31/01/2022 15:44 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Vào năm 1979, trên chuyến bay tới buổi diễn sẽ là cuối cùng của đời mình, Bob Marley đã sáng tác Could You Be Loved. Dự cảm cái chết gần kề, dường như Marley muốn thâu tóm vào đó, một cách cô đọng nhất, những tâm huyết nhất của thăng trầm cuộc đời.
Tới nay, cụ thể Could You Be Loved viết về điều gì là chuyện không thể biết. Nhưng dù mọi ngã rẽ có thể khác nhau, cái đích cuối cùng vẫn không thay đổi.
Những ngày cuối cùng
Nói một cách chính xác thì Could You Be Loved đã khởi sinh từ London. Khi đó, tay guitar Junior Marvin của nhóm Bob Marley and the Wailers mà Marley là trưởng nhóm đang ngồi gảy chơi và chợt nghĩ ra đoạn riff mở màn. Marley lập tức cảm thấy có gì đặc biệt nên quay sang hỏi: “Cái gì đó?” Marvin thành thật rằng anh chỉ nghịch chơi thôi nhưng Marley bèn hỏi: “Tôi dùng nó được không?”. Sau đó, khi họ tới Brazil cùng Inner Circle, tất cả đã cùng hoàn thiện ca khúc.
Có được đoạn riff đặc biệt - được lặp lại không ngừng theo nhịp của ca khúc - Marley đã mở đầu Could You Be Loved bằng một trong những mở đầu nổi tiếng nhất lịch sử: “Đừng để họ đánh lừa bạn! Hoặc thậm chí thử học!”.
Cái kết của nó cũng vô cùng đặc biệt khi nhóm hát đệm I Three hát lại lời đĩa đơn đầu tiên của Marley, Judge Not, một giai điệu Ska về đạo đức, phát hành năm 1962: “Đường đời đầy sỏi đá và bạn có thể cũng vấp ngã. Vì vậy, trong khi bạn chỉ tay, lại có người khác đang phán xét bạn”. Rất dễ có thể nhận thấy sự tương đồng của câu này với kinh thánh: “Đừng đoán xét ai để mình khỏi bị đoán xét”. Việc Marley lặp lại lời một ca khúc cũ có thể hiểu được khi xem xét nghĩa của toàn Could You Be Loved.
Nhưng không chỉ thuần túy được nàng thơ và tư tưởng dẫn dắt, khi sáng tác Could You Be Loved, Marley đã nhắm tới cái đích mà anh cần gấp rút nếu muốn vươn tới trong những ngày ít ỏi còn lại của cuộc đời: Anh muốn thâm nhập vào thị trường Mỹ trước thềm chuyến lưu diễn lớn. Anh nhận ra dòng nhạc reggae không dễ được đông đảo khán giả da đen chấp nhận, vì vậy, anh đã viết bài hát với nhịp điệu nhanh hơn, gần như nhịp disco, kèm theo tiếng keyboards rạo rực không thể chối từ.
Could You Be Loved được phát hành dưới dạng đĩa đơn trong Uprising - album cuối cùng của Marley khi anh còn sống. Và đúng như Marley kỳ vọng, đây là ca khúc reggae đầu tiên nổi bật trên các đài phát thanh Mỹ. Lần đầu được phát bởi Frankie Crocker trên đài New York WBLS, hữu xạ tự nhiên hương, ca khúc nhanh chóng trở thành hit lớn nhất của Bob Marley and the Wailers.
Trên các BXH, ca khúc cũng đạt thành tích cao là No.5 trên UK Singles Chart và lần đầu lọt Billboard Hot Dance Club Party ở vị trí No.6. Đông đảo nghệ sĩ đã hát lại Could You Be Loved, bao gồm Joe Cocker, Toto, Shakespears Sister và Ziggy Marley and the Melody Makers. Nó sau đó được sử dụng trong nhiều phim, bao gồm I Love You To Death, How Stella Got Her Groove Back, Blue Crush, 50 First Dates và Fool’s Gold.
Giai điệu rộn ràng của “Could You Be Loved”:
Những giả thuyết
Nhưng chính xác bối cảnh mà Could You Be Loved được đặt vào là gì thì không ai biết.
Một số đơn giản dựa trên tiêu đề để cho rằng đó là bản tình ca. Những người khác nói Marley viết về ca khúc như một bản ballad về sự đói nghèo và khó khăn mà anh đã phải chứng kiến. Lại cũng có ý kiến rằng Marley viết trên máy bay từ Brazil để đáp lại tình yêu lớn lao mà anh nhận được khi biểu diễn ở đây.
Những người quen thuộc với tôn giáo Rastafari (đôi khi được gọi là Rastafarianism, là một tôn giáo của người Do Thái phát triển ở Jamaica trong những năm 1930) và phong cách trữ tình của Marley (trong đó Marley thường gọi mình là “bạn” đồng thời cũng là để nói về tất cả mọi người, một quan điểm xuất phát từ niềm tin của một Rasta rằng tất cả chúng ta đều là một) lại tin rằng Marley dùng ca khúc để truyền tải thông điệp khẩn cho bản thân và những người khác: Bằng mọi giá, hãy giữ vững tin thần và tâm linh trước Babylon - một thuật ngữ ám chỉ khía cạnh áp bức của nền văn hóa da trắng.
Thật ra, giả thuyết nào cũng có ít nhiều căn cứ.
Vào thời điểm Uprising phát hành, Bob Marley and the Wailers đang đi vào đúng quỹ đạo. Ban đầu chỉ là một nhóm suy sụp ở khu ổ chuột Jamaica vào năm 1963, tới cuối thập niên 1970, họ đã đứng ở vị thế hoàn toàn khác. Nhóm thành công vang dội quốc tế nhưng đi kèm theo những cạm bẫy: Tiền bạc, danh vọng, phụ nữ.
Theo nhiều người, điều này càng khiến Marley có cảm giác mâu thuẫn giữa thành công và những gì anh thể hiện trong ca khúc của mình. Khi The Wailers bắt đầu thực hiện album cuối cùng của họ, anh cũng thường xuyên bị ốm vì đã sống với chẩn đoán từ năm 1977 về căn bệnh ung thư sẽ giết chết anh sau 1 năm phát hành Uprising. Có thể vì thế mà Could You Be Loved có nhiều câu nhấn mạnh việc giữ vững mình.
Việc sử dụng tiếng đàn cuica - hay trống ma sát, một nhạc cụ của Brazil - càng làm tăng uy tín cho giả thuyết rằng bài hát có liên quan tới Brazil.
Nhưng đồng thời, cũng có thể coi Could You Be Loved như một bài giảng hay lời cầu nguyện rời rạc, trong đó các bài Thánh Vịnh và đoạn kinh thánh được cô đúc rất đặc, mang tinh thần an ủi và cách mạng. “Tình yêu sẽ không bao giờ rời bỏ chúng ta” - với “tình yêu” có thể là ám chỉ tới Jah (cách gọi Chúa trong Rastafari).
Khi kết hợp với câu tiếp theo “trong bóng tối phải ló rạng ánh sáng” - một tham chiếu tới câu kinh thánh “Thật không có điều gì kín mà không phải lộ ra, không có điều gì giấu mà chẳng bị biết và tỏ ra” (Luke 8:17) - lời ca khúc còn có thể có ý nghĩa “Jah sẽ không bao giờ rời bỏ bạn, thế nên đừng lo lắng về bất cứ gì áp bức bạn bởi Jah sẽ hiển lộ và tiêu diệt nó”.
Tất cả những thứ ngấm ngầm trong bóng tối sẽ được đưa ra ánh sáng là một câu chuyện ngụ ngôn thường được sử dụng trong giáo lý Rasta về cái thiện chiến thắng cái ác. “Đừng để họ thay đổi ta! Hay thậm chí sắp xếp lại!” củng cố cho những dòng mở đầu. Cả 2 đều là lời cảnh báo chống lại sự giả mạo con cháu Jah. Câu cảm thán của Marley: “Chỉ những người khỏe mạnh nhất trong những người khỏe mạnh nhất mới sống sót! Hãy sống sót” như một lần nữa nhắc nhở về sức mạnh tinh thần.
Hoặc rất có thể, Could You Be Loved là sự hòa trộn của tất cả những giải thuyết trên, là sự đúc kết trải nghiệm cuộc đời vốn chứa tất cả những điều đó. Và giả thuyết cuối cùng này đứng vững khi Marley kết thúc ca khúc bằng đĩa đơn đầu tay của mình, tạo thành một vòng tròn khép kín như luân hồi.
Và như thế, dù có rẽ nhánh thế nào, mọi thứ đều quy tụ về điểm gốc, nơi ngay từ đầu Marley đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức và niềm tin rằng chúng ta không bao giờ cô độc. Tình yêu sẽ không bao giờ rời bỏ chúng ta.
Ca khúc “kinh điển” của Marley Trong phần ghi chú lót năm 1992 của box set Songs Of Freedom, Could You Be Loved được miêu tả là “được ghi âm một cách có chủ ý với âm thanh hấp dẫn các phát thanh viên đài Mỹ da đen”. Nhưng tất nhiên, giá trị của ca khúc vượt ra ngoài những thành tích. Sau khi Marley qua đời vào năm 1981, Could You Be Loved trở thành tác phẩm kinh điển bậc nhất, đại diện cho phong cách, tư tưởng và thành công của anh. Ngay sau trận chung kết giữa Tây Ban Nha và Hà Lan tại World Cup 2010 tổ chức ở Nam Phi, ca khúc được phát lên. Tại Grammy 2013, một loạt danh ca, bao gồm Sting, Bruno Mars và Rihanna đã biểu diễn sống Could You Be Loved để tri ân Marley. Bản nhạc của ca khúc sau đó được đính trên tem do Chính phủ Jamaica phát hành. Chỉ có đôi chút lấn cấn: Theo lời Junior Marvin, anh “không bao giờ chính thức được ghi nhận sáng tác nhưng thỉnh thoảng Bob sẽ lặng lẽ đưa tôi một khoản tiền để êm chuyện”. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất