06/03/2016 07:42 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - MV Missing you vừa phát hành mới đây đã đánh dấu sự trở lại của Thanh Bùi sau gần một năm im hơi trên thị trường. Nhưng kỳ thực Thanh Bùi không mất tích chỉ là lui về hậu trường, tiếo tục đóng vai thầy giáo, nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc.
Không truyền hình thực tế
* Missing you ra mắt được xem bước đệm cho kế hoạch dài hơn của Thanh Bùi ở năm 2016. Vậy định hướng năm nay của anh là gì?
- Định hướng ngoài thị trường.
* Ý anh là không còn ngồi ghế giám khảo các show truyền hình thực tế?
- Cái chữ nghệ sĩ ở Việt Nam hôm nay không còn phải như thời xưa nữa. Càng ngày khi hiểu thêm về văn hóa của mình, hiểu được ngôn ngữ của mình, hiểu được từng cái lịch sử của mình thì tôi thấy những người như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những giá trị cốt lõi của họ mang đến cho mọi người qua nghệ thuật thì hôm nay mất hết rồi.
Đó là vì những show truyền hình thực tế quá nhiều nên tạo ra một cảm giác cho các bạn nghệ sĩ trẻ làm nghệ thuật bây giờ kiếm tiền quá dễ. Các bạn vẫn tin rằng từ zero vẫn trở thành hero được. Đó là lí do vì sao tôi quyết định ngưng tất cả các hoạt động về mặt làm giám khảo truyền hình thực tế. Bởi vì thị trường đến lúc cần thời gian để nghỉ ngơi. Thị trường này cần được thở, có thế thì mầm non mới nhú được và cũng mới có thể xây dựng được hình ảnh đúng nhất có thể.
Khi thấy một người như Tiên Tiên dù không được thành công trên truyền hình thực tế nhưng lại trở thành một hiện tượng âm nhạc trong 2015 thì tôi tin chắc rằng muốn thành công thì không có một đường tắt để đi mà phải có sự bài bản lâu dài.
* Nhưng anh cũng đi lên từ show truyền hình thực tế đấy thôi?
- Đúng, nhưng trước đó tôi đã có 15 năm cống hiến và đi hát trong một nhóm boysband. Đó là chuyện ít người biết trước khi câu chuyện của tôi với Australia Idol xảy ra. Tôi không nói truyền hình thực tế là xấu nhưng nó đã bão hòa rồi.
Các em ngày hôm nay gọi mình là Sun hay Jung hay cái gì đó, là bởi chúng ta đang sống cùng K-Pop. Tại sao Hàn Quốc họ xây được thị trường của họ, họ đâu có tự xây! Nhạc của họ và hình ảnh của họ được đầu tư bởi những người nước ngoài. Nhưng cái hay của họ là họ giữ được cái của mình và tạo nên sản phẩm riêng chứ không copy hình mẫu. Nếu chúng ta cứ nhăm nhăm truyền hình thực tế thì tôi nghĩ chúng ta sẽ bị mất bản sắc.
Grammy, ước mơ của người thầy?
* Không nói về truyền hình thực tế nữa mà hãy nói về Grammy. Dạo gần đây Thanh Bùi rất thích nói về Grammy? Và những nhân vật Thanh Bùi cộng tác cũng đều liên quan đến Grammy. Vậy Grammy là một sự ảnh hưởng hay ước mơ của anh? Hoặc đối với anh, khi Việt Nam không còn là sân chơi thú vị nữa thì anh sẽ ra ngoài?
- Tôi nghĩ khác. Tôi có một ngôi trường và 700 học viên gọi tôi là thầy. Tôi sẽ nói gì với bọn trẻ về ước mơ nếu bản thân người thầy của chúng không dám ước mơ?
Và nếu ai đó hỏi tôi rằng ước mơ đó càng ngày có rõ ràng hơn không thì câu trả lời là có. Tôi không nói những điều không làm được. Tôi đang có một ê kíp giỏi, những người nước ngoài đang làm cho những nghệ sĩ nổi tiếng. Điều quan trọng với họ không phải là tiền mà là sự đồng cảm. Họ hiểu ước mơ của tôi, họ tin vào sự chân thành và cố gắng của tôi.
* Nghe nói sắp tới sẽ là một album bom tấn trình làng bởi ở đó sẽ là những nhà sản xuất rất nổi tiếng như RedOne, apl.de.ap… Anh đặt hy vọng gì vào đây?
- Album này được tiến hành từ cách đây 3 năm rồi. Tôi không gọi là album bom tấn nhưng nó chất chứa cảm xúc thật của tôi. Đến hôm nay nhìn lại, tôi không nghĩ mình đã sống ở Việt Nam được 5 năm đâu. Tôi đã từng nghĩ, chỉ về Việt Nam một thời gian rồi sẽ quay lại Australia.
Nếu anh hỏi tôi là người Việt hay người Australia tôi sẽ nói rằng tôi là người Australia. Tôi sinh ở Australia, tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Việt. Vậy mà giờ đây tôi đang sống ở một nơi mà ba mẹ tôi không còn ở. Chúng tôi đã từng nghĩ sẽ không về. Đó là một câu chuyện lạ lùng. Giờ nhìn lại tôi thấy định mệnh đã cho phép mình ở đây và tìm được sự khởi đầu mới cho cuộc sống của mình. Đó là những chất liệu quan trọng nhất để làm nên album này. Một câu chuyện để kể.
* Và album này sẽ mang ngôn ngữ gì?
- Tiếng Anh
* Có nghĩa Thanh Bùi sẽ chú trọng ở phân khúc người nước ngoài hơn?
- Nó là những câu chuyện của người Việt Nam, câu chuyện của ba mẹ tôi, câu chuyện của bản thân khi sống từ bé ở nước ngoài và sự chơi vơi, chông chênh trong cảm xúc của tôi. Nó cũng sẽ nói đến gia đình, tình yêu, sẽ nói đến tất cả những trải nghiệm của một người đàn ông 33 tuổi.
Để mang âm nhạc Việt Nam ra ngoài thì tôi phải chọn cách nói câu chuyện của mình vì tôi nghĩ câu chuyện của tôi nó khác mọị người. Theo cách ấy thì ở bên ngoài sẽ hiểu hơn về nhạc Việt Nam. Tôi nghĩ đó là hướng đi của mình.
* Chúng ta từng có những câu chuyện Grammy, nào là từng được đề cử, nào là tiền đề cử nhưng cuối cùng chỉ là câu chuyện vui. Anh có nghĩ rồi mình cũng sẽ tiếp tục viết cho câu chuyện vui ấy dài thêm?
- Tôi không biết những câu chuyện trước đây. Nhưng tôi nghĩ tôi không nói cho vui. Tôi đang có một ê kíp mà tôi rất may mắn đi cùng. Cái khác của tôi với mọi người là tôi không phải xuất phát từ đây mà là từ bên ngoài. Trước khi về Việt Nam, tôi đã xây dựng các mối quan hệ, đã viết nhạc cho các nhóm nhạc ở Hàn Quốc hay châu Á.
Giờ công việc của tôi là kết nối, chẳng hạn như nhà sản xuất của Lady Gaga, RedOne; ca sĩ của nhóm Black Eyed Peas, apl.de.ap… Tôi không đề cao mình gì cả bởi chuyện này ai cũng có thể làm được. Một số người có quan hệ nhưng không có điều kiện và ngược lại nhưng tôi có cả hai.
Cho nên, nếu không thành công thì chỉ đơn giản một điều xảy đến, là do tôi không đủ giỏi.
* Anh có thấy mình là người phiêu lưu?
- Có, nhưng ít ra tôi thấy mình có hướng đi rõ ràng.
* Một chiến lược đầu tư dài hơi như vậy thì chi phí bỏ ra là rất lớn?
- Nếu nói về kinh phí thì không bao nhiêu là đủ. Ở đây tôi muốn nói về sự đồng cảm là nhiều hơn. Chẳng hạn như apl.de.ap, một người rất nổi tiếng, ai cũng nghĩ khi tôi hợp tác cùng anh ấy thì sẽ tốn rất nhiều tiền. Nhưng không, mọi thứ là miễn phí. Bởi câu chuyện của chúng tôi là giống nhau. Cũng là những nghệ sĩ gốc châu Á đi tìm thành công ở bên ngoài.
Hay như RedOne, người đứng đằng sau những thành công của Lady Gaga, tôi làm gì có đủ tiền như cô ấy để trả cho RedOne? Nhưng khi RedOne tới Việt Nam, nhìn những gì tôi làm ở trường Soul, những mong muốn và dự định của tôi và anh ấy ngay lập tức sẵn sàng hợp tác.
Ở lại Việt Nam là vì Soul
* Như vậy có thể thấy, anh đã làm được những điều lớn lao cho mình, là từ ở Việt Nam đấy chứ?
- 5 năm trước khi mọi người bảo tôi về Việt Nam thì tôi thật sự chưa muốn. Tôi nhớ năm tôi 10 tuổi, tôi đã về lần đầu tiên và bị bệnh nằm suốt cả tháng. Đó là một trải nghiệm chẳng vui thú gì.
Câu chuyện thứ hai là câu chuyện về bản quyền. Chẳng hạn như bài hát có thời điểm khá ăn khách của tôi là Tình về nơi đâu mà từ đầu đến cuối tôi nhận được 400 USD thì thử hỏi làm sao tôi dám nghĩ sẽ về đây hoạt động nghệ thuật?
Nhưng rồi lần sau cùng là khi tôi nhìn thấy MV Xin hãy thứ tha của Hồ Ngọc Hà, tôi đã “À” lên một tiếng khồng ngờ ở Việt Nam đã tiến bộ như vậy. Quan trọng là người biên đạo của MV này, anh Alex Tú là người bạn thân của tôi sống ở Mỹ. Ở Mỹ anh Alex sống rất thoải mái với nghề nhưng cuối cùng anh ấy bỏ hết để về. Chính anh ấy là động lực quan trọng để tôi quyết định về Việt Nam để tìm những cơ hội và phát triển.
Và thêm nữa, mỗi lần về Việt Nam và xuống thăm gia đình họ hàng ở Biên Hòa và Cam Ranh, tôi thấy họ vẫn sống như vậy và ở trong sâu thẳm tôi có điều gì đó giống như có lỗi vậy.
* Và thế là anh về ở luôn?
- Vẫn chưa. Lúc đó tôi đi đi về về chỉ định xem thị trường như thế nào thôi. Năm 2012 tôi phát hành một số bài hát và sau đó định không ở Việt Nam nữa. Đó là do khi về rồi thì tôi lại không chịu nổi được sự đố kỵ trong thị trường này. Tôi quen cách làm việc chuyên nghiệp, cái nào ra cái đó, tình cảm là một chuyện, còn công việc là chuyện khác, đâu ra đó. Chẳng hạn giữa tôi và anh Alex là tình bạn lớn nhưng công việc là công việc, không bao giờ 2 cái đó lấn cấn nhau. Nhưng khi làm việc ở đây thì tôi lại bị hẫng. Tôi làm vì công việc còn nhiều người lại làm vì lý do khác.
Tôi nhớ như in đó là một hôm ngồi trên taxi tôi loay hoay suy nghĩ xem thị trường này đang thiếu cái gì. Và bỗng tôi tự trả lời, nó thiếu tâm hồn (Soul). Ngay sau đó, về đến nhà tôi đã viết chữ Soul ra giấy. Vân, vợ tôi, nói rằng thôi anh đừng phàn nàn gì nữa, hãy làm những gì mình muốn, hãy dũng cảm lên. Và sau đó tôi quyết định bán ngôi trường của mình ở Australia, đầu tư vào một ngôi trường tại Việt Nam. Ngày 1/7/2012 thì trường âm nhạc Soul ra đời. Lúc đó thì tôi biết chắc mình sẽ ở lại Việt Nam.
* Đó có phải là quyết định lạ lùng không?
- Không, nếu như anh biết bằng cấp thực sự của tôi là về công nghệ. Và giờ tôi làm về âm nhạc. Cuộc đời tôi là một chuỗi những lạ lùng như vậy.
* Anh sẽ làm gì với ngôi trường ấy để thị trường nhạc Việt có tâm hồn?
- Giá trị cốt lõi đối với tôi, là con người. Tôi vẫn nói với học trò của mình là không phải làm âm nhạc nổi tiếng hơn mà là âm nhạc đem đến cho con người mình điều gì. Vậy thì phải đi đường xa, mà muốn xa thì phải thật đam mê. Thế hệ mới đây của Tiên Tiên hay Vũ Cát Tường là thế hệ giỏi hơn tôi. Họ không phải chân dài, không là hot girl, hành trang của họ chỉ là âm nhạc.
Chỉ có điều chúng ta không có nhiều sân chơi cho họ ngoài những chương trình truyền hình thực tế và không có những nơi đào tạo bài bản cho những tài năng.
Tôi không theo thị trường và những cái tôi đang làm bây giờ hy vọng là tạo nên thị trường. Tôi muốn định hướng cho thị trường vì nó đã đến lúc rồi.
* Cảm ơn anh.
“Trước khi về Việt Nam, tôi đã xây dựng các mối quan hệ, đã viết nhạc cho các nhóm nhạc ở Hàn Quốc hay châu Á. Giờ công việc của tôi là kết nối, chẳng hạn như nhà sản xuất của Lady Gaga, RedOne; ca sĩ của nhóm Black Eyed Peas...”. |
Cung Tuy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất