(TT&VH) -
Trong thư gửi học sinh cả nước nhân ngày khai giảng đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn”.Với biết bao thế hệ người Việt Nam, ngày khai trường luôn là thời khắc thiêng liêng, nhớ ghi sâu đậm, những cảm xúc khó tả, hồi hộp, háo hức và sự bỡ ngỡ của nhưng ngày tựu trường không thể phai nhòa trong tâm trí. Thời chúng tôi, khi đất nước còn khó khăn, chưa có chủ trương học sinh phải mặc đồng phục đến trường, nhưng cha mẹ cũng cố gắng lo cho con có một chiếc áo trắng để diện tới trường. Những cuốn sách được bọc báo cũ để giữ bìa như mới, những chiếc mũ ca lô gấp giấy màu... và sau những ngày chuẩn bị, lũ học sinh tề tựu khai trường.
Ngày khai trường, khai trí đức đó là ngày tươi sáng nhất. Học sinh đến trường với cảm xúc vô tư và tâm hồn trong trẻo nhất. Khi tiếng trống trường vang lên, những tâm hồn dù non nớt cũng mơ hồ cảm nhận thấy sự hệ trọng và những xúc cảm thiêng liêng: “Kìa trống đang gọi/ Tùng! Tùng! Tùng! Tùng!/ Chào năm học mới/ Giọng vang tưng bừng”.
Nhưng bây giờ, ngày khai trường những nỗi lo như trĩu nặng hơn. Không chỉ phụ huynh, thầy cô giáo mà những suy tư “rất người lớn” đã lan tới những tâm hồn non trẻ. Nhiều trường, trước ngày khai giảng, các em đã bước vào việc học từ lâu. Những em học sinh lớp một, lần đầu tiên dự khai giảng nhưng đã được làm quen với lịch học nặng trĩu, đã được học thành thạo chương trình mà lẽ ra phải mất một thời gian nữa các em mới được tiếp xúc. Sự háo hức con trẻ không còn vẹn nguyên.
Tôi bất chợt liên tưởng đến lời phát biểu của GS Ngô Bảo Châu, chỉ trước lễ khai giảng vài ngày: “Trong hầu hết các gia đình Việt Nam, việc học hành rất được coi trọng, nhưng tình yêu tri thức, yêu khoa học, thì theo ý kiến chủ quan của tôi vẫn là chuyện hiếm. Môi trường khoa học lành mạnh chính là nơi học thuật và đạo đức trong học thuật được luôn được xếp ở vị trí đầu tiên, cùng với sự bình đẳng giữa các nhà khoa học, không phân biệt già trẻ, cũng như sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học”.
“Tình yêu tri thức, yêu khoa học”, “sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học” tương đồng với sự say mê đến trường một cách vô tư nhất. Những đứa trẻ đi học không phải mang trong mình những trăn trở của cha mẹ về thứ bậc xếp hạng trong lớp, về điểm số, về những lời căn dặn thực dụng trong vỏ bọc đầy âu lo “học giỏi để làm giáo sư, bác sĩ... con nhé!”.
Hãy để trẻ em đến trường chỉ bằng sự say mê tinh khiết của mình. Hãy mở ra bầu trời tri thức bao la như bức thư mà nhiều người vẫn cho là của cố Tổng thống Mỹ A. Lincoln gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học: “Xin dạy cho cháu biết đến thế giới kỳ diệu của sách... nhưng cũng để cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong nắng, và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh. Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi. Xin hãy tạo cho cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, cho dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó là không đúng...”
Ngành Giáo dục còn quá nhiều điều phải làm. Nhưng điều đầu tiên là hãy để các em đến trường với sự vô tư nhất.
Nguyễn Gia