Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển Trung Bộ chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới

01/09/2019 09:36 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 14/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển Trung Bộ; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hóa Thể thao và Du lịch; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, hệ thống Đài Thông tin duyên hải.

Bão số 5: Áp thấp nhiệt đới giật cấp 9 cách quần đảo Hoàng Sa 280 km sẽ mạnh lên thành bão số 5

Bão số 5: Áp thấp nhiệt đới giật cấp 9 cách quần đảo Hoàng Sa 280 km sẽ mạnh lên thành bão số 5

Bão số 5: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hồi 2 giờ 30 phút, ngày 1/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 119,5 độ Kinh Đông, cách phía Đông Bắc đảo Lu-dông (Phi-líp-pin) khoảng 150 km về phía Tây Bắc.

Nội dung Công điện nêu rõ: Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 1 giờ ngày 1/9, vị trí áp thấp nhiệt đới ở 19,1 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Dự báo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới: Phía Đông kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông; phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Chú thích ảnh
Vị trí đường đi dự kiến của bão số 5 cập nhật sáng 1/9

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Trung Bộ nên trong ngày và đêm 1/9, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, một số nơi như: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa 70-150mm/24 giờ). Đặc biệt từ ngày 2-6/9, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm/đợt).

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và mưa lớn trên diện rộng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ. Đối với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương, trên tuyến biển: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông tin đến các thuyền trưởng, chủ phương tiện hoạt động trên biển để chủ động thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn neo đậu tại bến; đảm bảo an toàn người, phương tiện tại nơi tránh trú và khách dụ lịch trên trên các đảo. Căn cứ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và tình hình cụ thể tại địa phương, thực hiện việc cấm biển và thông báo hoạt động trở lại theo hướng dẫn của các chuyên môn phù hợp với các quy định hiện hành có liên quan.

Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị, theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới; thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân để chủ động phòng, tránh, nhất là khu vực đô thị, vùng trũng thấp ven biển, sông; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết để chủ động ứng phó. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho hành khách tại các khu du lịch, ngư dân tại các khu neo đậu tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra rà soát phương án đảm bảo an toàn hệ thống hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc; công trình đê điều đặc biệt là các trọng điểm xung yếu và công trình đang thi công. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu khi có tình huống. Tiếp tục huy động giúp dân khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu. Rà soát hệ thống hệ thống kênh, mương thủy lợi, công trình đầu mối sẵn sàng tiêu thoát nước bảo vệ sản xuất và phòng chống ngập úng cho khu vực đô thị.

Đối với khu vực trung du và miền núi, tập trung khắc phục sự cố, hư hỏng ở các công trình hồ đập, kênh mương, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng mưa lũ của bão số 4 vừa qua. Tiếp tục triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, phát hiện kịp thời những nơi nguy cơ cao, dòng chảy bị tắc ngẽn, các dấu hiệu bất thường khác để thông báo cho chính quyền và người dân kịp thời xử lý hoặc di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn, đặc biệt là tại các khu vực đã bị ảnh hưởng của mưa lũ sau bão số 4.

Bên cạnh đó, kiểm tra công tác vận hành, phương án đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa, thủy điện, thủy lợi nhất là các hồ đập xung yếu hoặc đang thi công. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời ứng phó khi tình huống xảy ra. Sẵn sàng phương án đảm bảo giao thông, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành: Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, kể cả mưa lũ thượng nguồn ngoài biên giới có thể gây ảnh hưởng diễn biến lũ các sông, suối trong khu vực chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, thường xuyên cung cấp các thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới đến các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, người dân phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và chủ động ứng phó.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn cho tàu vận tải, hàng hải theo quy định; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm xung yếu để khắc phục kịp thời các sự cố đảm bảo giao thông thông suốt khi có tình huống xảy ra.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi, đê điều, tàu thuyền đánh bắt hải sản…; Bộ Công Thương chỉ đạo bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, hệ thống điện, công tác đảm bảo an toàn cho hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản. Bộ Xây dựng chỉ đạo bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, các công trình cao tầng, công trình cột tháp cao…; Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đảm bảo thông tin liên lạc tại các khu vực nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Bộ Ngoại giao có công hàm gửi các quốc gia và vùng lãnh thổ liên quan để hỗ trợ tàu thuyền và ngư dân vào tránh trú khi có nhu cầu. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho du khách tại các khu du lịch và nghỉ dưỡng.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục làm tốt công tác thông tin, đưa tin kịp thời diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ hướng dẫn kỹ năng ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh hiệu quả. Các bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các địa phương triển khai ứng phó và sẵn sàng hỗ trợ địa phương xử lý, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa lũ; tham mưu công tác chỉ đạo, điều hành các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Thắng Trung (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link