Sau quan họ, ca trù trở thành di sản thế giới

02/10/2009 09:48 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Ca trù của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vào lúc 14h45 (giờ Việt Nam) hôm qua (1/10), tại Abu Dhabi, thủ đô của Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất. Như vậy trong vòng 20 tiếng, Việt Nam đã có thêm 2 di sản thế giới nữa - một  “cú đúp” ngoạn mục trên hành trình vinh danh các di sản của Việt Nam. Nhân dịp ca trù được vinh danh, TT&VH giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Xuân Diện, người đầu tiên ở VN bảo vệ thành công luận án TS về ca trù, và luận án TS của ông là một trong những tài liệu trong bộ  hồ sơ gửi UNESCO.

Ca trù là “nghe hát”, chứ không phải “xem hát”

Ca trù chỉ một lối hát cổ truyền của người Việt. Tên gọi ca trù cũng đã được tài liệu cổ ghi nhận. Trên các tài liệu Hán Nôm chữ “trù” trong “ca trù” là thẻ làm bằng tre, trên thẻ có ghi số tiền (hoặc quy định ngầm với nhau là mỗi thẻ tương ứng với một khoản tiền), dùng để thưởng cho đào và kép ngay trong khi biểu diễn thay cho việc thưởng bằng tiền mặt; cuối chầu hát sẽ căn cứ vào số thẻ mà tính tiền trả cho đào và kép hoặc giáo phường. Người quyết định việc thưởng này chính là vị quan viên (khách nghe hát), sử dụng trống chầu (gọi là cầm chầu). Đó là nguồn gốc của tên gọi ca trù. Tuy nhiên ca trù, với ý nghĩa là một lối hát có dùng thẻ để thưởng như đã nói ở trên thì chỉ có ở hát ca trù ở đình đền, tức là hát thờ.


Nghệ thuật ca trù
Ca trù sử dụng ba nhạc khí đặc biệt (không chỉ về cấu tạo mà còn về cách thức diễn tấu) là đàn đáy, phách và trống chầu. Về mặt văn học ca trù làm nảy sinh một thể loại văn học độc đáo là hát nói. Đây là một bộ môn nghệ thuật ca nhạc “thính phòng” được hình thành trên nền tảng âm nhạc dân gian Bắc bộ, người nghe cũng tham gia vào cuộc hát bằng việc cầm chầu. Ca trù còn có những cái tên khác như: hát cửa đình, hát nhà trò (hát ở đình, đền, miếu), hát cửa quyền (trong cung phủ), hát nhà tơ (hát ở dinh quan, tư gia các gia đình quyền quý), hát ả đào, hát cô đầu (hát ở các ca quán)...

      Liên hoan CLB ca trù 2009 sẽ diễn ra từ ngày 6-10/10 tại Trung tâm Triển lãm VHNT VN (2 Hoa Lư, HN) với sự tham gia của khoảng 200 nghệ nhân, ca nương, kép đàn, trống chầu của 21 CLB trong cả nước với gần 90 tiết mục. Nghệ nhân cao tuổi nhất tham gia Liên hoan đã trên 80 tuổi, trẻ nhất là 10 tuổi.
H.C
Ca trù gắn liền với nghi thức tế thần ở các đình làng, ngoài những điệu hát còn có các nghi lễ với vũ điệu và cả các cách thi tuyển tại đình làng trong dân gian nên các lề lối biểu diễn ca trù được gọi là thể cách. Thể cách ca trù vừa bao gồm làn điệu, vừa bao gồm các hình thức diễn xướng khác như múa, biểu diễn kỹ thuật nghề (đàn, trống).


Khác với nghệ thuật chèo, hát văn, đi thưởng thức ca trù gọi là đi “nghe hát”, chứ không phải là đi “xem hát”. Đào nương ca trù khi múa và diễn không có các trang phục nhiều màu vẻ như chèo hay hát văn. Đào nương ca trù hầu như chỉ ngồi  bất động trong suốt cuộc hát trên một mảnh chiếu cạp điều, với vẻ mặt bình thản, đoan trang. Đào nương chỉ có một cỗ phách tre đặt trước mặt và “đối thoại” với khách nghe chỉ bằng giọng hát và tiếng phách của mình. Do đó, vẻ đẹp của ca trù là vẻ đẹp của âm thanh đã chuốt thành những chuỗi ngọc lung linh mà người hát trao cho người nghe hát, cũng đồng thời là những người làm ra các bài thơ đó, lại cũng là người phẩm bình, chấm điểm cho tiếng hát, tiếng phách ấy.


Bức chạm cổ xưa nhất về đàn đáy - nhạc cụ phổ biến trong ca trù.
 Thế kỷ 16. Đình Lỗ Hạnh, huyện Hiệp Hòa, Bắc Ninh. Ảnh: Viện Mỹ thuật.

Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy?

Sau năm 1945, trong một thời gian khá dài sinh hoạt ca trù vốn tao nhã và sang trọng trước đây đã bị hiểu lầm và đánh đồng với các sinh hoạt thiếu lành mạnh ở một số ca quán đô thị khiến cho xã hội chối bỏ và quyết loại sinh hoạt ca trù ra khỏi đời sống văn hóa. Ca trù đã không được nuôi dưỡng và phát triển một cách tự nhiên, không được tôn vinh đúng mức, phải chịu tồn tại thiếu sinh khí và tàn lụi. Nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đã phải cố quên đi nghiệp đàn hát và giấu đi lai lịch của mình.

Khoảng chục năm trở lại đây dư luận xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí đã từng lên tiếng về nguy cơ thất truyền của ca trù. Nguy cơ mai một dần và vĩnh viễn mất đi ca trù là một nguy cơ có thực, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn ca trù như một vốn quý của văn hóa của dân tộc.

Việc ca trù vừa được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp là một điều rất đáng mừng. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng, rằng từ đây, di sản ca trù của Việt Nam đã chính thức được thế giới ghi nhận và chính thức là một di sản quý giá mà Việt Nam đóng góp vào kho tàng văn hóa nhân loại. Danh hiệu này cũng nhắc nhở chúng ta đang có một di sản quý báu mà bấy lâu nay chúng ta còn thờ ơ, quên lãng. Nay, di sản ấy cần được phủi bụi thời gian và hiển hiện như ngọc long lanh dưới ánh sáng mặt trời rực rỡ. Các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nghệ sĩ và cả cộng đồng sẽ chung tay gầy dựng cho nghệ thuật ca trù, tìm cho ca trù một chỗ đứng trong đời sống văn hóa đa dạng phong phú hôm nay.

Ca trù cần được sống trong đời sống đương đại chứ không phải chỉ tồn tại trong thư tịch cổ hay các kho băng đĩa. Và chỉ có như vậy, tiếng hát ca trù mới thực sự là tiếng họa mi cất lên từ cánh đồng âm nhạc Việt Nam!

TS Nguyễn Xuân Diện

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link