Các ban nhạc nữ Triều Tiên 'khuấy đảo' vùng biên Trung Quốc

25/07/2015 07:09 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Giống như nhiều khách sạn khác ở Trung Quốc, khách sạn quốc tế Côn Lôn có giá thuê rất rẻ, mặc dù có phòng ốc và thiết bị khá tiện nghi. Đáng nói hơn, đây là nơi hằng đêm một ban nhạc toàn nữ Triều Tiên thường xuyên trình diễn các ca khúc kinh điển của đất nước mình.

Nhóm nhạc gồm 7 thành viên này là những cô gái trẻ trung và có ngoại hình “bắt mắt”, trông giống ban nhạc Moranbong đến kinh ngạc.

Moranbong hiện là một hiện tượng văn hóa của Triều Tiên, nhờ thành công vang dội kể từ khi các thành viên của ban nhạc này được đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyển chọn.

Giờ đây, các cô gái bắt chước phong cách của nhóm Moranbong ở Bình Nhưỡng đang trình diễn ở nhiều thị trấn dọc biên giới Trung Quốc. Họ muốn tạo lập chỗ đứng đích thực trong làng giải trí, chứ không phải tìm kiếm những giá trị “xổi” hay chỉ biết trình diễn trong các nhà hàng Triều Tiên.

Chuyên trình diễn các ca khúc êm tai

Tại khách sạn Côn Lôn, nằm ở Hồn Xuân - khu vực vùng biên của Trung Quốc nằm kẹp giữa Nga và Triều Tiên, các thành viên của ban nhạc kể trên mặc một bộ trang phục màu đỏ và trình diễn dưới ánh đèn sắc tím. Họ trình bày các ca khúc dân gian nghe rất êm tai, bên cạnh các nhạc phẩm mang tinh thần yêu nước của Triều Tiên.


Ca sĩ Triều Tiên trình diễn trong một khách sạn ở Diên Cát, tỉnh Quế Lâm, Đông Bắc Trung Quốc

“Triều Tiên còn rất nghèo khổ và đất nước này thực sự cần mở cửa kinh tế. Tuy nhiên ban nhạc này đã trình diễn rất tốt. Đây là lần đầu tiên tôi xem một nhóm nghệ sĩ Triều Tiên trình diễn” – một du khách tên là Zhao Dongxia nói.

Chính quyền Bình Nhưỡng giám sát rất chặt chẽ những người được phép xuất ngoại. Bởi vậy, các thành viên của ban nhạc này hầu như chỉ ở trong khách sạn, hiếm khi ra ngoài.

Ca sĩ Lim Tae Jeong nói với phóng viên AFP, khi trong tay cầm một cuốn tạp chí Vogue phiên bản tiếng Trung: “Tôi không thể đọc được tiếng Trung, song tôi thích xem các bức ảnh, với các bộ trang phục rất khác lạ và hiện đại” – Lim nói bằng thứ tiếng Trung không trôi chảy - “Đương nhiên là tôi yêu thích ban nhạc Moranbong, mặc dù chúng tôi không nổi tiếng và xuất hiện dày đặc được như họ”.

Làn gió âm nhạc mới

Vài năm trở lại đây, nền văn hóa đại chúng của Hàn Quốc đã có được những “cú hích” đáng kể, điển hình là ca khúc ăn khách Gangnam Style (2012) của ca sĩ rap Psy, đã trở thành một hiện tượng khắp toàn cầu.

Ban nhạc Moranbong chưa tạo được sức ảnh hưởng toàn cầu tương đương như vậy, song ở Triều Tiên, các đường phố luôn vắng người mỗi khi họ tổ chức hòa nhạc. Các học sinh cũng thuộc làu những bài hát của ban nhạc. Điều thú vị là ca khúc của Moranbong có tiết tấu nhanh, mang âm hưởng nhạc disco, khác hẳn với những giai điệu phổ cập ở Triều Tiên.  

Pekka Korhonen, giáo sư khoa học chính trị thuộc trường Đại học Jyvaskyla của Phần Lan, người đang điều hành trang web chuyên giới thiệu các ca khúc của ban nhạc, cho biết: “Moranbong là ban nhạc đang cực kỳ nổi tiếng ở Triều Tiên. Họ tượng trưng cho chính quyền mới của ông Kim Jung Un và sẽ phát triển như vậy cho đến khi ông Kim muốn đổi hướng”.

Hàng chục năm qua, Triều Tiên đã cử nhiều người lao động ra nước ngoài làm việc, từ các xưởng gỗ của Nga cho tới các công trường xây dựng ở vùng Vịnh và các nhà hàng ở Campuchia.

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Chiến lược Triều Tiên vào năm 2012, có khoảng 60.000-65.000 người Triều Tiên đang làm việc ở hơn 40 nước, đem lại nguồn thu ngoại tệ từ 150-230 triệu USD/năm cho đất nước này.

Nhiều nghệ sĩ trình diễn ở các vùng biên giới đã tốt nghiệp các trường nhạc, tuy nhiên cũng có người hát chỉ "hơn karaoke một chút". Tại một màn diễn trong một nhà hàng ở Hồn Xuân, 3 nữ ca sĩ trông giống như hầu bàn bằng lòng hát miễn phí cùng các thực khách. Tuy nhiên họ cũng sẵn sàng chấp nhận những đồng tiền “boa” mệnh giá 100 NDT của khách.

Song dù trong hoàn cảnh nào, tất cả các nghệ sĩ Triều Tiên ở đây đều thể hiện niềm tự hào về đất nước của mình. Trong đó, Ryu Seol Sin (28 tuổi) đã ở Trung Quốc gần 2 năm và cô bắt đầu nghĩ đến việc trở về quê hương.

Ryu đã tốt nghiệp Nhạc viện Kim Won Gyun ở Bình Nhưỡng. “Tôi từng muốn làm việc thật siêng năng để có thể trình diễn trước đám đông khán giả. Song giờ tôi muốn được dạy nhạc và nghĩ đây là cách ổn định, an toàn hơn để phục vụ đất nước mình” - Ryu bày tỏ.

Việt Lâm (theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link