22/03/2015 15:14 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Khách của ông chủ quán cà phê tuần này một nhà đầu tư tài chính, với chủ đề là việc đầu tư vào bóng đá có phải là hạng mục mang lại nhiều rủi ro nhất không?
Nhà đầu tư tài chính: Chào ông chủ quán. Làm gì mà lúi húi trong quầy bar đến mức ông không biết cả khách đã vào quán thế?
Chủ quán cà phê: Tôi đang tính xem là Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã đốt bao nhiều tiền trong hai mươi năm qua cho việc thuê huấn luyện viên ngoại.
Nhà đầu tư tài chính: Ông tính được chưa?
Chủ quán cà phê: Tôi tính từ tối qua tới sáng nay mà chưa ra nổi. Cho chỗ ông Miura nghe nói dù phía Nhật có trả một phần nhưng ta vẫn tốn 12 ngàn USD mỗi tháng. Còn cái ông Falko Goetz ngày trước với ông Calisto thì nhận mức ngang nhau khoảng hơn 20 ngàn. Rồi ông Alfred Riedl thì mấy lần đầu là năm ngàn, sau tăng lên thành chục ngàn.
Nhưng có mấy HLV như ông Weigang, Murphy với Tavares hay các HLV khác nữa tôi tìm mãi không ra. Thú thực là tôi cũng chả nhớ được hết vì mới hai mươi năm thôi mà nhiều người thay nhau quá.
Nhà đầu tư tài chính: Ông để tôi giúp một tay. Chúng ta áng chừng thôi. Vì tôi dám cược là nếu ông có hỏi Liên đoàn thì họ cũng chẳng nhớ nổi đâu. Nếu được hỏi, chắc ông Dương Trung Quốc cũng phải tra google.
Chủ quán cà phê: Cũng được. Tôi thử tính thế này. Hai mươi năm trừ khoảng bốn năm ta dùng thày nội và thời gian đi tìm thày ngoại nữa là còn 16 năm. Tính trượt giá nữa rồi cộng bình quân chia ra thì bèo nhất chúng ta cũng tốn chừng 10 ngàn USD tháng. Anh tính cả thêm giúp tôi tiền thuế thu nhập mà Liên đoàn phải trả thay cho họ là 35% và thêm 200 ngàn tiền bồi thường cho cái ông Letard người Pháp là ra bao nhiêu nhé.
Nhà đầu tư tài chính: Khoảng 2,3 triệu đô. Tôi tính nhẩm, làm tròn thế thôi. Quy đổi ra tiền Việt thì cỡ 50 tỉ đồng. Nhưng anh còn chưa tính tới phí môi giới, lót tay, đi lại nữa.
Chủ quán cà phê: Thôi khỏi anh ơi. Chúng ta cứ áng chừng thế. Những khoản tiền khác miễn bàn. Như thế là cũng minh bạch hơn vạn lần so với nhiều lĩnh vực khác rồi. Tôi quan tâm là với con mắt của một nhà đầu tư thì anh thấy bóng đá Việt Nam bỏ ra ngần ấy tiền đổi lại mới chỉ một lần vô địch Đông Nam Á là đắt hay rẻ?
Nhà đầu tư tài chính: Tôi nghĩ là rẻ. Tôi không so với mặt bằng bóng đá thế giới. Nhưng tôi có thể so sánh với các lĩnh vực đầu tư khác của chúng ta. 50 tỉ đồng chưa đủ để xây ba cái hầm chui đường bộ ở Hà Nội, trong khi các thống kê cuối năm ngoái cho thấy Hà Nội có gần hai chục hầm chui xây tốn cỡ 200 tỉ đồng nhưng phần nhiều trong số đó có hiệu quả sử dụng rất thấp.
Nó cũng chưa bằng con số lẻ của Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam có giá trị đầu tư tới 3200 tỉ đồng nhưng gần đây được phản ánh trên báo Tuổi trẻ là có nhiều công trình bên trong bị xuống cấp hoặc bỏ hoang.
Chủ quán cà phê: Tức là anh cho rằng đầu tư của bóng đá cho thày ngoại như thế là hiệu quả đúng không?
Nhà đầu tư tài chính: Đúng thế. Nếu anh chỉ muốn tôi đánh giá riêng khoản tiền cho thày ngoại. Những niềm vui mà thành tích ấy mang lại cho cả một dân tộc thì không thể đo được bằng tiền, và tôi chưa thấy có một sự kiện văn hóa giải trí nào làm được điều đó. Nhưng tôi muốn anh phải đặt ra một câu hỏi quan trọng hơn là nó có mang lại sự thay đổi về chất nào cho cả nền bóng đá?
Chủ quán cà phê: Tôi nhớ có đời Chủ tịch của Liên đoàn từng nói là khi thuê HLV ngoại thì đó là một cơ hội để đào tạo các thế hệ HLV trẻ của Việt Nam bằng cách cho họ làm trợ lý. Cái thứ hai là thay đổi tư duy cho cả nền bóng đá. Cái thứ ba là mang lại những phong cách bóng đá chuyên nghiệp hiện đại. Chủ quán cà phê nên tôi chỉ nhớ có ngần ấy.
Nhà đầu tư tài chính: Thế thì tôi thấy nói không giống làm. Trợ lý có lúc tôi thấy dùng cả những người U60 để ngay sau đó có những người đã thôi nghiệp cầm quân như ông Thành Vinh, Mai Đức Chung, Trần Khánh, Hoàng Gia. Trợ lý trẻ lên tuyển rồi về CLB phát triển tôi mới thấy có Đức Thắng, Phan Thanh Hùng. Huỳnh Đức anh ấy có thành tích ở CLB rồi mới lên tuyển làm trợ lý.
Còn chất cho cả một nền bóng đá thì tôi chưa thấy gì cả. Anh có bảo cầu thủ Việt giờ khỏe và khôn lên rồi thì tôi cũng chẳng tin, vì nếu đúng như thế thì đội tuyển làm gì phải tập trung hàng tháng trời. Cái công thức này lạc hậu tới mấy chục năm rồi. Mà tôi nói anh nghe, chính cái sự yếu kém ấy làm cho bóng đá Việt Nam đang lãng phí hàng chục tỉ đồng.
Chủ quán cà phê: Lãng phí sao? Anh nói tôi nghe coi.
Nhà đầu tư tài chính: Thì cái việc cả giải đấu V-League phải nghỉ gần hai tháng đó. Các CLB có thi đấu gì đâu mà họ vẫn phải trả lương cho các cầu thủ, nhân viên của họ. Lương trong lúc thi đấu khác lúc cuối mùa chứ. Rồi lương cầu thủ ngoại theo thời vụ. Anh thử nhân giúp tôi là mỗi đội bóng với khoảng 30 người và lương tháng chừng 30 triệu cho 14 CLB thì tốn bao nhiêu.
Chủ quán cà phê: 12,6 tỉ đồng thưa anh. Hai tháng là hơn 25 tỉ đồng. Nếu năm nào cũng thế là thành mấy trăm tỉ rồi. Lãng phí như thế ghê gớm quá. Tôi thấy các CLB cũng hiền ghê. Vậy mà họ không phản đối gì.
Nhà đầu tư tài chính: Họ quen rồi. Bao năm qua họ chịu những cái bất hợp lý đó nên thấy nó hợp lý. Các ông chủ đầu tư ở các đội bóng chủ yếu là dân kinh doanh, họ không rành về chuyên môn bóng đá, còn các HLV lại là những người làm thuê thôi.
Chủ quán cà phê: Vậy nếu là anh, anh sẽ làm gì?
Nhà đầu tư tài chính: Không tôi là nhà đầu tư. Tôi không tư vấn miễn phí. Nhưng tôi có thể sẽ đổi ý, nếu VFF biếu tôi cặp vé mời tôi với anh đi xem Công Phượng. Mà anh hỏi nhiều làm tôi trễ mất rồi. Phải mua đầy bình xăng cho con xe "Tám hai" ngay kẻo xăng lại tăng giá.
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất