04/07/2023 06:35 GMT+7 | Italy
11 năm sau màn chia tay đẫm nước mắt với thế hệ các huyền thoại Nesta, Gattuso, Inzaghi và Seedorf, Milan lại trải qua một mùa Hè đau đớn đến thế. Chỉ trong vài tuần, các biểu tượng của đội bóng lần lượt ra đi.
Đầu tiên là thủ lĩnh Zlatan Ibrahimovic tuyên bố giã từ sân cỏ, vài ngày sau đến lượt huyền thoại Paolo Maldini bị sa thải. Tiếp đến, cố chủ tịch vĩ đại Silvio Berlusconi qua đời, và cũng chỉ ít ngày sau đó, người được xem là biểu tượng tương lai của đội, Sandro Tonali, bị bán đi.
Không còn chất Milan, chỉ có chất Mỹ
Sau tất cả, người hâm mộ Milan buộc phải chấp nhận sự thật bởi những gì đã xảy ra đều không có gì vô lí cả. Thời gian đã đánh bại Zlatan, sự kém hiệu quả trong công việc không thể giữ chân Maldini, tuổi già đã mang Berlusconi vào lịch sử và Tonali ra đi để đổi lấy khoản tiền có thể cứu rỗi tương lai Milan. Đó là sự vận hành của cuộc sống. Điều quan tâm lúc này là sau những biến động lớn ấy, đặc biệt về mặt bản sắc và tinh thần đỏ-đen, Milan sẽ ra sao. 11 năm trước, sau khi thế hệ biểu tượng đồng loạt ra đi, Milan đã rơi vào khoảng tối kéo dài gần 1 thập kỷ. Liệu điều đó có lặp lại?
Cho đến lúc này, 6 ngày trước khi triệu tập đội hình cho mùa giải mới, Milan mới chỉ hoàn tất 3 vụ chuyển nhượng, với các thủ môn Marco Sportiello, Noah Raveyre (miễn phí từ Atalanta, St Etienne) và tiền vệ Ruben Loftus-Cheek (20 triệu euro từ Chelsea). Đây đều là các thương vụ đã được hoàn tất dưới tay cựu giám đốc Paolo Maldini. Đội ngũ phụ trách chuyển nhượng mới bao gồm CEO Giorgio Furlani, Trưởng bộ phận trinh sát Geoffrey Moncada và HLV Stefano Pioli, hoàn toàn chưa đạt được kết quả nào dù đã cố gắng. Milan thất bại trong tất cả các cuộc đua giành chữ ký của Evan Ndicka, Youri Tielemans, Marcus Thuram hay mới nhất là thần đồng Arda Guler.
Sự thiếu uy tín và kinh nghiệm đàm phán đã hại Milan trên chợ cầu thủ. Cả Furlani và Moncada đều chưa là gì trong địa hạt này, trong khi vai trò của Pioli dường như không có thật. Ông được quyền can thiệp nhiều hơn vào việc lựa chọn cầu thủ, tuy nhiên những người ông muốn có là Sergej Milinkovic-Savic và Davide Frattesi lại không nằm trong danh sách ưu tiên của bộ đôi Furlani-Moncada. Trong việc này, chính sách kiểu Mỹ vẫn có ảnh hưởng quyết định. Ngay cả khi đã bán Tonali để có nhiều tiền, Milan vẫn không có ý định chi quá 25-30 triệu euro cho một cầu thủ, hay đề nghị họ những mức lương vượt quá mức lương 5 triệu euro/năm của Rafael Leao. Do đó, nguy cơ họ tiếp tục thất bại ở các thương vụ đang theo đuổi như Christian Pulisic, Samuel Chukwueze, Yunus Musah là không nhỏ.
Trăm dâu đổ đầu Pioli
Ngày 10/7 tới, Milan sẽ hội quân. Ở trại tập Milanello sẽ không còn Ibrahimovic và Tonali, những tấm gương cho toàn đội, cũng như một Maldini tâm huyết luôn chăm chú quan sát từng hoạt động. Pioli từng nói rằng ông không thể đạt được thành công vừa qua nếu không có Ibra và Maldini, những người dẫn đường, nhưng giờ là lúc ông phải tự mình làm mọi thứ. Không Ibra, Pioli sẽ phải làm thay nhiệm vụ húy lạo tinh thần, thậm chí là nạt nộ nếu cần, cho các cầu thủ. Không Maldini, như tất cả đã thấy, công tác tăng cường nhân sự của Milan đang tiến triển hết sức chậm chạp. Milan đã bỏ phí cả tháng Sáu, trong khi mùa giải cũng chỉ còn hơn 1 tháng nữa là lại bắt đầu. Nhiệm vụ ổn định nhân sự trước kỳ tập huấn là hầu như không thể hoàn thành.
Sự ra đi của Tonali khiến Milan mất cả cặp tiền vệ trung tâm tốt nhất (Bennacer nghỉ đến hết năm 2023). Loftus-Cheek không phải là người có thể thay thế bất kỳ ai trong số họ. Milan giờ đây phải đi tìm ít nhất 2 tiền vệ trung tâm chất lượng nữa, trong khi nhiệm vụ mua tiền đạo, tiền vệ công tiền vệ cánh phải và hậu vệ cánh trái vẫn chưa đạt được kết quả gì. Một công trường ngổn ngang đúng nghĩa đang chờ Pioli ở Milanello. Liệu Pioli có thực sự có nhiều quyền hạn hơn so với một huấn luyện viên thuần túy hay không, sau khi giới chủ Mỹ hứa hẹn sẽ xem ông như một nhà quản lý (theo mô hình giải Ngoại hạng Anh) để giữ chân ông sau vụ sa thải Maldini? Cho đến hiện tại, Pioli gần như chưa có tiếng nói. Người đàn ông vốn quen với việc chắp vá đội ngũ liên tục bởi chấn thương và chất lượng cầu thủ thấp kém này chắc cũng không muốn phàn nàn gì, nhưng một khi giới lãnh đạo lừa dối từ người hâm mộ, cầu thủ đến cả một thuyền trưởng tâm huyết như ông, cơn loạn lạc ở Milan có lẽ mới chỉ bắt đầu.
Leao đổi cả số áo và tên
Tiền đạo Rafael Leao chính thức đổi áo từ số 17 sang số 10, chiếc áo mà Brahim Diaz để lại sau khi kết thúc 3 năm chơi theo dạng cho mượn tại Milan. Không chỉ thế, ngôi sao sinh năm 1999 còn đổi tên trên lưng áo từ Leao thành Rafa Leao. Có thể đây là một tín hiệu cho thấy anh đã sẵn sàng trở thành một phiên bản cao cấp hơn, có ảnh hưởng còn lớn hơn nữa lên đội bóng áo sọc đỏ-đen. Như vậy, trong suốt 3 thập kỷ gần nhất, chiếc áo số 10 tại Milan luôn thuộc về các cầu thủ người nước ngoài, kể từ sau trường hợp của Roberto Baggio ở mùa giải 1995-96. Những số 10 tiếp theo là Boban (người Croatia), Rui Costa (Bồ Đào Nha), Seedorf (Hà Lan), Boateng (Ghana), Honda (Nhật Bản), Calhanoglu (Thổ Nhĩ Kỳ) và Diaz (Tây Ban Nha).
Vĩnh Nguyên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất