Nguồn cơn gây sốt vàng ở Việt Nam

15/11/2009 10:48 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Giá vàng ở Việt Nam ngày 11/11 vượt ngưỡng 29 triệu đồng/lượng, gây cơn xáo động trong dân chúng. Bên cạnh những yếu tố đầu cơ, tâm lý đám đông thì có thể tìm thấy nguồn cơn gây “sốt vàng” ở Việt Nam và giá vàng tăng trên thế giới tại Ấn Độ.

Ngày 4/11, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã mua 200 tấn kim loại quý, gây hiệu ứng dây chuyền. Nga cũng không phải là “vô can” vì trước đó nước này tuyên bố sẽ bán 50 tấn vàng vào cuối năm nay nhưng rồi mới đây đã “nghĩ lại”.


Ấn Độ ôm vào

Ấn Độ quyết định xuất USD để mua vàng miếng sau khi Bộ trưởng Tài chính nước này tuyên bố các nền kinh tế Mỹ và châu Âu đã “sụp đổ”. Ngay lập tức giá vàng trên thế giới lập kỷ lục 1.087,45 USD/ounce rồi liên tục tăng lên và đạt đỉnh 1.111,20 USD/ounce ngày 9/11/2009.

Theo tờ Financial Times, việc Ấn Độ đổ ra 6,7 tỷ USD để ôm về một khối lượng vàng tương đương 8% sản lượng vàng được khai thác một năm trên thế giới là dẫn chứng rõ ràng nhất vào thời điểm này về việc các nước châu Á rời bỏ đồng tiền của Mỹ. Hợp đồng mà phía Ấn Độ ký với Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã khiến giá vàng trong ngày tăng 2,6%. Các ngân hàng trung ương của những quốc gia khác cũng bắt đầu gom vàng.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee tuyên bố rằng, quyết định trên thể hiện sức mạnh của nền kinh tế nước này, vốn đang muốn vươn lên vị trí thứ năm trên thế giới về dự trữ ngoại tệ. Ông khẳng định: “Chúng tôi có đủ tiền để mua vàng như vậy. Chúng tôi có đủ nguồn dự trữ ngoại tệ”.

Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á, đã quyết định đa dạng hóa các nguồn dự trữ ngoại tệ theo xu thế chung. Một loạt các nền kinh tế lớn đang phát triển, trong đó có Trung Quốc, hiện muốn “rũ bỏ” đồng USD trong nguồn ngoại tệ dự trữ quốc gia. Bắc Kinh đã dùng một phần ngoại tệ dự trữ để mua cổ phần trong các cơ sở khai thác nhiên liệu ở những quốc gia khác, đặc biệt là tại châu Phi. Các tổng công ty nhà nước của Trung Quốc tích cực đầu tư vào những mỏ dầu, khí đốt, than ở khắp nơi trên thế giới.

Jonathan Spall, chuyên gia về vàng và là thành viên của Ban Giám đốc hãng Barclays Capital, nhận định: “Ấn Độ đã có quyết định lịch sử đối với một quốc gia đang phát triển. Đây sẽ là tín hiệu đối với các ngân hàng trung ương khác cũng đang tính đến việc thu gom vàng”.


Nga không “nhả” ra

Chính phủ Nga mới đây tuyên bố năm nay, họ sẽ không bán ra 50 tấn vàng như dự định, lấy cớ là thông tin đã bị rò rỉ ra bên ngoài (cho dù tin này chưa kịp gây phản ứng nào ở thị trường quốc tế). Sergei Gornyi, Phó Tổng giám đốc hãng Xuất khẩu vàng và đá quý của Nga, nói với hãng tin Reuters: “Do rò rỉ thông tin nên trong thời điểm hiện nay sẽ không có chuyện Nga bán vàng”. Ông cũng không tiết lộ là lúc nào Nga sẽ tung vàng ra thị trường quốc tế.

Trước đó, Reuters từng đưa ra thông tin rằng, để bù đắp sự thâm hụt ngân sách, chính phủ Nga sẽ bán từ 20 đến 50 tấn vàng. Với giá vào thời điểm chưa “sốt” thì việc bán vàng sẽ đem lại cho nước này cao nhất là 1,7 tỷ USD. Và đây sẽ là lượng vàng lớn được Nga bán ra lần đầu tiên kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ (năm 1991). 50 tấn vàng tương đương với 1,25% nhu cầu vàng của thế giới trong một năm.

Tại Nga, số lượng vàng dự trữ trong kho vàng quốc gia là bí mật nhà nước và việc để thất thoát thông tin sẽ bị xử tù. Kho vàng Nga được thành lập năm 1719 dưới thời Pierre Đại đế và tại đây còn tích trữ cả đá quý. Năm nay, kho vàng Nga dự định mua của các nhà khai thác nội địa gần 5 tấn vàng. Ngay từ đầu, các nhà phân tích quốc tế đã tỏ ý nghi ngờ về kế hoạch bán vàng của Nga bởi vì suốt thời gian qua, Ngân hàng Trung ương nước này luôn tăng tỷ lệ vàng trong kho dự trữ. Các nhà kinh tế hàng đầu của Nga vẫn cho rằng trong thời buổi đầy biến động hiện nay thì vàng là sự đầu tư đảm bảo nhất.

Lượng vàng mà Ngân hàng Trung ương Nga trữ trong kho sau 9 tháng qua tăng 14% và đạt 19 triệu ounce. Từ năm 2008, Nga đã trở thành quốc gia khai thác vàng lớn thứ năm trên thế giới, với sản lượng bằng khoảng 7% tổng sản lượng toàn cầu.

Trần Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link