NSƯT Thu Huyền được khán giả yêu mến qua các vai diễn như Thị Màu trong "Quan Âm Thị Kính", Thị Phương trong "Trương Viên", cô Son trong "Cô Son" và gần đây là Hoạn Thư trong "Kiều", nàng Sita trong "Nàng Sita". Một trong các điều kiện để một nghệ sĩ được Nhà nước xét tặng danh hiệu NSƯT, đó là phải có 15 năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục, nhưng nghệ sĩ Thu Huyền đã được xét "đặc cách" khi mới chỉ có 13 năm, đủ thấy sự đóng góp của Thu Huyền rất được chú ý, ghi nhận.
Sau một thời gian nghỉ để hoàn thành thiên chức làm mẹ, chị có dự định làm một việc gì... đặc biệt để đánh dấu sự trở lại với sân khấu chèo lần này?
- Thực ra, tôi cũng đã đi làm được 2 tháng rồi. Tôi đi làm trở lại đúng dịp Hà Nội chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó Nhà hát Chèo Hà Nội cũng đảm nhiệm một số công việc nên rất bận rộn. Tôi được phân công là một thành viên trong tổ đạo diễn chương trình "Hành trình theo dấu người xưa" tái hiện con đường dời đô của vua Lý Công Uẩn từ Hoa Lư ra Thăng Long.
Tuy vất vả nhưng tôi cảm thấy rất vui vì mình là một nghệ sĩ của Hà Nội có phần đóng góp nhỏ bé vào những hoạt động văn hóa dịp đại lễ. Tôi coi đó chính là mốc đánh dấu sự quay trở lại của mình với sân khấu chèo.
Nhiều khán giả băn khoăn, Thu Huyền vừa là trưởng đoàn 2, vừa là một "cô đào ăn khách" của Nhà hát Chèo Hà Nội, là mẹ của 2 con nhỏ và cũng là hậu phương vững chắc sau những thành công của chồng - ca sĩ Tấn Minh. Với những "trọng trách" như vậy, có khi nào chị cảm thấy mình đang "phân thân" quá sức?
- Thực ra, người phụ nữ khi có con nhỏ bận rộn, vất vả hơn rất nhiều và cũng có một số việc bị hạn chế. Nhưng tôi may mắn là có hai bên gia đình giúp đỡ, động viên nhiều, lại có chồng biết thông cảm với vợ nên cũng thuận lợi hơn. Thực ra, tôi cũng là người luôn biết lượng sức mình. Sức lực đến đâu tôi làm tới đó, không ôm đồm, cũng không chạy đôn chạy đáo về việc gì. Nếu cảm thấy quá sức, tôi không làm nữa! (Cười)
Được biết, chị không phải con "nhà nòi", cơ duyên nào đã đưa chị đến với chèo, cho chị cái tên gắn với nghề mà nghệ sĩ chèo nào cũng phải mơ ước là "Huyền chèo"?
- Tôi xuất thân trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật cả, nhưng từ nhỏ tôi đã là cô bé ham thích nghệ thuật rồi. Năm 14 tuổi, tôi đòi mẹ cho ra Cung Thiếu nhi Hà Nội để thi Giọng hát hay thiếu nhi. May mắn làm sao tôi lại gặp được anh Hiệp là một tay trống của Nhà hát Chèo Hà Nội. Khi xem tôi biểu diễn, anh ấy rất thích, liền nói với mẹ tôi: "Nhà hát Chèo Hà Nội đang tuyển diễn viên, chị cho cháu thi vào đó đi. Em thấy đó là một giọng chèo rất triển vọng".
Ngày ấy, vở chèo "Nàng Sita" được rất nhiều người yêu mến, tôi cũng từng mơ mình được lên sân khấu để hóa thân thành nàng Sita. Thế là tôi đi thi. Hồi đó, mặc dù vẫn chưa biết hát một bài chèo nào nhưng tôi vẫn thi đỗ bằng cách múa hát các bài hát thiếu nhi và tôi gắn bó với chèo từ đó đến nay đã tròn 20 năm. Cái tên Huyền "chèo" xuất hiện từ lúc nào tôi cũng không biết nữa. Đó là cách gọi yêu mến của mọi người mà tôi rất trân trọng.
Nếu được lựa chọn lại hoặc có một cơ hội khác, liệu chị có chọn chèo để lập thân, lập nghiệp?
- Với những suy nghĩ như bây giờ thì đương nhiên tôi chọn chèo rồi. Với sân khấu chèo, tôi có được nhiều phần thưởng quý giá, đặc biệt là tình cảm của khán giả dành cho những vai diễn của tôi. Còn ngày xưa thì… chưa biết được, bởi hồi ấy tôi còn quá nhỏ, chỉ biết rằng mình thích múa hát thôi chứ chưa định hình rõ là theo bộ môn nghệ thuật nào. Nhưng tôi là người tin vào số phận. Tôi tin rằng có những sự việc xảy ra đúng lúc sẽ làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình.
Nhiều người trong giới sân khấu nói rằng, hồi mới vào nghề, Thu Huyền là một cô bé gầy gò, đen nhẻm, trán thì dô ra, trông chẳng "chèo" chút nào. Chị đã nỗ lực như thế nào, để giờ đây thật ít người để ý đến những nhược điểm ấy của mình?
- Đúng là hồi mới vào nghề, khi đến nhà hát tôi toàn bị các anh chị trêu vì vẻ ngoài vừa gầy, vừa đen, lại ít tuổi chưa biết ăn mặc, trang điểm gì. Nhưng tôi cho rằng, các anh chị đi trước vẫn ưu ái tôi là vì giọng hát, lối diễn xuất tự nhiên và niềm đam mê với chèo của tôi.
Là nghệ sĩ nên tôi cũng ý thức được rằng, dù trên sân khấu hay ngoài đời, mình đều cần để lại ấn tượng đẹp với mọi người nên tôi không ngừng học hỏi, lắng nghe để ngày càng tự hoàn thiện mình hơn, để mọi người ít để ý tới nhược điểm của mình. Tôi cho rằng, chính tình yêu đối với chèo đã khiến tôi đẹp dần lên trong mắt khán giả.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của Thu Huyền trong cuộc sống cũng như trong công việc, nhưng hình như chị còn là người rất may mắn nữa thì phải?
- Chính tôi cũng cảm nhận thấy điều ấy. Đơn giản như ngày ấy, nếu tôi không gặp anh Hiệp thì chưa chắc tôi đã trở thành một Huyền "chèo" như hôm nay. Khi ra trường, tôi lại may mắn được nhận ngay về Nhà hát Chèo Hà Nội, được đảm nhiệm những vai diễn dễ tạo được dấu ấn trong lòng khán giả như như Thị Màu, Thị Phương, cô Son, Súy Vân…
Ngay cả việc lấy chồng cũng thế. Tôi và anh Tấn Minh đã là bạn đến 10 năm trước khi trở thành vợ chồng, nên chúng tôi có nhiều điều hiểu và chia sẻ được với nhau.
Trong cuộc đời diễn viên chèo, được đảm nhiệm các vai đáng nể như Thị Màu, Thị Phương, cô Son, Súy Vân, Hoạn Thư, nàng Sita… quả là điều đáng tự hào. Nhưng người ta vẫn gọi Thu Huyền bằng cái tên quen thuộc: "Thị Màu Thu Huyền". Chị có thể kể vài câu chuyện, kỷ niệm vui buồn của chị xung quanh vai diễn "để đời" này của mình?
- Kỷ niệm thì nhiều lắm, bởi đó là vai diễn đánh dấu sự nghiệp của mình, đã diễn ở nhiều nơi, cả trong nước và nước ngoài. 16 tuổi tôi bắt đầu học vào vai diễn ấy do cô Mai Phong dạy và cụ Dịu Hương "chuốt" lại. Nhưng có lẽ nhớ nhất là lần tôi đem trích đoạn "Thị Màu lên chùa" đi tham dự cuộc thi Tài năng sân khấu trẻ toàn quốc năm 1998 tổ chức tại Đà Nẵng. Mỗi lần tôi cất tiếng hát, trong hội trường lại rộn lên tiếng vỗ tay và khi kết thúc, tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu, nhiều người lên tặng hoa, chúc mừng.
Hội diễn năm đó tôi đã đoạt giải Nhất. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ lại đêm diễn ấy, tôi vẫn thấy xúc động và đó như lời động viên, khích lệ để tôi tiếp tục cố gắng.
Trong những vai diễn, Thu Huyền đã hóa thân, mỗi vai diễn lại mang một vẻ khác nhau. Vậy đâu là nhân vật mà chị cảm thấy "giống" với mình nhất, bị ám ảnh lâu nhất?
- Thực ra, mỗi vai diễn có một tính cách, một số phận, xảy ra ở một thời đại khác nhau nên khó mà nói nó giống với mình ở điểm nào. Tôi chỉ thấy tôi giống Thị Màu ở cái nét nhí nhảnh, tươi vui. Với tôi, khi đã lên sân khấu, tôi hoàn toàn nhập vai, đến độ hoàn toàn có thể khóc cười thật sự bằng cảm xúc của chính nhân vật. Nhưng tôi đủ tỉnh táo, không để mình bị ám ảnh lâu, mà phải "thoát" ra khỏi nhân vật để trở về với cuộc sống thực tại đời thường. Phải "thoát" ra khỏi sân khấu thì mới sống cuộc sống bình thường được. Đó có lẽ là khả năng "thiên phú" của mỗi nghệ sĩ. Chính tôi khi xem lại cảnh mình vào vai Thị Phương trong vở "Trương Viên", tôi cũng khóc!
Là nghệ sĩ từng ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 11, điều gì đã thôi thúc chị có ý định trở thành một "bà nghị"? Khi đó, chị nghĩ tới trách nhiệm công dân hay tư cách của một nghệ sĩ nhiều hơn?
- Thực ra, tôi là người được cơ quan giới thiệu ra ứng cử vì xét thấy tôi là một người trẻ, lại có trình độ, năng lực chứ không phải mình có tham vọng chính trị gì đâu. Giả dụ trúng cử sẽ là một điều hay vì tôi sẽ là người nói thay tiếng nói của các nghệ sĩ. Nhưng tôi biết rằng, đi kèm với nó sẽ là những trách nhiệm nặng nề, mình phải học tập, trang bị nhiều thứ. Không trúng cử tôi cũng không buồn, vì trước hết, tôi vẫn là một nghệ sĩ nên tôi vẫn muốn dành hết tâm lực để hát, để diễn trước khán giả hơn là việc diễn thuyết trước nghị trường.
Không chỉ riêng chèo, mà các môn nghệ thuật truyền thống nói chung, đều đang đứng trước sự xâm lăng của các loại hình âm nhạc hiện đại. Bí quyết nào để Thu Huyền đến nay vẫn trụ vững và sống tốt với nghề?
- Thực ra, là nghệ sĩ của bộ môn nghệ thuật truyền thống và được yêu mến, đối với tôi là một hạnh phúc lớn. Bí quyết của tôi có lẽ chỉ là tình yêu, là ngọn lửa đam mê với nghề mà tôi vẫn nuôi giữ suốt hơn 20 năm qua. Mỗi lần đi diễn, dù là tiết mục mới hay cũ, tôi đều vẫn háo hức, hồi hộp và vẹn nguyên cảm xúc như thuở ban đầu. Tôi vẫn tin rằng, nghề chẳng phụ người!
Tối 20/4, tại khuôn viên Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình nghệ thuật: “Đất nước trọn niềm vui” truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam và tiếp sóng trên các kênh truyền hình trong cả nước.
Không cần đến những ngôi sao gạo cội, tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan vẫn thắng thuyết phục chủ nhà Hàn Quốc hai trận liên tiếp với cùng tỷ số 3-1 trong giải giao hữu Thái - Hàn 2025.
Ngoại hạng Anh vòng 33: Trong khi Arsenal đại thắng 4-0 trên sân Ipswich Town thì Chelsea phải chờ đến những phút cuối để ngược dòng giành chiến thắng 2-1 trước Fulham.
Nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tối 20/4, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội kết hợp cùng Hội Cựu chiến binh Phòng không – Không quân tổ chức Lễ tưởng niệm, tri ân Anh hùng liệt sỹ lực lượng Phòng không – Không quân.
Hai trận đấu cùng diễn ra lúc 18h00 ở vòng 19 V-League giữa SHB Đà Nẵng và Thép Xanh Nam Định và giữa SLNA và Quảng Nam đều kết thúc bất phân thắng bại.
Ngay sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về diễn biến giá vàng trong nước, giá vàng trong nước ngày 19/4 lại được các doanh nghiệp kinh doanh điều chỉnh giảm mạnh.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2025, thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 131% so với năm 2024.
Ngày 20/4, Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh Quảng Ninh) thông tin, đơn vị này vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 cá nhân về hành vi đăng tải thông tin có nội dung xúc phạm uy tín, danh dự của lực lượng Công an nhân dân.
Bộ phim truyền hình mới toanh của đài SBS, The Haunted Palace (Cung điện ma ám), vừa ra mắt vào khung giờ vàng thứ Sáu - thứ Bảy đã lập tức "gây bão", khiến khán giả không khỏi bất ngờ với tỷ suất người xem vượt xa kỳ vọng ngay trong tập đầu tiên.