(TT&VH Cuối tuần) - Được chú ý từ cuộc thi Australian Idol 2008 với phần trình diễn đầy ấn tượng, đặc biệt là khi trình diễn lại ca khúc của nhóm ABBA The winner take it all với cây đàn piano, Thanh Bùi đang nổi lên như một giọng ca gốc Việt đầy triển vọng. Tuy chỉ đứng thứ 8 trong cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát nước Úc có hơn 30.000 thí sinh tham gia, nhưng con đường âm nhạc của Thanh Bùi không dừng lại ở đây cùng giấc mơ đoạt giải Grammy danh giá.
Đến với âm nhạc qua lời ru của mẹ
* Một số khán giả trẻ Việt Nam theo dõi Australia Idol 2008 rất ngạc nhiên khi thấy một cái tên Việt Nam là Thanh Bùi và thắc mắc Thanh Bùi ở đâu ra vậy ?
- Ba mẹ tôi là người Việt, họ di cư qua Australia và sinh tôi tại đất nước này, năm 1983. Mẹ tôi kể rằng ngày còn nhỏ, tôi là đứa trẻ rất khó chiều, mỗi ngày mẹ phải hát ru tôi đủ bốn tiếng đồng hồ thì tôi mới chịu ngủ yên. Niềm đam mê đối với âm nhạc của tôi có từ khi đó chăng? 10 tuổi thì tôi đã bắt đầu hát trong dàn đồng ca thiếu nhi ở nhà thờ, học chơi piano cổ điển, học nhảy và học cả diễn kịch nữa.
Ca sĩ Thanh Bùi
* Nghe đâu anh còn lấn sang cả quần vợt trước khi về lại với âm nhạc ?
- Khi 13 - 14 tuổi, tôi thần tượng Michael Chang (ngôi sao quần vợt Mỹ gốc Hoa nổi tiếng thế giới - PV) và mơ được chơi tại giải Wimbledon. 17 tuổi, trong một lần đi hát cùng bạn bè, tôi được nhiều người tán thưởng khi hát ca khúc I’ll make love to you. Tôi nhận ra rằng mình nên quay lại với niềm đam mê vốn có. Nhưng cứ lần lữa, để phòng thân, tôi nghe theo lời khuyên của bố mẹ. Tôi đã cố gắng lấy bằng cử nhân công nghệ thông tin và mất ba năm vào việc đó.
* Sau đó anh tiếp tục sự nghiệp âm nhạc của mình như thế nào?
- Rồi tôi tham gia một ban nhạc tên là North. Ban nhạc của chúng tôi đã có hai chuyến biểu diễn khắp châu Á. Chúng tôi ký được hợp đồng thực hiện hai album nhạc rock với với Universal Music and EMI Music. Tôi đã học được rất nhiều kinh nghiệm từ đó, hiểu thêm nhiều điều về nghành công nghiệp âm nhạc.
* Khi đã gặt hái được những thành quả như vậy, tại sao anh không tiếp tục phát triển cùng North mà lại ghi danh thi Australian Idol - cuộc thi vốn chỉ dành cho những người mới bắt đầu?
- Vì những thành quả đó chỉ mang lại cho chúng tôi kinh nghiệm thôi chứ không có doanh thu, nên North không còn tồn tại nữa. Hai năm tiếp theo, tôi chuyển sang mảng khác là viết nhạc và thu âm cho một số nghệ sĩ cũng có tên tuổi. Rồi tôi lại nghĩ sao mình không dám theo đuổi đam mê bằng nhiệt huyết ở cái tuổi 25. Tôi đã tự nhủ mỗi người chỉ sống một lần nên hãy làm theo những gì con tim mách bảo. Australian Idol đến, bệ phóng cho giấc mơ của tôi đã đến. Tôi biết, cuộc đời tôi đã thay đổi từ đấy.
* Thay đổi như thế nào, thưa anh ?
- Tại cuộc thi này, tôi lại học được nhiều điều nữa, hiểu thêm về môi trường âm nhạc, cơ hội và thách thức. Vị trí top 8 cho tôi biết tôi có thể tiến xa hơn cả giấc mơ xưa kia, tôi có thể trở thành một nghệ sĩ quốc tế. Sau Idol, tôi đã có dịp đi biểu diễn cho kiều bào Việt Nam sinh sống ở Los Angeles. Sau đó là cơ hội làm việc với một số nhạc sĩ đã từng đoạt giải Grammy như Charlie Midnight (viết ca khúc cho James Brown, Britney Spears) hay Michael Jay (viết cho Celine Deon, Eminem)… Tôi nghĩ đó là cơ hội học hỏi để vươn lên tầm cao hơn.
Tôi có lợi thế để trở thành ca sĩ quốc tế
* Thế còn hiện giờ thì sao? Anh đang làm gì?
- Tôi đang tranh thủ những cơ hội “chu du” trong các studio ở nhiều nơi, làm việc với những nghệ sĩ giỏi. Tôi cũng dành nhiều công sức và thời gian để luyện giọng. Bên cạnh đó, tôi còn học cả nghệ thuật biểu diễn để khi lên sân khấu sẽ biết cách trình bày, truyền tải câu chuyện, cái hồn của ca khúc đến khán giả. Sau khi được nhiều người Việt biết đến và ủng hộ, tôi đã có ý định làm một album song ngữ Anh-Việt, dự án này tôi đang cộng tác với hai nhạc sĩ Việt Nam tại Mỹ. Bên cạnh đó là những buổi biểu diễn thường xuyên để có cơ hội tiếp xúc với người hâm mộ. Tạm thời vậy trước đã nhé!
* Anh có thể nói rõ hơn về cơ hội hợp tác, những dự định làm việc với các nghệ sĩ quốc tế mà anh có được sau chuyến đi Los Angeles?
- Chuyến đi Los Angeles do người quản lý chính của tôi - David Rowley - thu xếp nhằm tạo cơ hội để tôi viết nhạc cho thị trường Tây Âu. Sau chuyến đi, tôi đã viết được 17 ca khúc và đang trong quá trình hoàn tất. Tôi thu âm ngay tại phòng thu riêng của mình và gửi sang cho nhà sản xuất để phối khí. Làm việc với họ, tôi nhận ra mình còn quá bé nhỏ. Nhưng họ cũng biết tôi có tố chất nên rất sẵn lòng chỉ cho tôi những khuyết điểm… Họ đã ít nhiều thay đổi cuộc đời tôi, giúp tôi tự tin hơn.
* Có vẻ như anh không mặn mà lắm với thị trường âm nhạc của Australia thì phải, thế nên mới tìm đến Los Angeles để thử sức mình?
- Ngành công nghiệp âm nhạc của Australia cũng rất tốt nhưng có điều dân số ở đây chỉ khoảng 21 triệu người, một thị trường rất nhỏ. Dù ở đó cũng có nhiều nhạc sĩ giỏi nhưng so với Los Angeles thì khác hoàn toàn. Ở Los Angeles có rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất đã từng giảnh giải Grammy danh giá, đó là môi trường tốt để tôi học hỏi, phát huy hết khả năng và tìm cách vươn ra thế giới. Dù sao thì tôi cũng là “lính mới”. Bây giờ, tôi đang cố gắng hoàn tất mọi việc ở Australia để qua Mỹ vào năm tới.
* Không ít ca sĩ Việt Nam thành danh trong nước lẫn hải ngoại đã và đang ôm mộng trở thành ca sĩ quốc tế nhưng xem ra giấc mơ ấy hẳn còn xa lắm. Dù gì anh cũng là người Việt, anh “tuyên ngôn” thế rất dễ bị đánh giá là ảo tưởng…
- Thực sự thì tôi không biết về những ca sĩ như bạn nói. Nhưng tôi nghĩ vấn đề lớn nhất mà nghệ sĩ Việt Nam gặp phải đó là rào cản về ngôn ngữ và sự hiểu biết có giới hạn về thị trường âm nhạc phương Tây. Tôi cho rằng khi quyết định đi ra thế giới có nghĩa là bạn phải chuẩn bị nội lực và tâm thế để cạnh tranh với những tên tuổi lớn, với những người lão làng trong công nghệ lăng-xê và làm mới hình ảnh. Với riêng bản thân tôi, tôi có chút ít lợi thế vì được sinh ra ở đất nước sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh, lại lớn lên trong nền văn hóa Tây phương, vì thế tôi biết rõ mình cần làm gì để đáp ứng được thị hiếu của công chúng trong lĩnh vực này. Ngoài sự cố gắng của bản thân thì còn phải làm những việc khác cũng quan trọng và không hề dễ dàng là tìm người cộng tác ăn ý như nhà sản xuất, người viết nhạc, stylist... Và cũng cần chút may mắn.
* Tại sao anh lại chọn David Rowley làm người quản lý cho mình?
- Tôi chọn David Rowley vì ông ấy có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực âm nhạc, là ca sĩ kiêm nhạc sĩ, đã tự xây dựng thành công tên tuổi của mình và từng làm việc với các nhạc sĩ tầm cỡ quốc tế. Hơn nữa, David Rowley tin tưởng vào khả năng của tôi, ông cũng muốn tôi thành công ở cả hai vai trò – nhạc sĩ và ca sĩ.
Tôi là tổng hòa của hai nền văn hóa Đông - Tây
* Ngoài David Rowley còn ai nữa hỗ trợ anh trên con đường xây dựng hình ảnh?
- Có anh Viễn Trinh, cũng là người viết nhạc, anh ấy dạy tôi rất nhiều về âm nhạc Việt Nam. Và một stylist giúp tôi có hình ảnh dễ thương hơn.
* Anh có nói hồi nhỏ mẹ anh dành rất nhiều thời gian để ru anh ngủ, anh còn nhớ những bài hát ấy không?
- (Cười) Thật tội cho mẹ! Tôi biểu diễn trên sân khấu một tiếng đồng hồ thì đã thấm mệt, vậy mà hồi nhỏ tôi khóc đòi mẹ hát ru những bốn tiếng mỗi đêm. Tôi kính trọng mẹ. Nhưng bây giờ hỏi mẹ đã hát gì ru tôi hồi đó thì tôi làm sao nhớ được vì lúc đó còn quá nhỏ.Tôi đoán là mẹ tôi đã hát cải lương cho tôi nghe vì mẹ tôi thích ca sĩ Hương Lan lắm!
Ca sĩ Hương Lan
* Mang trong mình dòng máu Việt Nam nhưng sinh ra và lớn lên trên xứ sở Kangaroo, anh giữ “gốc Việt” trong mình thế nào?
- Trong thâm tâm tôi, Australia là quê hương bởi tôi đã sinh ra ở đây (mà ở đây không chỉ có Kangaroo đâu nhé, còn có cả cá sấu). Nhưng tôi vẫn thấy mình có 100% bản sắc Australia và 100% bản sắc Việt. Tôi mang ơn bố mẹ tôi khi họ cố gắng dạy tôi học tiếng Việt, dạy cho tôi những giá trị truyền thống của gia đình người Việt như sự lễ phép, tính siêng năng, cần mẫn. Tôi đã về Việt Nam thăm họ hàng ba lần. Nói vậy chứ, bản sắc phương Tây trong tôi cũng rất rõ ràng, bởi tôi lớn lên trong môi trường này. Tôi nghĩ tôi là tổng hòa của hai nền văn hóa Đông - Tây. Tôi đã cố thu nhận những điều tốt đẹp nhất từ hai nền văn hóa này.
* Với một vẻ ngoài đậm nét châu Á, theo anh đó là hạn chế hay lợi thế khi đứng giữa “đấu trường” phương Tây?
- Tôi nhận ra sự khác biệt của mình với những người xung quanh tôi từ hồi còn nhỏ, và họ rất kỳ thị khiến tôi thấy mình như đứng bên rìa xã hội ấy. Nhưng tôi vẫn tự hào vì mình là người Á Đông, là người Việt Nam. Nét Á Đông trên khuôn mặt tôi làm tôi khác mọi người, đó cũng là lợi thế.
* Anh có nghe nhạc Việt Nam không và anh đánh giá ra sao về môi trường âm nhạc Việt Nam hiện nay?
- Tôi nghe nhạc Việt khá thường xuyên, đó là cách để tôi luyện phát âm và hiểu thêm về ngôn ngữ mẹ đẻ. Tôi thích nghe nhất ca sĩ Tuấn Ngọc (nhất là khi nghe anh hát bài Riêng một góc trời). Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam cũng có nhiều tài năng có thể cho ra những sản phẩm âm nhạc chất lượng và họ đang tìm chỗ đứng trong thị trường âm nhạc toàn cầu. Tôi thấy cần phải về Việt Nam nhiều hơn để trực tiếp tìm hiểu.
Trước khi đến với cuộc thi tài năng trẻ nước Úc, Thanh Bùi từng là thành viên của boyband North. Ban nhạc đã ra hai album với nhà sản xuất Universal và EMI, từng lưu diễn ở Thái Lan, Indonesia, chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng âm nhạc Malaysia. Anh không trói mình trong bất kỳ thể loại nào khi âm nhạc của Thanh Bùi là sự kết hợp của soul, pop và mix cùng âm thanh điện tử.
|
* Lý do nào khiến anh làm album song ngữ Anh - Việt và anh có thể tiết lộ một chút về album này?
- Đó là album mà tôi đang làm cùng tác giả Lê Xuân Trường. Tôi đang học tiếng Việt, học cái hồn của ngôn từ tiếng Việt, học hát bằng tiếng Việt. Thật là khó khi hát đến những chỗ cần luyến giọng và những từ khó phát âm.
Tôi thấy rằng mình cần làm gì đó để các bạn trẻ người Việt sinh sống ở nước ngoài tìm nghe nhạc Việt, để họ thấy tiếng Việt rất thú vị. Tất nhiên làm được điều đó rất khó, nhưng đó là cách mà tôi hướng về nguồn cội.
* Sao anh không làm một album “đơn ngữ” trước đã rồi hẵn làm “song ngữ” bởi “hồn vía” của một ca khúc đâu chỉ nằm lồ lộ ở mặt ngôn từ. Nó còn là nhiều thứ khác nữa ẩn bên trong. Ôm đồm vậy sẽ rất dễ dẫn đến việc một album Tây chẳng tới và Việt cũng chẳng ra…
- Khi chưa đi học, tôi nói tiếng Việt suốt những năm tháng quanh quẩn trong nhà với bố mẹ, sáu tuổi tôi mới bắt đầu học tiếng Anh, nên tiếng Việt đã ăn sâu vào tôi từ khi còn nhỏ.
Hầu hết các ca khúc tôi viết cho album này là bằng tiếng Anh, sau đó tôi nhờ một số người cộng tác giúp tôi dịch lời sang tiếng Việt, lựa chọn những từ phù hợp nhất để có thể diễn tả ý nghĩa của bài hát và dễ nghe, dễ thuộc.
* Anh định phát hành album này ở đâu?
- Tất nhiên là tôi có ý định phát hành trên toàn thế giới, những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Tôi nghĩ sẽ có nhiều điều thú vị.
* Làm ca sĩ bao giờ cũng phải quan tâm đến thị hiếu của công chúng, ấy là chưa kể thị hiếu giữa người Việt sống ở trong và ngoài nước cũng rất khác nhau. Anh làm cách nào để lấy lòng cả hai “miền” thị hiếu ấy?
- Tôi xác định rằng mình vẫn giữ những quan điểm cá nhân để hát và sáng tác, bởi nó làm nên cảm xúc của riêng tôi. Còn nếu để thay đổi mình cho phù hợp với thị hiếu của mọi người thì khó lòng mà chiều hết. Nhưng tôi đã rất bất ngờ khi lần đầu tiên hát cho người Việt ở Los Angeles mà đã nhận được sự ủng hộ của nhiều Việt người sinh sống trên khắp thế giới.
Minh Hải (thực hiện)