Cả nước trên 211.000 ca sốt xuất huyết, người dân cần chủ động diệt bọ gậy lăng quăng

19/09/2022 23:25 GMT+7 | Bạn cần biết

Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 211.388 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 87 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc và tử vong đều tăng.

Hà Nội: 19 ổ bệnh sốt xuất huyết, số ca mắc tăng nhanh

Hà Nội: 19 ổ bệnh sốt xuất huyết, số ca mắc tăng nhanh

Tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, một tuần trở lại đây (từ ngày 4-10/7), số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tăng nhanh.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn đã có 21 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tăng 17 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, từ ngày 1/1 đến ngày 16/9, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 56.234 ca mắc sốt xuất huyết. Riêng trong ngày 16/9, hệ thống giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố phát hiện có 306 ca mắc mới.

 Hiện có 1.258 trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện (trong đó có 915 ca cư trú tại Thành phố). Trong số 1.258 ca đang điều trị tại bệnh viện có 732 ca là người lớn (có 18 ca phụ nữ mang thai), 526 ca trẻ em, 111 trường hợp sốt xuất huyết nặng đang được điều trị, 7 ca đang lọc máu. Đáng chú ý, tính đến nay, tại Thành phố đã ghi nhận 21 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Tại Hà Nội, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao so với tuần trước. Tính từ đầu năm đến ngày 16/9, Hà Nội ghi nhận 3.023 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 4 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện và 395/579 xã, phường, thị trấn.

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 311 ổ dịch tại 28 quận, huyện. Hiện còn 118 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện, trong đó, 2 ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân là ổ dịch thôn Vực, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (có 55 bệnh nhân) và ổ dịch thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (có 56 bệnh nhân).

Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.

 Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, tính từ đầu năm 2022 đến ngày 11/9, toàn tỉnh đã có 5.738 trường hợp mắc, tăng 285% so với cùng kỳ năm 2021. Các huyện có số ca mắc cao gồm: Tánh Linh (1.565 ca), Đức Linh (882 ca), Bắc Bình (825 ca), Hàm Thuận Nam (615 ca)... Bình Thuận đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong tại huyện: Đức Linh, Hàm Tân và Hàm Thuận Bắc. Như vậy từ tháng 6/2022 đến nay toàn tỉnh ghi nhận hơn 5.000 ca mắc mới.

Tại huyện đảo Phú Quý, sau nhiều tháng không ghi nhận ca mắc bệnh thì từ giữa tháng 6/2022 đến nay, bệnh sốt xuất huyết phát sinh và diễn biến phức tạp, có xu hướng lan rộng. Toàn huyện ghi nhận gần 50 ca với 7 ổ bệnh. Xã Long Hải có số ca mắc cao nhất huyện. Trước tình hình này, huyện Phú Quý xây dựng kế hoạch chủ động diệt lăng quăng và phun hóa chất phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Đồng thời, kêu gọi người dân loại bỏ dụng cụ chứa nước mưa, nước đọng tránh làm nơi sinh sản của muỗi; dọn dẹp nhà cửa.

Trước diễn biến ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, cách đây 10 ngày, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ, tìm các nguồn cung ứng đối với các thuốc chứa dextran 40 hoặc dextran 70 điều trị sốc sốt xuất huyết.

Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu sau khi tìm được nguồn cung ứng, các cơ sở nhập khẩu này phải liên hệ với các cơ sở khám chữa bệnh để xác định nhu cầu, ký hợp đồng và nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu về Cục.

Chú thích ảnh
Phun xịt hóa chất tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Cục Quản lý dược yêu cầu các đơn vị cung ứng đầy đủ thuốc theo dự trù của các Sở Y tế, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ khi nhập khẩu được thuốc và báo cáo về Cục Quản lý Dược về tình hình nhập khẩu.

Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm.

Người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người… cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh, tránh những biến chứng như sốc, suy đa tạng, chảy máu.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, sau khi bệnh nhân nhiễm phải một trong các chủng virus sốt xuất huyết thì cơ thể đã có khả năng miễn dịch với chủng đó suốt đời. Tuy nhiên, họ vẫn có thể tái nhiễm sốt xuất huyết do chủng khác gây nên. Điều đáng lo ngại là lần nhiễm sau sẽ nặng hơn lần nhiễm trước đó.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Bên cạnh đó, các gia đình thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link