12/09/2014 15:24 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Nổi tiếng với chuyện "vác tù và hàng tổng" từ lâu trên các khán đài miền Nam, rồi Hội CĐV VFS (Vietnam Football Supporters) ra đời mà theo ông Nghĩa chỉ với mục tiêu duy nhất: Đem lại niềm tin cho người hâm mộ và lôi kéo họ tới sân để tạo thêm động lực cho bóng đá Việt Nam phát triển.
Cùng với các hội viên VFS góp thêm sức nóng trên khán đài sân Mỹ Đình, ông Nghĩa khẳng định, chính lứa U19 tài năng đang tỏa sáng tại giải U19 Đông Nam Á 2014 đã thu hút sự quan tâm của các CĐV, sau một thời gian dài thất vọng.
* Đội tuyển U19 kéo khán giả trở lại sân cỏ
- Thể thao & Văn hóa cuối tuần: Lần đầu tiên đội U19 quốc gia thi đấu trên SVĐ quốc gia Mỹ Đình, nhưng đã nhận được sự cổ vũ rất đông đảo, nhiệt tình của người hâm mộ. Theo ông, đâu là lý do?
* Ông Trần Hữu Nghĩa: Lý do thì rất đơn giản, đây là một thế hệ tài năng của bóng đá Việt Nam được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp với lối chơi kỹ thuật, đẹp mắt, hiệu quả và cũng đầy tinh thần thi đấu vì màu cờ sắc áo. Rõ ràng là nhờ có đội U19 Việt Nam mà bây giờ các CĐV đã trở lại với sân cỏ nội. Đặc biệt là nhiều CĐV nhỏ tuổi bắt đầu quan tâm đến bóng đá Việt Nam thay vì những CLB trên thế giới.
Ông Nghĩa gắn liền với các hoạt động cổ vũ đội tuyển U19 Việt Nam
- Nhưng dường như mọi sự chú ý của CĐV Việt Nam lúc này chỉ đổ dồn vào đội tuyển U19 mà quên mất ĐTQG đang trong giai đoạn hướng đến AFF Cup 2014, hay các đội tuyển nữ quốc gia, Olympic tham dự Asiad 17?
* Không thể phủ nhận là sau những vụ tiêu cực, dàn xếp tỷ số, bạo lực... bóng đá Việt Nam đang mất giá trầm trọng với CĐV. Nhiều người muốn tìm đến một cái gì đó tích cực hơn để tin tưởng, hy vọng và không có gì xứng đáng hơn đội tuyển U19 Việt Nam lúc này. Sự trong sáng, đẹp mắt trong lối chơi và tư cách đạo đức của những cầu thủ trẻ trong lẫn ngoài sân là những điều gây ấn tượng mạnh cho các CĐV. Một nền bóng đá chỉ chạy theo thành tích, kiểu mì ăn liền thì không thể vững vàng được. U19 Việt Nam hiện tại cho CĐV thấy cái nhìn lạc quan hơn và nó đáng được chăm chút cho tương lai không xa.
Còn về việc cổ vũ cho ĐTQG đá giao hữu với Hong Kong (Trung Quốc), thực ra thì sau trận đấu của đội tuyển U19 Việt Nam ngày 5/9, bản thân tôi và nhiều CĐV cũng muốn xuống sân Lạch Tray, Hải Phòng, nhưng vì chi phí không có nên đành thôi. Cũng vì hết tiền rồi nên hiện tại, tôi đã trở về TP.HCM để lo công việc cá nhân, nhưng nếu đội tuyển U19 vào tới chung kết, có điều kiện tôi sẽ lại đến Mỹ Đình cổ vũ cho các cháu.
VFS vẫn phải "giật gấu vá vai"
- Tại sao ông có quyết tâm cùng các hội viên cho ra đời VFS?
* Tôi đã ôm ấp ý tưởng này từ khi bóng đá Việt Nam nổ ra đầy chuyện không hay khiến niềm tin của CĐV suy giảm trầm trọng. Bên cạnh đó, việc bóng đá Sài Gòn không còn đội bóng đỉnh cao nào cũng thúc đẩy tôi làm điều gì đó để kêu gọi tình yêu của người hâm mộ thành phố.
Tôi gắn bó rất lâu với bóng đá Việt Nam nên thừa hiểu tình yêu bóng đá của CĐV nước mình chưa bao giờ tắt. Và chỉ cần một mồi lửa, nó sẽ sáng rực lên. Và VFS ra đời từ ngày 6/1/2014 trước sự kiện U19 Việt Nam dự giải quốc tế ở TP.HCM. Ban đầu có 800 người đến SVĐ Hoa Lư để tham gia buổi gặp mặt thân mật. Hiện tại, số người đã có thẻ thành viên của VFS là khoảng 4.000 người. Trong số đó, có rất nhiều bạn trẻ yêu bóng đá cuồng nhiệt. Tôi rất mừng vì họ là những người thắp lửa cho tương lai của bóng đá Việt Nam
- Từ khi thành lập đến nay, VFS đã làm được những gì, thưa ông?
* VFS đã trợ giúp đắc lực cho những Hội CĐV Bình Dương, Thanh Hóa, Long An đóng ở miền Nam để cùng khuấy động không khí trên các khán đài. Bên cạnh đó, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu tham gia cổ động tại những giải đấu lớn có sự góp mặt của đội tuyển Việt Nam và rất thành công. Đó là giải U19 quốc tế, giải futsal và bóng đá nữ châu Á ở TP.HCM, các trận đấu của U19 Việt Nam tại giải giao hữu ở Brunei chúng tôi cũng có những buổi offline để xem và cổ vũ qua màn hình lớn ngoài trời. Và gần nhất chính là giải U19 Đông Nam Á đang diễn trên SVĐ quốc gia Mỹ Đình.
- Hoạt động như thế, chắc hẳn VFS phải có tiềm lực lớn về tài chính?
* Chúng tôi hoạt động chỉ với niềm đam mê thuần túy chứ không có lợi nhuận gì. Một số Mạnh thường quân hồi trước khi Hội ra đời cũng có quà tặng là áo tặng các CĐV. Nhiều cá nhân và tổ chức cũng ngỏ ý nhưng rồi cũng không thấy đâu. Tài chính là điều khó khăn nhất của VFS lúc này nên chúng tôi đành chấp nhận "giật gấu vá vai" thôi.
* Giữ lửa đam mê
- Có mặt trên khắp các khán đài, nhưng vẫn cái cảnh "vác tù và hàng tổng" đã bao giờ ông nản chí?
* Tôi không hề nản vì bây giờ, các em nhỏ máu mê quá. Các em làm việc cũng khoa học và bài bản. Tôi rất hãnh diện vì được cùng sát cánh những con người trẻ nhiệt huyết. Tôi tin nếu vẫn giữ được lửa đam mê thì mọi thứ sẽ ổn.
Ttôi có 2 người con đã ổn định sự nghiệp. Bản thân tôi làm nghề vận chuyển thuốc tây cho mấy nhà thuốc lương khoảng 4 tới 5 triệu đồng/tháng. Hàng ngày tôi vận chuyển thuốc tây đi giao cho các nhà thuốc ở Bình Dương hay các nhà thuốc trong TP.HCM. Công việc của tôi vất vả nên tôi đã quen rồi. Bóng đá là niềm đam mê của tôi và nó đã ngấm vào máu rồi nên tôi không bỏ được. Tôi được ba tôi truyền cho đam mê bóng đá từ lúc ông còn nằm trong bụng bà nội (cười). Đứa con trai của tôi thậm chí còn đi trợ giúp với tôi khi đi cổ vũ.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Việt Hòa (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất