuông Air On A G String của Bach”.

Brooker cho biết mình không cố tình kết hợp rock với cổ điển mà đơn giản vì âm nhạc của Bach vốn chảy sẵn trong người. Sau này, chia sẻ của Brooker về phần nhạc trứ danh này bị xới lại, gây ra một vụ tai tiếng dai dẳng hiếm có trong lịch sử âm nhạc.

Chú thích ảnh
Thành công của “A Whiter Shade Of Pale” lại gây lục đục dai dẳng trong Procol Harum

Nhưng đó là chuyện của sau này, có một vấn đề nhức nhối khác chưa bao giờ được giải quyết từ khi bắt đầu cho tới bây giờ: A Whiter Shade Of Pale hát về điều gì?

Có vẻ như chính nhà thơ Reid cũng không biết. Sau khi bắt được câu “mặt trắng bệch”, Reid nỗ lực hết mức để đặt mình vào một tâm trạng, giống như một người xuất thần. Giây phút đó, “trần nhà như bay biến và căn phòng ngày một ồn ào”. Reid cứ thế tuôn ra lời diễn giải cho những gì mình đang cảm thấy.

Theo như Reid, anh muốn kể một câu chuyện đơn giản, rõ ràng về một cô gái đang muốn rời đi. Nhưng những gì khán giả nhận được lại mơ hồ như Finnegans Wake của James Joyce! Chỉ thấy mơ hồ hình ảnh trong phòng nhảy náo động, một cặp đôi rời sàn, đến bên quầy rượu. Tới đây, ông chủ quán bỗng kể câu chuyện gì đó khiến cô gái mặt trắng bệch ra. Rồi cô gái bỗng nói chuyện gì đó về ngôi nhà bên bờ biển, chàng trai đáp lại bằng tiên cá và hải thần. Rồi cứ thế miên man những điều mà người hâm mộ có cố tới đâu cũng nối thành một mạch tuyến tính được.

Dân tình đành lờ mờ đoán là 2 anh chị này đang chuếnh choáng, chàng trai muốn gạ gẫm cô gái nhưng bất thành. Tuy nhiên, điều này thật trái với sắc thái u sầu được tô điểm bởi âm nhạc thê lương, được truyền tải qua giọng hát đau thương của Brooker.

Reid thậm chí bị coi là đang phê thuốc nên sinh ra ảo giác khi viết lời. Phủ nhận điều này, Reid nói đó là cảm hứng siêu thực lấy từ nhiều nguồn văn học. Ngoài ra, rõ ràng là Reid bị chịu ảnh hưởng bởi những câu chuyện hư hư thực thực đình đám của Bob Dylan ở thập niên 1960.

Một lý do khách quan khác: A Whiter Shade Of Pale bị cắt ngắn để phù hợp với thời lượng tiêu chuẩn ở các đài phát thanh. Thế là, cốt truyện đã mơ hồ lại mất phăng 2 phiên khúc. Bản gốc dài hơn chỉ được hát trong các buổi diễn trực tiếp.

Thời điểm đó, khi một người phỏng vấn nói với Brooker: “Tôi cho rằng mọi người sẽ quên chuyện ca từ này trong 2 tuần”, Brooker rất thản nhiên đáp: “Chắc vậy rồi”. Một nhận định không thể sai hơn!

Thế nhưng, có nhiều thứ tốt hơn không nên giải thích, nhất là những điều đẹp đẽ. A Whiter Shade Of Pale không mang lại một ý thức rõ ràng nào, nhưng có thể nó đã khơi dậy những tiềm thức đẹp, sẽ từ hạt mầm nẩy lên thành cây cổ thụ. Thay vì mổ xẻ dưới kính hiển vi, sao không để nỗi niềm của A Whiter Shade Of Pale bao trùm trong một khoái cảm âm nhạc?

Giai điệu quen thuộc của “A Whiter Shade Of Pale”:

Rắc rối bản quyền từ “Whiter Shade Of Pale”

Cũng hiếm có trường hợp nào rắc rối như A Whiter Shade Of Pale. Ngoài thành công về mặt nghệ thuật, ca khúccòn đình đám về chuyện thù oán ngang trái của các thành viên Procol Harum.Vấn đề bắt đầu vào năm 1973 khi tờ Melody Maker ghi nhận Brooker- với niềm say mê Bach - là đồng sáng tác ca khúc cùng người viết lời Keith Reid. Matthew Fisher - tay keyboard khi đó vừa rời ban nhạc - liền gửi thư phản pháo rằng chính anh ta, chứ không phải Brooker, là chủ nhân “phần organ, bao gồm cú “liếm” Bach trứ danh”.

Nhưng Fisher phải mất tới 37 năm để thật sự làm gì đó. Năm 2006, trong phiên xử của Tòa án Công lý Hoàng gia, bên cây đàn organ, Fisher đã chơi từng khuông solo để giải thích “quá trình sáng tác” của mình. Màn trình diễn giúp ông thắng 40% bản quyền. Tuy nhiên, do quyết định quá chậm trễ, phán quyết bị lật lại, Fisher không đòi được tiền bản quyền trước đó nhưngvẫn được ghi nhận là đồng sáng tác 40%.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link