11/09/2023 05:33 GMT+7 | Bóng đá Việt
Vào ngày 10/6/2008, Dick Fuld, CEO của Lehman Brothers, sắp trở thành một trong những người nổi tiếng (và tai tiếng nhất) của nền tài chính toàn cầu, ngồi ở vị trí trung tâm cuộc họp với ban lãnh đạo ngân hàng thương mại số một nước Mỹ bấy giờ, để nghĩ kế đối phó với báo cáo lợi nhuận quý hai ghi nhận gần 3 tỷ đô la Mỹ thua lỗ.
1. Mục đích của cuộc họp là để mọi người động não về một câu hỏi duy nhất. Và đáng ngạc nhiên, đó không phải là: "Chúng ta phải tổ chức lại công ty như thế nào để tách khỏi những tài sản độc hại nhất". Cũng không phải là: "Chúng ta làm thế nào để tăng tính thanh khoản để giải quyết nợ đáo hạn". Hay thậm chí cũng không phải là: "Chúng ta có thể sáp nhập với ai để tránh phá sản?". Tất cả các câu hỏi này sẽ được đặt ra với độ cấp thiết ngày càng tăng trong những tuần tiếp theo. Nhưng đối với Fuld, câu hỏi quan trọng hơn là: "Chúng ta làm thế nào để khôi phục sự tự tin?"
Đấy là một đoạn trong cuốn Too Big to Fail (Tạm dịch: Lớn đến mức không thể sập, xuất bản năm 2009) của Andrew Ross Sorkin, lập tức phơi bày bản chất của nền tài chính Mỹ bấy giờ. Nếu như bạn hay đọc về cuộc khủng hoảng thị trường tín dụng bất động sản 15 năm trước, bạn sẽ thường xuyên gặp các biến thể của câu chuyện này, và nó xuất hiện không ít lần trước khi quả bom lớn nhất nổ ra tại Lehman Brothers.
Thật hài hước là, đứng trước một cuộc khủng hoảng nhãn tiền, điều đầu tiên họ nghĩ đến không phải là tháo ngòi quả bom, mà là… khôi phục sự tự tin. Trong phòng họp của Lehman Brothers hôm ấy, họ cố nghĩ cách để che đậy, thao túng tâm trí đám đông.
Trong các buổi họp báo trước công chúng về tương lai của ngân hàng có lịch sử 158 năm tuổi này, các lãnh đạo của nó, bằng một giọng hết sức tự tin, cho rằng họ sẽ "sớm khắc phục được vấn đề". Nỗ lực này nhằm giữ giá cổ phiếu khỏi bốc hơi hoàn toàn.
Kết quả thì như sau này chúng ta đã biết: Các nỗ lực "khôi phục tự tin" chỉ làm tình hình tồi tệ đi. Và sau một thế kỷ rưỡi hoạt động, Lehman Brothers buộc phải tuyên bố phá sản.
Đơn giản là CEO của nó đã nhầm lẫn về sự tự tin: Một người tự tin không cảm thấy cần phải chứng minh rằng họ đúng - thay vào đó, họ chỉ đơn giản là thoải mái với việc có thể sai. Và khi đã thừa nhận mình có điểm yếu, hành trình khắc phục mới được khởi động.
2. Trong buổi họp báo trước trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Palestine, HLV Philippe Troussier nói thẳng: "Nhìn trên phương diện nền tảng của cầu thủ và bóng đá Việt Nam nói chung, các bạn thấy rồi đấy, cầu thủ còn thiếu sót khá nhiều về chất lượng, từ đường chuyền, tình huống cơ bản, khống chế, nhận bóng".
Ông so sánh: "Ví dụ với một tình huống, bóng đá Brazil cần hai lần thực hiện để ghi bàn, Nhật Bản cần ba lần còn Việt Nam có thể tới 10 lần. Cầu thủ chúng ta chưa đạt hiệu suất tốt".
Đấy là tông giọng chung của HLV Troussier mỗi khi nhận xét về các đội tuyển Việt Nam từ khi ông lên nắm quyền đến giờ. Vào tháng 8, ông thẳng thắn nói rằng bóng đá Việt Nam "không có tiền đạo nào có đẳng cấp châu lục". Rằng: "Thực tế, không cầu thủ Việt Nam nào thi đấu ở nước ngoài cả. Trong khi các tiền đạo nội ở V-League chỉ ghi trung bình 2 đến 3 bàn mà thôi", lời ông Troussier.
Tháng 7 vừa rồi, trên trang chủ Liên đoàn bóng đá châu Á, vẫn lời ông thầy người Pháp: "Chúng tôi phải đi một bước nữa để đến tầm châu Á. Vấn đề của chúng tôi là Việt Nam chưa có bước đột phá vượt tầm khu vực".
3. Nhìn qua thì có vẻ như HLV Troussier đang không được tự tin: Ông "dìm hàng" các cầu thủ hơi nhiều. Nhưng trên sân, màn trình diễn của các đội tuyển Việt Nam được cải thiện dần. Tối hôm kia, đánh bại Yemen, U23 Việt Nam giành suất dự vòng chung kết U23 châu Á một cách nghẹt thở, nhờ duy trì lối chơi tự tin đến những phút cuối.
Có vẻ như các cầu thủ đã học được rằng sự tự tin thực sự là gì: Họ cảm thấy thoải mái bất kể người khác nói gì, từ sự chỉ trích của báo chí cho đến sự chỉ trích từ chính… HLV của mình. Ông Troussier đã vạch ra một triết lý, và tất cả tập trung vào việc thực hiện. Họ tiến bộ nhờ nhìn rõ được điểm yếu của mình, và làm việc liên tục để cải thiện. Đấy có thể là một lối đi phù hợp cho mục tiêu World Cup, vì người ta sẽ không giấu giếm nhau thứ gì cả, như cái cách Lehman Brothers đã khiến tự làm mình sụp đổ cách đây 15 năm.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất