Lần đầu tiên, diva nhạc Việt chủ động khoe về cô công chúa nhỏ cũng như những thay đổi sau khi làm mẹ. Không thuê người giúp việc, Hà Trần và ông xã tự thu xếp mọi việc trong nhà.
* Vừa sinh em bé, nguyên nhân nào khiến chị quyết định về nước hát?
- Tôi nhận lời vì sự nhiệt tình của ban tổ chức và tình cảm với êkíp thực hiện chương trình, với cá nhân đạo diễn Việt Tú. Theo dự tính, Việt Tú mời tôi hát rất nhiều show từ tháng 4 qua tháng hết tháng 5, nhưng chỉ về được một tuần vì con còn nhỏ, nên tôi chọn "Lung linh sắc Việt" vì phù hợp về mặt thời gian. Đây cũng là một chương trình quy mô mà tôi nghĩ các ca sĩ cảm thấy vinh dự được mời tham gia.
Theo đề nghị của biên tập Chu Minh Vũ, tôi sẽ hát Vật đổi sao dời của nhạc sĩ Trần Tiến và Tình ca của nhạc sĩ Quốc Bảo. Ca khúc Vật đổi sao dời khá thú vị, đó là một câu chuyện âm nhạc nhân văn về hành trình đổi mới của thành phố Đà Nẵng và cả những con người ở đó. Đây là ca khúc tôi thu âm trong đĩa nhạc “Trần Tiến”, nhưng giờ mới lần đầu trình diễn trên sân khấu.
Hà Trần và con gái Nala Yến Đoàn.
* Làm sao chị có thể yên tâm để lại con gái 3 tháng tuổi lại Mỹ để về Việt Nam một tuần?
- Anh Bình chồng tôi là một ông bố lý tưởng và rất chịu chăm con. Văn hóa phương Tây không phân bì việc nuôi con nhỏ là công việc của đàn bà nên đàn ông bên này chăm con không thua gì phụ nữ. Em bé ở nhà với bố là chính. Cuối tuần thì có bà nội và họ hàng qua thăm nom, giúp đỡ. Nhờ hậu phương vững chắc nên tôi không phải lo lắng quá cho em bé. Có chăng là lo cho nỗi nhớ con của chính mình.
* Em bé còn quá nhỏ trong khi chị là một người của công chúng, phải lưu diễn nhiều nơi. Chị cân bằng thế nào giữa gia đình và sự nghiệp?
- Tôi nghỉ 3 tháng ở nhà nuôi con như các bà mẹ phải đi làm khác. Sau 3 tháng tôi bắt đầu đi hát lại. Cũng may công việc trình diễn ở Mỹ rơi vào cuối tuần, nên cũng không đến nỗi đi suốt ngày không thấy mặt con. Chúng tôi tự thu xếp với nhau được. Để cân bằng cũng vất vả đấy, nhưng những đồng nghiệp khác thu xếp được thì tôi cũng làm được thôi.
Thực tế là nếu sống theo kiểu Mỹ, hầu hết cặp vợ chồng đều tự tay chăm sóc con, chơi với con từ nhỏ chứ ít khi giao phó con cái cho người giúp việc hay ông bà. Một con hay nhiều con cũng thế. Bố mẹ bận đi làm thì gửi giữ trẻ trong giờ làm, nhưng việc chăm sóc con thì vẫn cùng nhau. Kể cả những ngôi sao nổi tiếng công việc bận rộn và có điều kiện tài chính thoải mái để muốn thuê bao nhiêu người giúp việc cũng được thì bạn thấy đấy, họ vẫn tự nuôi dạy con và không nề hà công việc này. Tôi thấy đó cũng là một điều hay. Nhà tôi hiện nay vẫn chưa thuê một vú em nào cả.
* Lấy chồng một thời gian dài mới sinh em bé, con gái có ý nghĩa thế nào với hai vợ chồng chị?
- Khi mang bầu những tháng đầu tôi cứ nghĩ bé là con trai. Nhà tôi nhiều cháu gái nên tôi cũng muốn có con trai cho cân bằng âm dương (cười). Khi biết em bé là gái tôi cũng hơi bất ngờ. Một người bạn bảo vì tôi mất mẹ sớm nên số phận cho tôi con gái để nối lại những cảm xúc mẫu tử với mẹ tôi qua sự ra đời của bé. Tôi thấy ý nghĩ này duy tâm nhưng rất chuẩn xác. Con gái cho tôi một tình cảm sâu sắc, chỉ có thể so sánh như tình yêu của tôi với mẹ.
* Khi em bé chào đời, cảm giác của chị thế nào?
- Cảm xúc làm mẹ lần đầu thì… chỉ có những người làm mẹ rồi mới hiểu nổi. Tôi cũng không ngoại lệ. Chúng tôi đặt tên cháu là Nala Yến Đoàn. Tên đệm Yến để vinh danh dì ruột tôi - là người tôi coi như người mẹ thứ hai của mình. Cái tên Nala có gốc Châu Phi mang nhiều ý nghĩa đẹp, như "hòa bình", "thành công", "con gái cưng", "nữ hoàng", "quà tặng của tạo hóa"… tùy theo ngôn ngữ từng nước. Vợ chồng tôi không thích những cái tên phổ thông, nhưng cũng muốn chọn một tên gì dễ đọc trong tiếng Việt.
Bé giống cả bố lẫn mẹ, đặc biệt là những tấm ảnh bố mẹ ngày bé. Cũng có lúc nhìn giống chị họ Trần Hoàng Hà. Tính cách của cháu thì đến lúc này cũng còn quá nhỏ để nói.
Nala Yến Đoàn vừa tròn 3 tháng tuổi, bụ bẫm và đáng yêu.
* Sau khi có con, con người chị biến đổi ra sao?
- Sự thay đổi lớn nhất là những trọng tâm trong cuộc sống. Có những điều trước đây có thể là quan trọng với tôi thì nay không nhiều ý nghĩa. Tất cả những gì tôi muốn xây dựng từ nay là cho con và gia đình, cái tôi cá nhân không còn tồn tại.
* Chị từng ra một tập thơ với tình cảm người phụ nữ đang mang trong mình trọng trách thiêng liêng. Khi con ra đời, cảm hứng thi ca của chị có gì thay đổi?
- Tập thơ của tôi phát hành cuối năm 2011, tựa "Thập kỷ yêu". Khi ra mắt tôi đã đùa là có thể 10 năm tôi mới làm tiếp tập nữa. Tôi không phải là nhà thơ chuyên nghiệp, có cảm xúc thì mới cầm bút và cũng phải vui lắm tôi mới công bố thôi. Tôi không thi thố, và cũng không đặt mục đích gì với thi ca cả.
* Mỗi ông bố, bà mẹ thường đặt rất nhiều kỳ vọng vào con. Vợ chồng chị thì sao?
- Chúng tôi không đặt kỳ vọng gì, chỉ mong Nala lớn lên thành người tử tế, khỏe mạnh và có tính cách. Tất cả những kỳ vọng phải ở chính cá nhân cháu với bản thân, và bố mẹ sẽ hỗ trợ hết sức để Nala đạt được những mơ ước của cháu. Nếu cháu có đam mê và khát vọng thì chúng tôi sẽ hỗ trợ hết sức, dù đó là nghệ thuật hay bất cứ ngành nghề nào khác.
* Chị sẽ làm sao để cô bé lớn lên ở Mỹ nhưng vẫn giữ được những nét tâm hồn của người Việt ?
- Tôi nghĩ bố mẹ là người Việt thì tự động con cái sẽ có những tính cách Việt, không phải cố. Mọi sự phát triển trong cuộc sống phải thuận tự nhiên, cứ cố ép buộc mà con không thích thì cũng không được. Chỉ cần cho con thấy những nét hay của người Việt, nếu phù hợp với con, nó sẽ tự tiếp nhận.
Theo VnExpress