Ca khúc 'Time To Say Goodbye': Khởi đầu từ một kết thúc

03/11/2017 15:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lời tạm biệt có thể khép lại một câu chuyện này, nhưng bằng một cách nào đó, chính là dấu mốc cho một khởi đầu mới.

Sự nghiệp, hào quang của giọng nam cao vĩ đại người Italy, Andrea Bocelli đã bắt đầu từ một lời tạm biệt, theo cách như vậy với Time To Say Goodbye, single đầu tiên nằm trong Romanza, album tiếng Italy bán chạy nhất mọi thời đại với 20 triệu bản.

Bị “ghẻ lạnh” ở quê hương

Bản gốc tiếng Italy của Time To Say Goodbye với tên gọi Con Te Partirò được sáng tác dành riêng cho Andrea Bocelli bởi 2 nhạc sĩ người Italy - Francesco Sartori (viết nhạc) và Lucio Quarantotto (viết lời). 2 nhạc sĩ này cũng phối hợp với nhau qua một số sản phẩm về sau, nhưng được biết đến nhiều nhất vẫn là những sáng tác họ dành riêng cho Andrea Bocelli, có thể kể đến như Canto Della Terra, Immenso….

Con Te Partirò, ra mắt lần đầu tiên trong album mang tênBocelli vào năm 1995khá mờ nhạt tại chính quê hương Italy khi không lọt vào một BXH nào. Ngược lại, nó lại được đón nhận nhiệt liệt ở một số nước “hàng xóm” xung quanh thuộc châu Âu. Tại Pháp và Thụy Điển, đĩa đơn này chiếm giữ ngôi vị quán quân trong vòng 6 tuần, đồng thời nhận 3 giải Vàng về doanh số. Nguyên nhân cho sự trớ trêu này được một số ý kiến cho rằng nội dung bài hát ban đầu có vẻ… vô nghĩa, nên không được người Italy ưa thích.    

Chú thích ảnh
Cặp đôi song ca Andrea Bocelli và Sarah Brightman

Đến khi chạm tới nước Đức, Con Te Partirò không chỉ ghi dấu ấn mạnh mẽ với danh vị “Bản hit xuất sắc nhất mọi thời đại” qua 12 tuần chiếm ngôi quán quân trên BXH quốc gia, mà còn gặp đúng thời cơ để sinh ra một phiên bản mới, đột phá hơn rất nhiều so với bản gốc. Đặc biệt, chính phiên bản “phái sinh” này đã giúp “quốc tế hóa” tên tuổi Andrea Bocelli trong lần đầu kết hợp với danh ca người Anh, Sarah Brightman.

Lần đầu “gặp gỡ” của Andrea Bocelli và Sarah Brightman là năm 1996, trong không khí nước Đức chuẩn bị chia tay võ sĩ quyền Anh nổi tiếng Henry Maske.

Khi ấy tại Đức, các trận đấu của Henry Maske được theo dõi nhiều đến mức nó trở thành “bàn đạp” cho một vài bài hát biểu diễn giữa giờ nghỉ. Conquest Of Paradise của Vangelis là một ví dụ.

Chính vì thế, trận đấu giã từ sự nghiệp của Henry Maske bỗng dưng trở thành cơ hội “ngàn vàng” cho những sản phẩm cần được quảng bá. Cơ hội ấy đã được dành đến cho Andrea Bocelli, nhưng không chỉ riêng mình ông.

Andrea Bocelli cũng như công ty chủ quản của ông không phải đơn vị đề nghị được hát trong trận đấu, mà chính là một hãng thu âm nước Đức mang tên East West Records. Việc “quốc tế hóa” Con Te Partirò bắt đầu bằng sự thay đổi một số lời ca, đặt thêm cái tên tiếng Anh Time To Say Good Bye. Và đặc biệt, cách tân lớn nhất việc chuyển hóa bài hát này thành bản song ca, với ca sĩ được “chọn mặt gửi vàng” là Sarah Brightman.

Sarah Brightman sở hữu giọng nữ cao (soprano) độc đáo với âm sắc trong trẻo, huyền ảo, tạo nên sự bù trừ hoàn hảo với chất giọng nam cao (tenor) dày và ấm của Andrea Bocelli. Và khi họ cùng cất giọng mở màn trận đấu quyền Anh được trực tiếp trên sóng truyền hình, gần 21 triệu khán giả phải “nín thở”. Đây cũng chính là lần đầu tiên, những khán giả ấy biết đến cái tên Andrea Bocelli, một nhân tài âm nhạc khiếm thị.

Bài hát được dành để chia tay Henry Maske sau cùng lại mang đến sự khởi đầu cho Andrea Bocelli và Sarah Brightman.

Đi sau lần biểu diễn trực tiếp thành công, 2 danh ca cùng nhau bắt tay vào quá trình thu âm ngay tại Hamburg, Đức. Đến tháng 12/1996, single Time To Say Good Bye chính thức ra mắt, gây nên cơn bão lần thứ 2 tại nước này, với doanh số ước chừng 40.000 - 60.000 bản mỗi ngày và đến tháng 2 năm sau thì đánh bật kỉ lục về doanh số bán từng có tại nước này với tổng cộng 1,65 triệu bản, rồi tăng lên 2,75 triệu bản một thời gian ngắn sau đó.

Câu chuyện cũng diễn ra tương tự tại Anh, Mỹ khi Sarah Brightman tiếp tục đưa bản song ca này vào album cùng tên của cô, ra mắt năm 1997. Ngoài ra, cô còn thực hiện một phiên bản solo riêng với sự kết hợp cùng Dàn nhạc Giao hưởng London.

Về sau, Time To Say Goodbye tiếp tục “cất cánh” cho sự nghiệp của những ca sĩ khác như Katherine Jenkins và Paul Potts.

Chú thích ảnh
Đĩa đơn “Time To Say Goodbye” ra mắt tại Mỹ

Niềm hy vọng từ sự tiễn biệt

Cùng với My Way của Frank Sinatra, Time To Say Goodbye là bài hát được ưa thích nhất để sử dụng trong các tang lễ, đánh dấu cho một xu hướng mới trong âm nhạc dành cho tang lễ.

Khoảng 10 năm trước, người đã khuất thường sẽ được tiễn đưa trong âm thanh bình thản, trầm tư và linh thiêng của các bản Thánh ca, hoặc không thì sẽ là nhạc cổ điển với chất nhạc tương tự. Tức là, mặc định đám tang sẽ phải là một không khí sầu lắng, yên lặng một cách não nề.

Nhưng đến gần đây thì khác, người phương Tây bắt đầu có xu hướng chuộng sử dụng những bài hát mang giai điệu cũng như lời ca tươi sáng hơn, mang âm hưởng ngợi ca cuộc đời người đã khuất đồng thời cất lên lời tạm biệt đi kèm với sự gợi mở về một tương lai tươi sáng cho người sống. Đây có thể nói là xu hướng tiễn đưa rất văn minh, ngày càng nhiều ca khúc mới sáng tác đáp ứng được tiêu chuẩn này.

Nhạc sĩ người Anh Wayne Hector, người đứng sau một số bản hit của Susan Boyle hay ban nhạc JLS nhận định: “Trong một đám tang, bạn sẽ không muốn nỗi sầu thảm bị đẩy lên quá cao đến mức tiêu cực. Chính vì vậy, một bài hát nói về hi vọng có lẽ tốt hơn là một ca khúc buồn. Bạn càng đau buồn trước sự ra đi của một người, thì càng nên chúc mừng cho cuộc đời họ đã sống”.

Vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ, Time To Say Goodbye tạo cho người nghe cảm xúc, vừa có nỗi giằng xé của sự biệt ly nhưng vẫn ẩn chứa trong đó sức mạnh của niềm hi vọng. Time To Say Goodbye là lời tạm biệt đầy thiêng liêng với những miền quê, với ánh mặt trời và ánh trăng của quá khứ để cùng dong buồm đến đại dương xa xôi, hồi sinh trong khởi đầu mới.

Bình yên và lay động là cảm giác chung mà mỗi người đều có thể cảm nhận được khi nghe bài hát này, và cũng là lý do để nó được ghi danh vào huyền thoại như bản tình ca hay nhất.

20 năm kể từ ngày album Romanza ra mắt, năm 2016 vừa qua “quý ông” Andrea Bocelli đã cho ra mắt một phiên bản đặc biệt của Romanza. Trong đó, Time To Say Goodbye được ông làm mới với 5 bản phối theo phong cách acoustic những phiên bản hợp xướng khác nhau.

Andrea Bocelli bộc bạch: “20 năm, thời gian đủ để nuôi dạy một đứa bé trưởng thành. Và thật may mắn rằng Romanza chưa bị thời gian vùi lấp, từ thời điểm đó nó đã trở thành sự phản chiếu rõ ràng về bản thân tôi, cuộc phiêu lưu cuộc đời tôi vào thời điểm đó cũng như lúc này. Và hơn hết nó đã trở thành nhạc nền cho rất nhiều cuộc đời”.

Andrea Bocelli -Thiên tài khiếm thị

Andrea Bocelli sinh năm 1958, là danh ca nổi tiếng của Italy. Ông bị tật bẩm sinh ở mắt và đến năm 12 tuổi thì bị mù hoàn toàn do tai nạn.

Khiếm khuyết về thị giác nhưng bù lại, ông được trời phú chất giọng nam cao (tenor) khỏe khoắn cùng ngoại hình lịch lãm, quyến rũ của một quý ông Italy. Andrea Bocelli đã bán được tổng cộng 80 triệu album trên khắp thế giới, sở hữu ngôi sao danh giá tại Đại lộ Danh vọng Hollywood. Đồng thời, ông từng vinh dự được biểu diễn trước 3 đời Tổng thống Mỹ cùng 3 Đức giáo hoàng.

ANDREA BOCELLI: Ca sĩ mù có giọng hát thiên thần

ANDREA BOCELLI: Ca sĩ mù có giọng hát thiên thần

Mặc dù không nhìn thấy được xung quanh nhưng Andrea Bocelli cùng với giọng hát thiên thần của mình đã mang đến nguồn năng lượng tuyệt vời, và mang đến “ánh sáng” cho nhiều người…

Hà My

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link